Chủ nhật, 24/11/2024 08:40 (GMT+7)
Thứ tư, 12/08/2020 07:06 (GMT+7)

Đổ bộ tỉnh lẻ, đại gia ôm đất 'vàng' rồi… bỏ hoang

Theo dõi KTMT trên

Sau khi gom được quỹ đất rộng lớn và có vị trí đắc địa ở ven biển, trung tâm thành phố, các doanh nghiệp lại triển khai dự án khá “đủng đỉnh”. Không ít khu đất đẹp đã bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất mà địa phương lại khó thu được tiền sử dụng đất.

Đổ bộ tỉnh lẻ, đại gia ôm đất 'vàng' rồi… bỏ hoang - Ảnh 1
Sau lùm xùm chậm tiến độ, bỏ hoang 100ha đất từ năm 2012, Công ty Thăng Long lại phân lô bán nền đất, huy động vốn rầm rộ.

Hạ tầng chưa xong, doanh nghiệp đã “xẻ” đất bán

Tỉnh Hưng Yên trong khoảng 10 năm trở lại đây thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại… Từ vùng đồng ruộng, vườn cây rộng mênh mông đến quỹ đất sản xuất thương mại đã nhanh chóng được quy hoạch, giao cho các doanh nghiệp làm dự án bất động sản.

Sau giai đoạn khủng hoảng thị trường bất động sản “đóng băng”, hàng loạt dự án đã dừng thi công, dở dang, đất đai bỏ hoang ở nhiều nơi… do chủ đầu tư đói vốn, tiêu thụ khó khăn.

Điều đáng nói là rất nhiều quỹ đất lớn, có vị trí đẹp, sau khi được tỉnh Hưng Yên chấp thuận đầu tư và giao đất xong, doanh nghiệp lại không có động thái triển khai, hoặc thi công một thời gian rồi dừng lại, quây tôn, bỏ hoang nhiều năm…

Điển hình như dự án khu đô thị Thăng Long có quy hoạch chi tiết 1/500 rộng 221,179ha đất tại huyện Yên Mỹ và Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã được giao cho Công ty Du lịch và Thương mại tổng hợp Thăng Long (nay là Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Thương mại Thăng Long) đầu tư từ năm 2004.

Ngày 6/12/2004, UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị phía Bắc đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam Quốc lộ 5. Tháng 4/2005, tỉnh Hưng Yên phê duyệt giá đất và mức thu tiền sử dụng đất khi giao đất cho Công ty Thăng Long là hơn 173 tỉ đồng.

Số tiền sử dụng đất này, áp dụng cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” thì doanh nghiệp được đối trừ sang chi phí xây dựng tuyến đường trục trung tâm khu đô thị phía Nam Quốc lộ 5. Suốt nhiều năm, quỹ đất khu đô thị này vẫn nằm trong diện quy hoạch “treo”, bỏ hoang hóa…

Đổ bộ tỉnh lẻ, đại gia ôm đất 'vàng' rồi… bỏ hoang - Ảnh 2
Giai đoạn 2 của dự án được chào bán 2.000 lô đất nền với tên New City Phố Nối.

Đến ngày 26/4/2012, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, tỉnh Hưng Yên đã giao hơn 100 ha đất trên thực địa tại xã Liêu Xá (huyện Yên Mỹ) và xã Dị Sử (huyện Mỹ Hào) cho Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản và Thương mại Thăng Long. Thời điểm đó, khu đất có vị trí đắc địa vì giáp Quốc lộ 39A và gần Quốc lộ 5, có mức giá giao đất cũng khá “bèo bọt” so với thị trường.

Thế nhưng, suốt 15 năm qua, tuyến đường trục mới chỉ thi công được 2km rồi tạm dừng, do đó, chưa có hồ sơ quyết toán để xác định tiền sử dụng đất mà Công ty Thăng Long phải nộp.

Trong khi chưa nộp tiền sử dụng đất, Công ty Thăng Long nhanh chóng san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu đất 100ha được giao, phân lô bán nền.

Giai đoạn 1 của dự án có tên thương mại là khu đô thị V-Green Phố Nối với diện tích 32,2ha được xây dựng từ năm 2016. Đến nay dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và người dân đã xây nhà vào ở.

Giai đoạn 2 có tên gọi khu đô thị New City Phố Nối, có quy mô khoảng 68,8ha. Dù đang xây dựng hạ tầng nhưng chủ đầu tư đã phân thành 2.000 lô đất nền (liền kề, shophouse, biệt thự, chung cư…) cùng khu trung tâm thương mại, trường học, chào bán rầm rộ.

Theo các quy định hiện hành, do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nên không đủ điều kiện chuyển nhượng, cũng có nghĩa người dân mua đất nền sẽ đối mặt rủi ro không được cấp sổ đỏ.

Việc bỏ hoang đất dự án suốt thời gian dài là sự lãng phí tài nguyên đất đai, nhất là vướng mắc trong thực hiện cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” khiến địa phương chưa thu được tiền sử dụng đất, trong khi doanh nghiệp đã “ung dung” phân lô bán nền, thu tiền.

Bi kịch của dự án “đất vàng” Hải Dương

Sau vụ cháy kinh hoàng năm 2013, khu đất trung tâm thương mại Hải Dương có diện tích 8.000m2 tại số 2 phố Thống Nhất, trung tâm TP Hải Dương vẫn được quây tôn và bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Năm 2017, Công ty TNHH Toàn Gia đề xuất làm dự án trung tâm thương mại và nhà ở cao 30 tầng, gồm 23 tầng nhà ở thương mại, 5 tầng thương mại- dịch vụ, 2 tầng hầm. Đề xuất này đã bị bác bỏ do trái với quy định của Nhà nước nên năm 2018, Công ty TNHH Toàn Gia xin rút lui khỏi dự án.

Cuối năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đồng ý phương án hệ số điều chỉnh giá, mức tỉ lệ % tính đơn giá thuê và phương án giá khởi điểm để đấu giá lại quyền sử dụng đất thuê 50 năm (thuê trả tiền hàng năm), nâng chiều cao và số tầng công trình, điều chỉnh công năng… để lựa chọn nhà đầu tư khác tiếp tục triển khai dự án này.

Tháng 2/2019, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (trụ sở tại quận Hai Bà Trung, Hà Nội) do ông Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã trúng đấu giá khu đất 8.000m2 nêu trên. Tiền thuê đất trả hàng năm là 30,6 tỉ đồng/năm, cao hơn giá khởi điểm 15,8 tỉ đồng. Đến cuối tháng 4/2020, Công ty T&T đã ký quỹ bảo đảm thực hiện và nộp hơn 16,8 tỉ đồng để triển khai dự án này.

Những tưởng dự án sẽ được tái khởi động, chấm dứt chuỗi ngày bỏ hoang “đất vàng” suốt 7 năm qua, song trên thực tế, khu đất vẫn tiếp tục bị… bỏ hoang ở giữa trung tâm TP Hải Dương.

Ông Đỗ Quang Hiển khẳng định chắc nịch trên truyền thông rằng: UBND tỉnh Hải Dương đang giải quyết các thủ tục pháp lý còn lại để nhà đầu tư thi công xây dựng. Dự kiến tháng 7 hoàn tất thủ tục pháp lý và khởi công.

Trong khi “ôm” nhiều khu đất đắc địa, chưa sử dụng nhưng Tập đoàn T&T nhiều năm qua vẫn không ngừng mở rộng thâu tóm quỹ đất ở các địa phương. Cuối năm 2019 Tập đoàn T&T đã được chấp thuận đầu tư 2 dự án khu đô thị mới tại TP Long Xuyên. Cụ thể, dự án khu đô thị mới Bình Khánh có diện tích 132ha, quy mô khoảng 31 nghìn dân; khu đô thị mới Vàm Cống có diện tích 128ha, có chức năng dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, thương mại, nhà ở… Tổng mức đầu tư của hai dự án là hơn 8.656 tỉ đồng.

Điều băn khoăn là Tập đoàn T&T của bầu Hiển có đủ năng lực đầu tư, năng lực tài chính để triển khai dự án đúng tiến độ cam kết không, liệu có tái diễn tình trạng “ôm” đất rồi bỏ hoang như dự án 8.000m2 ở Hải Dương?

Bởi nguồn tài nguyên đất đai của Nhà nước được chuyển giao sang cho tư nhân để triển khai đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế và đóng góp cho sự phát triển diện mạo đô thị hóa của địa phương, tạo nguồn thu cho ngân sách… Nếu những dự án sau khi về tay doanh nghiệp vẫn tiếp tục bỏ hoang, không đưa vào sử dụng, sẽ hưởng đến môi trường đầu tư chung, gây bức xúc trong nhân dân, rất cần được thanh kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết Đổ bộ tỉnh lẻ, đại gia ôm đất 'vàng' rồi… bỏ hoang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới