Chủ nhật, 24/11/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ năm, 05/05/2022 18:00 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 5/5

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM ‘gỡ’ loạt dự án, ngóng nguồn NƠXH đổ bộ, dân nghèo rộng cửa mua nhà; Bất động sản (BĐS) hai miền Bắc – Nam; Đồng Nai đưa ra hướng xử lý đất mua bán giấy tay khu vực sân bay Long Thành… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

TP.HCM ‘gỡ’ loạt dự án, ngóng nguồn NƠXH đổ bộ, dân nghèo rộng cửa mua nhà

Quy định dự án nhà ở thương mại phải bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (XXH) đang gây khó cho các chủ đầu tư. Điều này gián tiếp làm cho giá nhà bị đẩy lên cao.

Nghị định số 49/2021/NĐ-CP (Nghị định 49) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (Nghị định 100) được ban hành về cơ bản đã giải quyết được một số vướng mắc trong việc phát triển và quản lý NƠXH. Nhưng thực tế, các chủ dự án nhà ở thương mại (NƠTM) vẫn than khó về quy định thực hiện nghĩa vụ NƠXH.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 5/5 - Ảnh 1
Các quy định về thực hiện nghĩa vụ NƠXH đang làm khó cho các chủ dự án NƠTM.

Theo Nghị định 100 trước đây, dự án NƠTM quy mô trên 10ha tại các đô thị loại 3 trở lên phải dành 20% quỹ đất tại dự án để bố trí NƠXH. Các dự án dưới 10ha thì chủ đầu tự được chọn hình thức thực hiện nghĩa vụ NƠXH bằng quỹ đất, quỹ nhà hoặc bằng tiền.

Nghị định 49 ban hành lại quy định, dự án NƠTM quy mô từ 2ha trở lên tại đô thị đặc biệt, loại 1; dự án từ 5ha trở lên tại đô thị loại 2, 3 thì phải bố trí 20% quỹ đất để làm NƠXH.

Theo ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, quy định về nghĩa vụ NƠXH như trên đang làm khó các chủ đầu tư và gián tiếp làm tăng giá nhà.

Ông Dũng lấy ví dụ, một dự án ở TP.Thủ Đức chỉ có 2 ha. Trong khi chủ đầu tư phải bồi thường đất với giá cao thì tiền đất khấu trừ cho quỹ đất NƠXH lại tính theo đơn giá Nhà nước. Mức chênh lệch khá lớn này sẽ khiến giá nhà thương mại bị đẩy lên cao.

Phó Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land kiến nghị, với các khu đất do doanh nghiệp tự tạo lập thì nên cho phép chủ đầu tư lựa chọn phương án thực hiện nghĩa vụ NƠXH bằng cách bố trí quỹ đất nơi khác phù hợp để phát triển NƠXH hoặc trả bằng tiền, không phân biệt quy mô.

Một vướng mắc khác trong việc phát triển NƠXH là vấn đề quy hoạch. Ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành cho hay, theo quy định hiện nay, các dự án NƠXH được tăng hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần…

Bất động sản Phú Quốc thành “điểm nóng” đầu tư trong bối cảnh “bình thường mới”

Trong bối cảnh ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay mua BĐS, các quy định về kinh doanh BĐS có hiệu lực cũng như cuộc rà soát các dự án BĐS trên khắp cả nước, Phú Quốc vẫn là điểm sáng đầu tư trên thị trường nhờ du lịch hồi phục mạnh mẽ cũng như sự góp mặt của các dự án khu đô thị ở chất lượng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 5/5 - Ảnh 2
Du lịch Phú Quốc phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, tạo tiền đề cho bất động sản. (Nguồn Internet).

Không chỉ có lợi thế nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, sự góp mặt của các khu đô thị, nghỉ dưỡng được đầu tư hiện đại, quy mô mang tầm quốc tế, Phú Quốc còn sở hữu cảng biển và sân bay Quốc tế với 9 đường bay nội địa và 6 đường bay thẳng quốc tế giúp cho lượng khách du lịch tăng đều theo từng năm.

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, quý I/2022, tỉnh đón hơn 1,5 triệu lượt du khách đến tham quan; trong đó riêng đảo ngọc Phú Quốc đón hơn 1,1 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 32.6% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế là hơn 26.000 lượt. Tổng nguồn thu từ du lịch đạt 1.113,4 tỷ đồng.

Thông tin từ Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cũng cho biết, trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao tại Phú Quốc đã kín phòng, ở phân khúc 3 sao, phòng cũng rất khan hiếm.

Sự phục hồi nhanh chóng của thị trường du lịch tạo đà cho BĐS Phú Quốc hấp dẫn giới đầu tư. Bên cạnh đó, với mục tiêu trở thành đô thị loại I, thành phố du lịch biển – đảo tầm cỡ Quốc gia và quốc tế vào năm 2025, Phú Quốc sẽ không chỉ là một "điểm đến" mà sẽ là một thành phố đảo đáng sống, một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực, diện mạo đô thị sẽ có sự thay đổi ngoạn mục. Nhờ vậy, không chỉ BĐS nghỉ dưỡng, BĐS đô thị tại Phú Quốc cũng đang được nhiều nhà đầu tư săn đón.

Bất động sản hai miền Bắc - Nam: Nên đầu tư ở đâu để sinh lời cao?

Mặt bằng giá BĐS được nhận định vẫn tiếp tục cao do dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư chưa tìm được “bến đỗ”. Tại miền Bắc, thị trường BĐS Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh được kỳ vọng phát triển. Còn tại miền Nam, Đồng Nai, Long An được đánh giá là “ngôi sao” mới trong xu hướng đầu tư bất động sản hiện nay.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 5/5 - Ảnh 3

Trong 3 tháng đầu năm, giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021; tại Hà Nội giá nhà chung cư tăng khoảng 4-5% cao hơn so với tại TP.HCM tăng khoảng 1-2% so với cuối năm 2021.

Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên đô tăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước). Sang cuối tháng 3/2022, tại một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, TP.HCM, tại các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai… lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi mức giá tăng 15-20% so với cuối năm 2021 (tương tự thời điểm cuối quý I đầu quý II năm 2021, tuy nhiên mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn), theo báo cáo của Bộ Xây dựng.

Giá rao bán phân khúc đất nền trên sàn trực tuyến cũng tăng mạnh. Cụ thể, tại miền Bắc, giá đất nền tại Bắc Ninh tăng 16%, Quảng Ninh 20%, Hải Phòng 29%, Bắc Giang 35%. Tại miền Trung, giá đất nền tại Thanh Hóa tăng 35%, Khánh Hòa 26%, Bình Thuận 13%. Còn tại miền Nam, giá rao bán đất thổ cư ở Bình Dương tăng 27%, Đồng Nai 7%, Tây Ninh 12%, Bình Phước 23%, Long An 13%.

Đồng Nai đưa ra hướng xử lý đất mua bán giấy tay khu vực sân bay Long Thành

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có kết luận, hướng dẫn về việc giải quyết các trường hợp mua bán đất bằng giấy viết tay ở khu vực dự án sân bay Long Thành.

Với trường hợp chuyển quyền trọn thửa đất nhưng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển quyền, trong đó người nhận quyền đang giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), đang sử dụng đất thì UBND cấp xã nơi có đất thu hồi sẽ yêu cầu hai bên ký mua bán cam kết việc chuyển quyền sử dụng đất.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 5/5 - Ảnh 4
Khu vực thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành. (Ảnh: Duy Phương)

Trường hợp người đứng tên sổ đỏ đã mất hoặc không liên lạc được, tổ giải quyết bồi thường đăng báo địa phương 3 kỳ liên tiếp, đồng thời người mua đất ký nhận tiền bồi thường phải ký cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có tranh chấp.

Trường hợp chuyển quyền một phần thửa đất, đơn vị giải quyết bồi thường phải căn cứ trên diện tích tối thiểu được tách thửa theo từng loại đất để làm cơ sở. Nếu diện tích bồi thường bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì bồi thường, hỗ trợ cho người được cấp sổ đỏ và bồi thường cho người có tài sản trên đất. Hai bên mua bán tự phân chia tiền bồi thường và chịu trách nhiệm sau khi ký cam kết với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi.

Nếu diện tích bồi thường nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì cơ quan chức năng bồi thường, hỗ trợ cho người được cấp sổ đỏ và bồi thường cho người có tài sản trên đất theo dạng hồ sơ xây nhà trên đất người khác. Hai bên mua bán tự phân chia tiền bồi thường và tự chịu trách nhiệm.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 5/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới