Đô thị ngày càng vắng bóng cây xanh
Cùng với quá trình đô thị hóa, các cây xanh đô thị Việt Nam ngày càng thiếu vắng nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng hay các công trình giao thông hiện đại.
Cây xanh góp phần làm nên vẻ đẹp và giá trị đô thị. Không chỉ là màu xanh, mà từ những hàng cây được trồng có quy hoạch còn tạo nên giá trị văn hóa, những nét độc đáo và được xem là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng sống đô thị.
Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, các cây xanh đô thị Việt Nam ngày càng thiếu vắng nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng hay các công trình giao thông hiện đại.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm vừa qua, tỉ lệ diện tích đất dành cho cây xanh ở các đô thị lớn của Việt Nam tương đối thấp. Tại Hà Nội và TP.HCM, con số này chỉ đạt khoảng 2m2/người, chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.
Thành phố ngày càng thiếu vắng cây xanh. Những con đường từng được mệnh danh là đẹp nhất Thủ đô như Láng Hạ, Phạm Văn Đồng với hàng cây cổ thụ mướt mát một thời nay đã chỉ còn trong hoài niệm. Người dân Thủ đô đã phải kêu trời mỗi khi qua đây.
Tại TP.HCM cũng vậy. Các trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách mạng Tháng tám, Phạm Ngọc Thạch từng xinh đẹp với hàng cây cổ thụ xà cừ và cây me, nay đã thành quá khứ mà người dân nhắc đến một cách xót xa.
Đô thị ngày càng phát triển, môi trường ngày càng ô nhiễm thì cây xanh càng khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc sống con người và là yếu tố quan trọng giúp đô thị phát triển bền vững.
Theo nguyên tắc quy hoạch, mỗi công trình phải dành ít nhất 20% diện tích cho cây xanh, nhưng trong tình trạng tấc đất tấc vàng như hiện nay, diện tích này cũng bị xà xẻo.
Có nhiều lý do khiến các đô thị Việt Nam ít xanh, nguyên nhân cơ bản là nguồn lực phát triển cây xanh đô thị chủ yếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và thiếu cơ chế, chính sách để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia. Trừ một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, còn lại các đô thị khác, chi phí đầu tư cho cây xanh hầu như không đáng kể hoặc rất thấp.
Từng trao đổi với báo Hà Nội mới, TS. Nguyễn Hồng Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, việc quản lý cây xanh hiện vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây, đặc biệt cây quý hiếm nằm trong nhóm phải bảo tồn vẫn diễn ra. Nhiều đô thị cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố nên chặt hạ hàng loạt cây xanh. Bên cạnh đó, việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu quy hoạch về lựa chọn, bố trí loại cây trồng phù hợp ở từng công trình, từng địa phương.
Dư luận những năm gần đây đã đề cập đến hiện tượng có nhiều loại cây xanh được đưa vào trồng trên đường phố đô thị không đem lại hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Điển hình như cây hoa sữa được trồng quá nhiều trên một số đường phố đô thị miền Trung, mùi hương nồng vào cuối mùa hè đã ảnh hưởng đến sức khỏe cư dân. Tại TP.Huế, cây bàng được người dân tự trồng rất nhiều trên đường phố đã làm mất đi bản sắc riêng của đô thị này.
Tại Việt Nam, Chương trình tăng trưởng xanh được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối tháng 9/2012. Trong đó khẳng định, để bảo đảm phát triển bền vững, tăng trưởng xanh cần đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm… Tuy nhiên, đến nay việc triển khai vẫn còn khá khiêm tốn so yêu cầu thực tế.
Nhật Hạ