Chủ nhật, 24/11/2024 08:55 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/10/2022 22:11 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/10

Theo dõi KTMT trên

Bất động sản giữ tiền của người giàu ế ẩm sau khi liên tục tăng giá; Khó khăn bủa vây doanh nghiệp địa ốc; Vì sao Đắk Nông chậm phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất?... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Bất động sản giữ tiền của người giàu ế ẩm sau khi liên tục tăng giá

Nhà liền kề, biệt thự được ví như phân khúc bất động sản gửi gắm dòng tiền lớn đang rơi vào tình trạng kém thanh khoản sau thời gian tăng giá liên tục.

Thông tin về thị trường bất động sản nhà ở gắn liền với đất (biệt thự, nhà liền kề), CBRE Việt Nam cho biết, giá chào bán biệt thự tại TP.HCM trong quý III trung bình vào khoảng 285-400 triệu đồng/m2, tăng gấp 3 lần so với giá cùng kỳ 2021. Loại hình nhà phố thương mại cũng ghi nhận giá sơ cấp tăng 13%, giá thứ cấp tăng 18% so với cùng kỳ.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/10 - Ảnh 1
Nhà liền kề, biệt thự liên tục tăng cao thời gian vừa qua. (Ảnh: Hà Phong).

Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết, xét về thanh khoản, trong quý vừa qua TP.HCM có hơn 800 căn nhà liền thổ mở bán nhưng chưa đến 40% nguồn cung được tiêu thụ. Tính thanh khoản của loại hình này khá thấp được cho là do giá mở bán bất động sản liền thổ còn cao, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường nói chung.

Tại Hà Nội, trong quý III có gần 5.000 căn từ 10 dự án mở bán mới. Các sản phẩm mở bán mới phần lớn thuộc các dự án cao cấp và được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, do đó, mức giá trung bình tương đối cao, đạt khoảng 211 triệu đồng/m2 đất, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá bán thứ cấp của nhà liền kề, biệt thự trong quý III tại Hà Nội cũng tiếp tục tăng với mức tăng 18-25% so với cùng kỳ năm trước, tùy thuộc vào loại hình nhà và khu vực.

Trước đó, báo cáo về thị trường bất động sản quý III trên địa bàn, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến hết quý III, giao dịch trên thị trường Hà Nội trầm lắng hơn cuối năm 2021. Nguyên nhân là lượng sản phẩm chào bán ra thị trường ít, chính sách tín dụng siết chặt, giá nguyên, vật liệu tăng cao... đẩy giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp địa ốc

Dòng vốn tắc, thủ tục pháp lý “bó tay”, tâm lý phòng thủ đang bao trùm thị trường khiến chặng đường vượt dốc cuối năm của các doanh nghiệp ngành địa ốc thêm khó.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2022, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, bức tranh thị trường bất động sản cuối năm vẫn khó đoán định.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/10 - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Vị chuyên gia này cho rằng, việc điều tiết tín dụng, lãi suất tăng khiến thanh khoản bất động sản sụt giảm, thể hiện rõ qua lượng quan tâm của người mua trong thời gian qua. Theo đó, nhu cầu tìm kiếm bất động sản trên cả nước có xu hướng giảm trong 3 tháng qua, lượt tìm mua các loại hình bất động sản đều giảm mạnh trong tháng 9 (đất nền giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25%, biệt thự liền kề giảm 12% so với quý II/2022).

Ông Quốc Anh cho hay, thông thường quý cuối năm là mùa cao điểm với bất động sản, nhưng trước diễn biến lãi suất tăng, tín dụng hẹp cửa, tâm lý tiêu dùng yếu, rất khó phán đoán thanh khoản của thị trường thời điểm cuối năm. “Khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây cả doanh nghiệp lẫn người tham gia thị trường và tình trạng này có thể kéo dài sang năm 2023 nếu cơn khát vốn chưa được giải tỏa”, ông Quốc Anh dự đoán.

Các chuyên gia dự báo có 2 kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường bất động sản cuối năm. Ở kịch bản tích cực, những doanh nghiệp trường vốn, quỹ đất dồi dào, sản phẩm đa dạng… sẽ trụ vững và ngược lại, những doanh nghiệp vốn mỏng, kinh doanh manh mún, chộp giật sẽ bị đào thải. Đợt sàng lọc này là tín hiệu tốt giúp thị trường loại bỏ các nhân tố yếu kém, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hơn.

Ở kịch bản xấu, những rào cản về tín dụng, vướng mắc pháp lý dẫn đến dự án bị đình trệ, giá bán tiếp tục bị đẩy lên cao, thanh khoản càng yếu ớt… khiến doanh nghiệp “chết” hàng loạt. Nếu kịch bản này xảy ra, quá trình sàng lọc rất đáng lo ngại vì gây bất lợi cho cả thị trường bất động sản lẫn nền kinh tế. Theo đó, thị trường địa ốc có thể bước vào chu kỳ khó khăn kéo dài.

Vì sao Đắk Nông chậm phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất?

Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất 2022 tại tỉnh Đắk Nông liên tục bị lùi thời hạn. Điều này đang tác động lớn đến các hoạt động liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/10 - Ảnh 3
(Ảnh minh họa - KT)

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các huyện, thành phố trong tỉnh phải được phê duyệt trước ngày 30/7/2022. Sau đó, do chậm trễ nên thời hạn được gia hạn đến cuối tháng 9/2022. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả 8 huyện, thành phố trong tỉnh vẫn chưa phê duyệt được quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, từ năm 2020 tỉnh đã chỉ đạo các huyện triển khai quy hoạch sử dụng đất cho giai đoạn 2021-2030 theo quy định của pháp luật. Do quy hoạch giai đoạn trước đó có nhiều bất cập đã được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chỉ ra nên quy hoạch giai đoạn mới cần phải được rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo chất lượng và chặt chẽ.

Sau khi Chính phủ có quyết định 326 ngày 9/3/2022 phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất quốc gia, tỉnh Đắk Nông phải cập nhật, điều chỉnh và thẩm định lại hồ sơ của các huyện. Hầu hết hồ sơ của các huyện phải làm lại và hiện nay đang tiếp tục được thẩm định, cho ý kiến để hoàn thiện. Ông Lê Trọng Yên cho rằng, để đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng quy hoạch treo, hợp thức hoá sai phạm, việc phê duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh sẽ còn tốn thêm thời gian và chưa chốt được thời hạn hoàn thành.

Người có nhu cầu nhà ở thực luôn ưu tiên chọn căn hộ sắp bàn giao

Căn hộ sắp bàn giao sẽ có giá cao hơn nhà hình thành trong tương lai, nhưng nếu so với tiền thuê nhà mỗi tháng, việc được nhận nhà ở trong thời gian ngắn sẽ tiết kiệm được chi phí khá lớn.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/10 - Ảnh 4
Một dự án BĐS sắp bàn giao sẽ hấp dẫn khách hàng có nhu cầu thực hơn những dự án hình thành trong tương lai. (Ảnh minh họa: KT)

Với tâm lý "ăn chắc mặc bền", hiện nay nhiều khách hàng lựa chọn những dự án nhà ở đã hoàn thiện cơ bản, sắp bàn giao để "mắt thấy, tay sờ" trước khi quyết định xuống tiền. Dòng sản phẩm này giúp khách hàng yên tâm lựa chọn hơn trong bối cảnh rất nhiều dự án trên thị trường đang bị chậm.

Theo ghi nhận của các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản, nhu cầu tìm mua nhà ở thực đang nghiêng mạnh về các dự án căn hộ sắp bàn giao. Có nhiều lý do khiến căn hộ sắp bàn giao được người mua ở thực ưu tiên lựa chọn.

Việc lựa chọn căn hộ sắp bàn giao có nhiều lợi thế, nhưng dĩ nhiên người mua sẽ phải chịu một mức giá cao hơn. Thậm chí có nhiều dự án "hot" đã tăng giá lên mức 15-20% so với giá ban đầu mới công bố. Điều này cũng khiến một số khách hàng phải suy nghĩ vì số tiền dành dụm mua nhà rất khó khăn mới có được.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới