Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/6
Bổ sung lối đi chung vào sổ đỏ thế nào? 'Siết' việc cho vay đặt cọc để mua bán BĐS hình thành trong tương lai; Môi giới bất động sản “vỡ mộng” bỏ nghề khi thị trường hạ nhiệt… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay, 23/6.
Bổ sung lối đi chung vào sổ đỏ thế nào?
Ông Đinh Đình Trường (Hà Nội) có câu hỏi liên quan đến việc bổ sung lối đi chung vào sổ đỏ như thế nào, gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường nhờ hướng dẫn giải đáp.
Nội dung câu hỏi như sau:
Nhà ông Đinh Đình Trường (Hà Nội) có một mảnh đất ở cuối ngõ, sử dụng ổn định từ trước năm 1993, tách thành 2 thửa và đã có sổ đỏ năm 2006. Tuy nhiên, trong sổ đỏ thiếu phần lối đi chung của 2 thửa, lối đi này tách ra từ mảnh đất riêng của nhà ông Trường.
Năm 2018, ông Trường làm thủ tục bổ sung lối đi chung này vào sổ đỏ, song khi làm hồ sơ, gia đình hàng xóm giáp lối đi chung không chịu ký vào bản vẽ đo đất, mặc dù gia đình này đã có sổ đỏ.
Ông Trường được biết đã có quy định về việc bổ sung lối đi chung có nguồn gốc đất riêng vào sổ đỏ, ông hỏi, gia đình ông phải làm thế nào để đưa lối đi chung vào sổ đỏ?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điều 12 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về việc thể hiện sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận, theo đó trường hợp thửa đất có phần đất sử dụng riêng của một người và phần đất sử dụng chung của nhiều người thì thể hiện ranh giới giữa các phần đất bằng đường nét đứt xen nét chấm, kèm theo ghi chú thích theo mục đích của đường ranh giới đó.
Do nội dung ông hỏi liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cụ thể thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nơi có đất; do đó xin cung cấp thông tin nêu trên để ông được biết. Đề nghị ông liên hệ với cơ quan tài nguyên và môi trường nơi có đất để được hướng dẫn giải quyết bảo đảm phù hợp với thủ tục hành chính do địa phương ban hành.
Môi giới bất động sản “vỡ mộng” bỏ nghề khi thị trường hạ nhiệt
Kể về câu chuyện bước chân vào nghề môi giới, anh N.T.H (sinh năm 1995, quê gốc tại Thái Bình) nói: “Năm 2017, tôi tốt nghiệp ngành kỹ thuật, thay vì làm về máy móc như các bạn đại học khác, tôi lại đi làm nhân viên văn phòng ở một công ty tại Hà Nội. Tuy nhiên, với mức lương 10 triệu đồng/tháng, tôi chỉ đủ thuê nhà và sinh hoạt hàng ngày, cũng không tiết kiệm được bao nhiêu”.
Tuy nhiên, nếu muốn bám trụ lại Thủ đô đòi hỏi anh H. phải có mức thu nhập cao hơn thế mới có cơ hội sở hữu nhà. Đặc biệt, giá nhà tại Hà Nội mấy năm qua liên tục tăng cao, muốn sở hữu một căn chung cư bình dân cũng phải có trong tay vài tỷ đồng. Điều này, càng thôi thúc anh H. bỏ việc đang làm, tiến tới công việc có mức thu nhập cao hơn.
“Ở đây mấy năm, nhiều thứ cần phải chi tiêu, lương văn phòng thì thấp, gia đình tôi cũng không mấy khá giả, mỗi khi gia đình có việc cần tới tiền tôi cũng phải phụ thêm với bố mẹ”, anh H. nói.
Anh H. luôn cảm thấy “lép vế” khi mỗi lần ngồi cạnh những người bạn của mình. Mặc dù cùng học chung lớp cấp 3, trước kia học lực cũng chỉ ngang ngửa như nhau nhưng đến nay anh đã tụt khá xa nếu so sánh với mức thu nhập với chúng bạn đang làm nghề môi giới bất động sản.
Không chỉ vượt trội về thu nhập, những người bạn “hai lúa” của anh ngày nào giờ đã có tác phong tự tin, ăn nói lưu loát và kiến thức lĩnh vực nào cũng nói được. Mỗi khi xuất hiện đều quần áo tinh tươm kèm theo đồng hồ, phụ kiện hàng hiệu và xế hộp xịn.
Loạt vấn đề lớn của thị trường bất động sản TP.HCM
Chuyên gia chỉ rõ những vấn đề lớn của thị trường bất động sản TP.HCM là quỹ đất hạn chế, nguồn cung khá thấp, giá bán cao và quy trình cấp phép dự án còn đang bị siết chặt.
Thị trường bất động sản nửa đầu năm 2022 mặc dù đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư, quỹ đất hạn chế song Savills Việt Nam vẫn ghi nhận một số tín hiệu khả quan.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam đánh giá thị trường TP.HCM vẫn ghi nhận một nguồn cung mới nhất định vào thị trường, đặc biệt đến từ các dự án có quy mô lớn. Cùng với đó, bà cũng chỉ ra một số điểm đáng chú ý cho thị trường TP.HCM trong nửa cuối 2022.
"Trong 6 tháng tới, chúng tôi ghi nhận sự tăng trưởng về nguồn cung vẫn duy trì tốc độ như giai đoạn nửa đầu 2022 với khoảng 10.000 căn hộ mở bán và hơn 200 sản phẩm nhà liền thổ. Trong đó, phân khúc căn hộ vẫn tập trung ở các khu vực như TP Thủ Đức và quận 7. Đây là những khu vực kề trung tâm với quỹ đất hiện hữu. Tuy nhiên, dòng sản phẩm nhà liền thổ chỉ ghi nhận 2 dự án mới ở Nhà Bè và quận 9 cũ. Đây là xu hướng dịch chuyển tất yếu của thị trường bất động sản TP.HCM", bà Võ Thị Khánh Trang cho biết.
'Siết' việc cho vay đặt cọc để mua bán BĐS hình thành trong tương lai
Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung, Ngân hàng Nhà nước muốn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không cho vay để đặt cọc bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai, còn Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho rằng cần bổ sung quy định về đặt cọc và thanh toán qua ngân hàng trong kinh BĐS thay vì thanh toán bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng , chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Đáng chú ý, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 8 về những nhu cầu vốn không được cho vay. Bao gồm:
Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư. Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm. Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư.
Hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang
Nhiều toà nhà chung cư tái định cư, có những toà nhà ở vị trí đắc địa với hàng nghìn căn hộ ở Hà Nội hiện đang bỏ trống, không có người ở, khuôn viên khu chung cư xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Khu tái định cư Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội), được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010, nhằm mục đích phục vụ tái định cư giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng). Dự án có tổng kinh phí 761 tỷ đồng, dự kiến xây dựng 4 cụm nhà chung cư cao tầng có chức năng là nhà ở với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, đến nay, có hai toà chung cư cao tầng được xây dựng xong, nhưng hàng trăm căn hộ chưa có người ở.
Khuôn viên xung quanh khu tái định cư hoang hoá nhiều năm, cỏ dại mọc khắp nơi. Một số khu vực, vốn được quy hoạch làm khuôn viên, vườn hoa, tiểu cảnh hiện được trưng dụng để chăn nuôi gà, vịt. Một lối xuống tầng hầm của khu chung cư cũng được tận dụng làm nơi nuôi nhốt gia cầm. Một số hộ dân ở quanh khu vực cho biết, chưa biết thời điểm nào có người dân về ở.
Chung cảnh ngộ, chỉ cách vài trăm mét, hai toà nhà tái định cư nằm trên phố Khuyến Lương (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng nhiều năm nay chưa có người ở. Dường như hai toà nhà chung cư với cả trăm căn hộ vừa được sơn sửa lại và làm mới khuôn viên.
Bùi Hằng