Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/11
Hà Nội "cấm cửa" nhà đầu tư vi phạm làm dự án nhà ở mới ; Bình Phước: Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai ; FiinRatings: Thị trường xuất hiện hình thức thanh toán trái phiếu doanh nghiệp bằng bất động sản... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Hà Nội "cấm cửa" nhà đầu tư vi phạm làm dự án nhà ở mới
Hà Nội kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng hoặc đang vi phạm về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn.
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư thương mại trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP.Hà Nội đề ra các nội dung tại Kế hoạch nhằm khắc phục, đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, từ khâu phổ biến, quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật.
Kế hoạch này nhấn mạnh, UBND TP.Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét không giới thiệu địa điểm, không giải quyết đề xuất giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư các dự án khác trên địa bàn thành phố đối với các chủ đầu tư vi phạm trong đầu tư, không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Ngoài ra, trong kế hoạch, thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong công tác quản lý Nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cũng được xác định rõ.
Bình Phước: Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai
“Thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước và thậm chí là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái với quy định pháp luật của một số cán bộ, công chức, viên chức thuộc UBND thị xã Bình Long, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Bình Long và UBND một số xã, phường trong khi thi hành công vụ…”, đây là 1 phần Kết luận số 170 của Thanh tra Bình Phước.
Lợi dụng chính sách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tức người dân hiến đất và Nhà nước làm đường, cả trăm “dự án” phân lô bán nền kiểu hiến đất làm đường này đã phá nát quy hoạch thị xã Bình Long, Thanh tra tỉnh Bình Phước đã vào cuộc và kết luận hàng loạt sai phạm về việc này.
Theo kết quả kiểm tra xác minh của Thanh tra Bình Phước tại Kết luận Thanh tra số 170/KL-UBND ngày 26/3/2020, trong giai đoạn 2015-2019, trên địa bàn Bình Long có đến 105 trường hợp hiến đất làm đường và có tới 72/105 trường hợp đã thực hiện tách thửa, chuyển nhượng cho các hộ dân khác.
Tổng diện tích tách thửa và chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở gần 618.000 m2, trong đó có 118.000 m2 đất ở và gần 500.000 m2 đất trồng cây lâu năm. Tất cả các trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở đều không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của Bình Long đã được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt.
“Qua kiểm tra và đối chiếu thì tất cả 105 trường hợp hiến đất làm đường nêu trên đều không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được phê duyệt của thị xã Bình Long (về đất giao thông); cũng không phù hợp với định hướng phát triển hệ thống giao thông của thị xã Bình Long đã dược UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt năm 2015”, Kết luận Thanh tra số 170 nêu.
Cũng theo Kết luận này, vị trí các trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất và đối chiếu với bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của thị xã Bình Long thì chỉ có 16 trường hợp phù hợp quy hoạch đất ở, còn lại đều thuộc quy hoạch đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm và đất lúa). Sau khi chuyển mục đích sử dụng đất, các trường hợp này đã thực hiện tách thửa, chuyển nhượng cho các hộ dân khác. Việc này đã dẫn đến hình thành các khu dân cư tự phát, không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thị xã Bình Long.
Đặc biệt, trong số 105 trường hợp hiến đất làm đường nhằm mục đích tách thửa, chuyển nhượng thì có 3 trường hợp do chính viên chức, nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bình Long trực tiếp thực hiện.
FiinRatings: Thị trường xuất hiện hình thức thanh toán trái phiếu doanh nghiệp bằng bất động sản
Theo báo cáo mới nhất của FiinRatings, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 10 vắng bóng hai nhóm đơn vị phát hành chủ lực là bất động sản và tổ chức tín dụng.
FiinRatings đánh giá, cả hai ngành này đang gặp những yếu tố không chỉ bất lợi bao gồm môi trường lãi suất tăng cao, những yêu cầu mới của Nghị định 65 làm cho cầu về trái phiếu suy giảm và sự “quay đầu” của nhà đầu tư đối với trái phiếu sau những sự kiện vi phạm trên thị trường trái phiếu gần đây.
Trong bối cảnh phát hành mới gần như đóng băng, thị trường tiếp tục chứng kiến hoạt động mua lại gia tăng. Điều này làm cho dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15.800 tỷ đồng trong tháng 10, với giá trị mua lại và đáo hạn lần lượt là 5.810 tỷ và 10.230 tỷ đồng.
Phần lớn khối lượng trái phiếu mua lại thuộc về các tổ chức tín dụng với tổng giá trị đạt 3.090 tỷ đồng, chiếm 53,27% tổng giá trị mua lại của tháng 10. Chiếm 21,77% giá trị trái phiếu đáo hạn là các doanh nghiệp bất động sản với giá trị đạt 2.230 tỷ đồng. Ngoài ra, một phần giá trị trái phiếu thâm hụt còn đến từ các phương án “hàng đổi hàng” và chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay như một biện pháp tái cấu trúc nợ được thực hiện trong thời gian qua.
Theo thống kê của đơn vị này, tính đến hết tháng 10, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445.000 tỷ đồng, chiếm gần 34% tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành và chiếm gần 50% tổng giá trị trái phiếu của các tổ chức doanh nghiệp phi tài chính (hơn 896.000 tỷ đồng).
Công an Bình Dương khởi tố 14 vụ án liên quan đến đất đai
Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay đã khởi tố 14 vụ án, 12 bị can có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên lĩnh vực đất đai. Điển hình như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Đất Việt, Công ty Điền Phú Phát, Công ty Phước Điền, Công ty VHO, Công ty Farms Land, Công ty Thăng Long Real…
Cũng theo báo cáo của PC03 Công an Bình Dương, trong 9 tháng đã tiếp nhận 441 đơn tố cáo, trong đó có 377/441 đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm tỷ lệ 85,4% trên tổng số đơn tiếp nhận mới.
Sở dĩ, đơn tố cáo liên quan đến đất đai nhiều là do tỷ lệ tăng dân số cơ học ngày càng tăng, trong đó thường trú trên 1,1 triệu người và tạm trú gần 1,1 triệu người. Điều này dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng cao nhưng việc phát triển quỹ nhà ở và quản lý quỹ nhà ở, đất xây dựng nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đến nay, Bình Dương có 480 dự án khu dân cư với tổng diện tích 5.933ha và 561 khu phân lô tự phát.
Do đó, lợi dụng các thiếu sót trong quy định pháp luật, trong quản lý của cơ quan Nhà nước, một số tổ chức, cá nhân đã đầu tư kinh doanh bất động sản, phân lô, bán nền không đúng quy định, làm phá vỡ quy hoạch đô thị, phát sinh các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.
Cụ thể, các đối tượng thu gom đất nông nghiệp ở các địa bàn “sốt” đất, tự ý làm hạ tầng rồi phân lô tách thửa mà không thực hiện các thủ tục pháp lý làm chủ đầu tư dự án theo quy định. Nhất là các khu vực phân lô tách thửa đất không phải là đất ở, không được quy hoạch là đất ở.
Sau đó, sử dụng pháp nhân công ty do các đối tượng thành lập hoặc ký hợp đồng với các công ty môi giới bất động sản quảng cáo sai sự thật, chào bán dưới nhiều hình thức qua sàn giao dịch hoặc mạng xã hội…
Khi khách hàng đòi giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cố tình kéo dài thời gian, thỏa thuận chi trả một phần tiền phạt chậm bàn giao hoặc ký phụ lục hợp đồng cam kết nhằm tiếp tục tạo lòng tin...
Điển hình là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty City Land với thủ đoạn thành lập 3 công ty thành viên, thu gom đất nông nghiệp ở xã Lai Hưng, (Bàu Bàng), xã Phước Hòa (Phú Giáo), xã Thanh An (Dầu Tiếng) rồi tự vẽ dự án, phân lô, tách thửa và ký hơn 420 hợp đồng chuyển nhượng đất để chiếm đoạt số tiền trên 160 tỷ đồng…
Huyền Diệu