Thứ năm, 28/11/2024 02:16 (GMT+7)
Thứ ba, 17/05/2022 18:00 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/5

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM khẩn trương giải quyết 38 dự án bất động sản bị "ách tắc"; Tại sao đất nền vẫn là kênh đầu tư hàng đầu?; Tại sao đất nền vẫn là kênh đầu tư hàng đầu?; … là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

TP.HCM khẩn trương giải quyết 38 dự án bất động sản bị "ách tắc"

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chỉ đạo giao các cơ quan có thẩm quyền để xem xét tháo gỡ vướng mắc tại 38 dự án bất động sản nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư sau khi nhận được báo cáo tổng hợp của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/5 - Ảnh 1
Nhiều chủ đầu tư bất động sản tại TP.HCM luôn than phiền về rào cản pháp lý kéo dài nhiều năm qua. (Ảnh: Hữu Khoa).

Theo công văn khẩn của Văn phòng UBND TP.HCM, ông Mãi chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Thanh tra Thành phố, Sở Tư pháp, Cục Thuế TP.HCM và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu các nội dung kiến nghị của doanh nghiệp.

Người đứng đầu UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật, trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo xin ý kiến UBND thành phố để xem xét. Các đơn vị nói trên phải báo cáo kết quả thực hiện trong 15 ngày làm việc.

Cuối tháng 4 vừa qua, HoREA đã gửi báo cáo bổ sung về kiến nghị của 29 doanh nghiệp đề nghị được xem xét tháo gỡ vướng mắc cho 38 dự án bất động sản tại TP.HCM.

Trong các đề xuất tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho 38 dự án bất động sản tại TP.HCM được HoREA tổng hợp, nhiều chủ đầu tư gặp vấn đề trong khâu tính tiền sử dụng đất để hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra còn có các vấn đề về thủ tục chấp thuận chủ đầu tư, diện tích nhà ở xã hội.

Tại sao đất nền vẫn là kênh đầu tư hàng đầu?

Trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư lên xuống thất thường, việc tìm kiếm cơ hội gia tăng lợi nhuận của giới đầu tư đang hướng về thị trường bất động sản, và đất nền vẫn được đánh giá là điểm hẹn sáng giá của dòng tiền.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/5 - Ảnh 2
Lựa chọn kênh đầu tư an toàn là bài toán dành cho nhiều người. (Ảnh: Internet)

Thời gian gần đây, sự biến động của các kênh đầu tư khiến nhiều người lo ngại. Còn nhớ ngày 07/3/2022 giá vàng đã cán mốc 73,5 triệu/lượng, tăng gần 4 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng nửa ngày, cao hơn giá vàng thế giới tới 17 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó giá vàng đã sụt giảm. Việc triển khai các chính sách làm giảm lạm phát, gia tăng giá trị đồng USD của Chính phủ Mỹ được xem là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này. Trước sức ép của đồng USD, phần lớn giới đầu cơ nhận định thị trường vàng sẽ không có cơ hội khởi sắc.

Sự rung lắc còn được ghi nhận tại thị trường chứng khoán. Sau thời gian tăng trưởng nóng, hàng loạt mã cổ phiếu nằm sàn, gây ra tình trạng thua lỗ cho nhà đầu tư trên diện rộng. Nhiều nhà đầu tư F0 vốn thiếu kinh nghiệm đã buộc phải nhanh chóng thoái vốn, cắt lỗ để chuyển kênh đầu tư, và thị trường bất động sản chính là đích ngắm phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Mặc dù thị trường năm 2021 phải hứng chịu những tác động nặng nề của dịch bệnh nhưng những động lực mới đã và đang thúc đẩy thị trường phục hồi nhanh chóng từ những tháng đầu năm 2022.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát nhưng giá bất động sản vẫn liên tục tăng. Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đây được xem là những tiền đề thuận lợi cho các loại hình nhà ở, đặc biệt là phân khúc đất nền trong năm 2022.

Sốt ảo, đầu cơ, lướt sóng... đang dần "mất chỗ" trên thị trường bất động sản

Hàng loạt các lệnh siết tín dụng, phân lô bán nền,... được triển khai khiến giới đầu cơ khó khăn, thị trường những khu vực sốt ảo đột ngột nguội lạnh, thậm chí thanh khoản có nguy cơ bị ách tắc.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/5 - Ảnh 3
Sốt ảo, đầu cơ, lướt sóng... đang dần "mất chỗ" trên thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa) 

Mới chỉ cuối năm 2021, thị trường bất động sản ở các địa phương vẫn liên tục lên cơn sốt đất như Bắc Giang, Hòa Bình, vùng ven Hà Nội,.... Thậm chí nhà đầu tư trao tay nhau chỉ trong thời gian ngắn cũng lãi vài trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không còn diễn ra những cảnh nhà đầu tư xếp ô tô hàng dài để xem, mua đất nữa, thay vào đó là tâm lý thăm dò, phòng thủ ngày càng lên cao. Mặc dù bây giờ vẫn chưa xảy ra tình trạng bán tháo, nhưng hiện tượng lệch pha cung - cầu đã có, người mua ít nhưng người bán nhiều.

Anh Văn Thế - môi giới tại Bắc Giang cho biết, sau khi lệnh siết tín dụng được ban hành, thị trường khu vực này cũng ít người về xem, khác hẳn so với những gì diễn ra trong năm 2021.

“Văn phòng tôi cả tháng nay mới được 2 giao dịch, nhà đầu tư thì vẫn lác đác đi xem. Thị trường có chậm lại là do nhà đầu tư vẫn đang thăm dò động thái tiếp theo của thị trường bất động sản”, anh Thế thừa nhận.

GS Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng, vấn đề không nằm ở việc siết tín dụng mà cần phân tích cả ở việc thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu. Người dân thiếu nguồn thu nên đổ xô kinh doanh bất động sản khiến cầu hàng hóa bị khan thật - ảo đan xen.

Theo ông, nếu tiếp tục siết tín dụng vào bất động sản, nguồn cung sẽ càng giảm và thiếu so với nguồn cầu đang tăng. Câu chuyện dòng vốn sẽ phức tạp hơn và phải đặt trong bối cảnh thị trường vẫn có những cơn sốt đất và nhiều dự án hình thành trong tương lai.

Bộ Xây dựng: Người nước ngoài không được mua nhà thương mại trong dự án NƠXH

Theo Bộ Xây dựng, đối chiếu với các quy định thì tổ chức nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở đối với nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội (NƠXH).

Bộ Xây dựng vừa hướng dẫn Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang về việc bán, cho thuê, cho thuê mua đối với phần 20% diện tích sàn nhà ở thương mại trong công trình nhà ở chung cư xã hội.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/5 - Ảnh 4
Tổ chức nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở đối với nhà ở thương mại trong dự án NƠXH. (Ảnh Báo Bắc Giang).

Theo Bộ Xây dựng, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định số 100 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH) thì trường hợp phương án quy hoạch chi tiết của dự án xây dựng NƠXH do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.

Bắc Giang: Dừng việc cho chuyên gia nước ngoài ở “chui” tại các dự án NƠXH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn mới đây đã có buổi làm việc về một số nội dung liên quan đến dự án khu NƠXH Vân Trung, xã Vân Trung, huyện Việt Yên. Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu dừng lưu trú đối với các chuyên gia, người lao động nước ngoài khỏi các dự án khu NƠXH.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã yêu cầu đối với Ban Quản lý các KCN tỉnh tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại các khu công nghiệp theo quy định; theo dõi, đôn đốc việc di chuyển của các chuyên gia đang lưu trú ra khỏi các khu nhà của dự án chậm nhất vào ngày 20/4/2022, đồng thời hỗ trợ tìm các địa điểm, vị trí lưu trú mới cho chuyên gia (trong trường hợp được đề nghị hỗ trợ); nắm chắc tình hình để kịp thời đề xuất giải quyết các vấn đề phát sinh và tổng hợp báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới