Chủ nhật, 24/11/2024 06:33 (GMT+7)
Thứ hai, 26/09/2022 18:50 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/9

Theo dõi KTMT trên

Cách xác định diện tích đất vi phạm hành chính; Bỏ khung giá đất cần được xem là bước đột phá khi sửa Luật Đất đai; Đi ngược đám đông, một số nhà đầu tư sẵn sàng lướt sóng... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Cách xác định diện tích đất vi phạm hành chính

Tại Điều 8 Nghị định 91/2019/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết về cách xác định diện tích đất vi phạm và mức phạt hành vi vi phạm hành chính.

Cụ thể, trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất thì xác định theo diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Luật Đất đai.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/9 - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đã có bản đồ địa chính thì sử dụng bản đồ địa chính để xác định. Trường hợp không có bản đồ địa chính nhưng có bản đồ khác đã, đang sử dụng trong quản lý đất đai tại địa phương thì sử dụng bản đồ đó để xác định.

Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất mà không có giấy tờ quy định nêu trên hoặc vi phạm một phần diện tích thửa đất thì người thi hành nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm xác định phạm vi, ranh giới đất vi phạm; xác định diện tích đất vi phạm hoặc trưng cầu đơn vị có chức năng đo đạc (trong trường hợp diện tích đất vi phạm lớn, hình thể thửa đất phức tạp không thể đo đạc bằng phương pháp thủ công) để xác định diện tích đất vi phạm ghi vào biên bản vi phạm hành chính.

Trường hợp người có hành vi vi phạm không đồng ý với kết quả đo đạc do cơ quan thanh tra, kiểm tra xác định thì được quyền thuê đơn vị có chức năng đo đạc xác định lại diện tích đất vi phạm. Chi phí trưng cầu đo đạc để xác định diện tích đất vi phạm do người vi phạm chi trả.

Việc xác định mức phạt cụ thể đối với từng trường hợp sẽ căn cứ vào khung xử phạt quy định tại Nghị định này và tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bỏ khung giá đất cần được xem là bước đột phá khi sửa Luật Đất đai

Người dân kỳ vọng những đổi mới sẽ giúp hạn chế được bất cập trong chính sách, quản lý đất đai còn tồn tại nhiều năm qua, thúc đẩy quan hệ thị trường phát triển.

Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến đã bỏ khung giá đất, tiếp tục sử dụng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường do địa phương xây dựng và ban hành, dưới sự giám sát của Trung ương.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/9 - Ảnh 2
Một khu đất đã được phân lô để bán tại Thạch Thất. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Các chuyên gia nhận định, đổi mới này cũng phù hợp với tinh thần của một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao."

Đặc biệt, người dân kỳ vọng những đổi mới sẽ giúp hạn chế được bất cập trong chính sách, quản lý đất đai còn tồn tại nhiều năm qua, thúc đẩy quan hệ thị trường phát triển.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay thách thức đặt ra là chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải thiết kế được cơ chế định giá đất khách quan, hiệu quả, khả thi. Nếu không có cách làm phù hợp để định giá đất sát thị trường sẽ khó thu hẹp khoảng cách giữa hai loại giá đất. Theo đó, không những không loại bỏ được các hệ lụy vốn có mà thậm chí còn làm phát sinh thêm nhiều vấn đề phức tạp khi các địa phương công bố bảng giá đất hàng năm.

Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội nhận xét, Luật Đất đai 2013 quy định khung giá đất được ban hành 5 năm một lần theo từng vùng, từng loại đất. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá trên thị trường tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.

Thị trường bất động sản ven TP.HCM xuất hiện chiêu trò tạo “sóng" ảo

Theo một số chuyên gia, thời điểm này khá “nhạy cảm” để các thị trường im ắng giao dịch có thể “bật dậy”. Đó chính là lý do, một vài thị trường đã bắt đầu xuất hiện “sóng ảo”, để kích thích nhu cầu mua bán từ này đến cuối năm.

Mới đây, tại Đồng Phú, Bình Phước lại xuất hiện "chiêu trò" gây sốt đất. Ngay giữa bối cảnh các thị trường khác nhìn chung đang khá trầm lắng thì nơi đây xuất hiện cảnh nhà đầu tư môi giới "tranh nhau" chốt cọc ở một mảnh đất trồng cây lâu năm.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/9 - Ảnh 3
Ảnh minh hoạ

Trưa ngày 24/9, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh hàng trăm người tụ tập ở khu đất trồng cây điều, cao su. Hình ảnh cho thấy, nhiều người mặc đồng phục chạy toát mồ hôi để chốt cọc các lô đất cho khách hàng. Cùng với đó là tiếng hô chốt cọc đất của nhân viên môi giới bất động sản.

Được biết, vụ việc xảy ra tại một khu đất thuộc ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Những người có mặt trong clip lan truyền trên mạng xã hội thuộc một công ty môi giới bất động sản trụ sở đặt tại tỉnh Bình Dương.

Trước đó, tại Bình Phước đã từng diễn ra tình cảnh tương tự khi lãnh đạo và nhân viên công ty bất động sản liên tục chạy, chốt giá đất nền, tạo cơn sốt đất tại huyện Lộc Ninh.

Cụ thể, trên địa bàn này xuất hiện clip ghi cảnh lãnh đạo và nhân viên một công ty bất động sản đang giành nhau, gấp gáp chốt cọc đất cho khách hàng. Những lô đất liên tục được xướng tên đã có chủ không khác gì cảnh mua bán rau ở chợ. Xuất hiện trong clip là những thanh niên mặc vest, sơ mi, tay cầm cặp da và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chạy đi chạy lại thông báo chốt cọc với một MC.

Đi ngược đám đông, một số nhà đầu tư sẵn sàng lướt sóng

Thị trường bất động sản hạ nhiệt và có nhiều bất ổn, nhưng không ít nhà đầu tư lại coi đây là cơ hội bắt đáy và sẵn sàng lướt sóng.

Bức tranh hạ nhiệt đang có dấu hiệu lan rộng trên thị trường bất động sản. Thống kê của không ít đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản công bố gần đây cho thấy, lượng giao dịch sụt giảm kéo theo tâm lý nhà đầu tư phải hạ giá bất động sản so với kỳ vọng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/9 - Ảnh 4
Thời gian gần đây, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều thông tin bất động sản cần bán gấp. (Ảnh: Hà Phong).

Một khảo sát của Batdongsan.com.vn ghi nhận những lô đất được chào bán rẻ hơn 10-20% so với trên thị trường tại một số điểm nóng đất nền của Hà Nội như Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm…

Tương tự, theo số liệu từ DKRA, tháng 7 vừa qua, sức cầu chung toàn thị trường đất nền chỉ đạt 48%, giảm đáng kể so với các tháng trước đó. Cụ thể, giảm 6% so với tháng 6 và giảm 26% so với tháng 5.

Trước thực tế thanh khoản sản phẩm thấp, giao dịch khó diễn ra, nhiều nhà đầu tư bắt đầu đuối sức sau một thời gian cầm cự. Họ buộc phải chọn giải pháp bán cắt lỗ để thoát khỏi tình trạng phá sản. Thị trường có thể xấu hơn, nếu hiệu ứng domino xảy ra thì kịch bản là sự giảm giá lan rộng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, hành vi của nhiều nhà đầu tư, đầu cơ bất động sản trở nên tiêu cực hơn, dè dặt hơn đã làm kìm hãm, giảm mức cầu đầu tư thể hiện trên các phương diện. Tuy nhiên, cũng có số ít nhà đầu tư lại nghe ngóng, chờ đợi thông tin thị trường, kể cả về chính sách liên quan lĩnh vực tín dụng, bất động sản để bắt đáy và lướt sóng.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới