Chủ nhật, 24/11/2024 06:42 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/06/2022 19:55 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/6

Theo dõi KTMT trên

Thông tin về đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư; Hà Nội siết chặt quản lý hơn 1.200 biệt thự cũ; Nhiều giao dịch bị bỏ cọc khi giá đất ở Nghệ An có xu hướng chững lại… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

­­Thông tin về đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Liên quan đến nội dung đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư mà báo chí và dư luận nêu trong thời gian vừa qua, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) có một số ý kiến như sau.

Vừa qua, khi trình Chính phủ về hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã có đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong nội dung chính sách về sở hữu nhà ở thay cho quy định thời hạn sở hữu lâu dài như hiện nay. Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án và đã được Chính phủ chấp thuận, báo cáo Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2023 (tại Tờ trình số 53/TTr-CP ngày 28/3/2022). Cụ thể như sau:

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/6 - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Phương án 1: Bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Phương án 2: Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai.

Liên quan đến đề xuất này, hiện nay đang có một số ý kiến trái chiều, bên cạnh các ý kiến đồng thuận với đề xuất của Bộ Xây dựng thì cũng có ý kiến còn băn khoăn vì chưa rõ quy định về thời hạn này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến các quyền của chủ sở hữu sau này như thừa kế, để lại tài sản cho con cháu hoặc khi hết hạn sở hữu thì chỗ ở của người dân sẽ được giải quyết ra sao hoặc có xảy ra hiện tượng người dân sẽ chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ thay vì mua căn hộ chung cư do tâm lý muốn sở hữu lâu dài tài sản nhà đất như hiện nay…

Việc đề xuất sửa đổi chính sách về thời hạn sở hữu nhà chung cư như nêu trên được dựa trên nhiều cơ sở, cả về yêu cầu trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, vì có liên quan đến tài sản và tính mạng của nhiều người, trên cơ sở thực tế các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay và có tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Hà Nội siết chặt quản lý hơn 1.200 biệt thự cũ

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1845/QĐ-UBND về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Ba Đình là quận có số lượng biệt thự cũ nhóm 1 nhiều nhất với 111 biệt thự, tiếp đến là quận Hoàn Kiếm có 87 biệt thự nhóm 1.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/6 - Ảnh 2
Danh mục gồm 1.216 nhà biệt thự cũ được chia làm 3 nhóm. Ảnh: DA)

Danh mục gồm 1.216 nhà biệt thự cũ được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Theo danh mục 222 biệt thự xếp Nhóm 1, quận Ba Đình có số lượng biệt thự nhiều nhất với 111 biệt thự; quận Hoàn Kiếm có 87 biệt thự; quận Tây Hồ có 3 biệt thự.

Trong số 356 biệt thự xếp Nhóm 2, quận Hoàn Kiếm có 159 biệt thự; quận Ba Đình có 112 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 78 biệt thự; quận Tây Hồ có 4 biệt thự; quận Đống Đa có 3 biệt thự.

Với 638 biệt thự xếp Nhóm 3, quận Hoàn Kiếm có 237 biệt thự; quận Ba Đình có 216 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 166 biệt thự; quận Đống Đa có 13 biệt thự; quận Tây Hồ có 6 biệt thự.

Theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.

Trường hợp biệt thự Nhóm 1 và Nhóm 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND Thành phố và HĐND thành phố (đối với biệt thự Nhóm 1).

Đối với biệt thự Nhóm 2, cho phép phá dỡ, xây dựng lại theo kiểu dáng kiến trúc, quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng, số tầng, độ cao).

Trường hợp biệt thự Nhóm 3 bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng, UBND quận kiểm tra, báo cáo UBND Thành phố cho phép mới được phá dỡ nhà biệt thự.

Nhiều giao dịch bị bỏ cọc khi giá đất ở Nghệ An có xu hướng chững lại

Tại tỉnh Nghệ An, giá đất đang có xu hướng chững lại nên nhiều người trúng đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đặt cọc mua đất đã bỏ cọc, chấp nhận mất tiền cọc.

Đơn cử, trong ngày 24/5, UBND huyện Diễn Châu đã có Quyết định số 1467/QĐ-UBND về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ (huyện Diễn Châu).

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/6 - Ảnh 3
Đất ven đô tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Theo đó, có 73 lô đất bị hủy bỏ kết quả, với số tiền thu nộp cho ngân sách 15,712 tỷ đồng do các hộ gia đình, cá nhân được công nhận kết quả trúng đấu giá nhưng không nộp tiền, nộp không đủ tiền sử dụng đất đúng hạn theo quy định.

Trên địa bàn tỉnh, cũng đã có một số trường hợp đặt cọc để mua đất. Tuy nhiên, khi đến thời hạn ra công chứng, làm hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì không thực hiện. Khách chấp nhận mất tiền cọc theo quy định của hợp đồng đặt cọc.

Có tình trạng trên là do nhiều người trước lúc đấu giá đất hoặc đặt cọc để mua đất đã không nắm bắt đầy đủ thông tin, biến động của thị trường bất động sản; lo ngại nếu chuyển tiền để lấy thửa đất mình đã đặt cọc sẽ dẫn đến thua lỗ hoặc khó bán.

Tại các xã Nghi Ân, Nghi Đức (thành phố Vinh), Nghi Phong, Nghi Thái (huyện Nghi Lộc) và một số xã, phường khác trong tỉnh đã từng có những thời điểm thị trường bất động sản sôi động. Thời điểm đó, mỗi ngày có rất nhiều người tìm đến những địa phương này để tìm hiểu thông tin về đất đai, về quy hoạch và mua đất; lượng giao dịch bất động sản tăng đột biến.

Lạ lùng chuyện nhà ở xã hội: 80 căn cho thuê bị “ế” nhưng có 350 đơn xin mua không được

Thực tế thí điểm nhà ở xã hội ở Hà Tĩnh hiện nay còn 80 căn hộ cho thuê không ai thuê, trong lúc đó có 350 đơn xin mua lại không được. Theo đại biểu Quốc hội, đó là một sự lãng phí rất lớn.

Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) đã cho biết như vậy khi thảo luận tại hội trường chiều 2/6 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/6 - Ảnh 4
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh). (Ảnh: quochoi.vn)

Theo ông Gia, những quy định của Khoản 3, Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 6 Nghị định 100 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã thể hiện chủ trương đúng đắn và nhân văn trong giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo chủ trương này, chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê. Sau thời hạn tối thiểu là 5 năm, nếu không còn thuê thì mới được bán nhà ở này.

"Thực tế tại đô thị loại 2 và loại 3 thì nhu cầu người thuê nhà ở xã hội rất thấp, bởi vì phải dành khoảng 3 triệu đến 3,5 triệu đồng để thuê, người lao động không thể dành được khoản tiền như vậy cho nên họ chỉ có nhu cầu mua, vay Ngân hàng chính sách xã hội để mua", ông Gia nói.

Ông chỉ ra thực tế thí điểm nhà ở xã hội ở Hà Tĩnh hiện nay còn 80 căn hộ cho thuê thì không ai thuê. Trong lúc đó, có đến 350 đơn xin mua nhưng không được mua. Đại biểu cho rằng, đây là một sự lãng phí rất lớn.

Vị đại biểu này cũng chỉ ra vấn đề bất cập khi mấy năm gần đây giá đất lên cao. Nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất để chuyển sang đất ở rồi đất công nghiệp và tổ chức đấu giá.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới