Chủ nhật, 24/11/2024 09:47 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/03/2022 12:00 (GMT+7)

Doanh nghiệp cần chủ động để ứng biến, thích nghi với 'bão giá' thị trường

Theo dõi KTMT trên

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giữa những cơn “bão giá” các doanh nghiệp cần phải tự tính toán, điều tiết để kiểm soát giá thành sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất đưa tất cả chi phí phát sinh vào giá bán.

Nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá

Từ cuối năm 2021, giới chuyên gia đã nhận định, xu hướng tăng giá tiêu dùng là khá rõ và sẽ gây ra áp lực lạm phát trong năm 2022. Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang chịu tác động rất lớn từ việc giá nhiên liệu đang trong xu hướng tăng liên tục và thiết lập mức cao kỷ lục, đòi hỏi nhận diện nguyên nhân, chủ động giải pháp ứng phó.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu nên sẽ đối mặt với nguy cơ lạm phát trước xu hướng tăng giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế. Nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm cho CPI tăng 0,36% do sự tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, vận tải, giao thông.

Ngoài ra, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sau Tết có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá. Đầu tiên là giá gas, giá xăng, dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Hiện, giá xăng, dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú còn cho rằng, áp lực tăng CPI còn do nhu cầu mua sắm, du lịch tăng mạnh ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Doanh nghiệp cần chủ động để ứng biến, thích nghi với 'bão giá' thị trường - Ảnh 1
Lo ngại hàng hóa tiêu dùng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, hoàn thiện thể chế về quản lý giá để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả để kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Mặt khác, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan hữu quan, địa phương vào cuộc đồng bộ, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu; khai thông nguồn cung, tránh khan hiếm giả tạo và tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của xã hội.

Với mặt hàng xăng, dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, chủ động điều hành giá theo quy định, bảo đảm nguồn cung cho thị trường và chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng, dầu; đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; kiểm tra, xử lý hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật. Trước đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra đầu mối cung ứng xăng, dầu.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, diễn biến giá cả nhiên liệu để kịp thời ứng phó thông qua cân đối cung - cầu và chính sách xuất, nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá và bảo đảm dư địa kiểm soát lạm phát cả năm. Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cam kết bảo đảm nguồn hàng cho hệ thống phân phối, thương nhân nhượng quyền bán lẻ của tập đoàn trong mọi tình huống. Còn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho hay, tập đoàn đã cùng các đơn vị thành viên nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tăng công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, góp phần bình ổn thị trường.

Doanh nghiệp cần điều tiết để kiểm soát giá thành

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, giá xăng dầu tăng cao thì doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt nhất. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế vì người tiêu dùng phải "thắt lưng buộc bụng", tiết giảm chi tiêu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tăng cao và cả xã hội chịu thiệt.

Vì vậy, ông Thịnh cho rằng các doanh nghiệp cần phải tự tính toán, điều tiết để kiểm soát giá thành sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất đưa tất cả chi phí phát sinh vào giá bán. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Quản lý giá phải giám sát điều này, vì thực tế vẫn có tình trạng "té nước theo mưa", không chịu tác động nhiều vẫn tìm cách tăng giá.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, giảm một đồng chi phí đầu vào, lợi nhuận của người nông dân sẽ tăng thêm một đồng. Tuy vậy, trong bối cảnh mà giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng vọt, không còn cách nào khác là ngành nông nghiệp phải chuyển sang sản xuất xanh, sử dụng các loại phế phẩm ủ làm phân bón.

"Để không bị cú sốc tăng giá từ mặt hàng phân bón, nhiều nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đã ủ phê phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, chi phí đầu vào ít đi mà giá bán lại cao hơn", ông Hoan cho rằng cách làm này cần phải nhân rộng.

Đây chính là làm kinh tế nông nghiệp, bởi giá cả hàng hóa nếu loại trừ yếu tố trục lợi, thao túng thì rõ ràng trong bối cảnh thị trường toàn cầu, mình cần chủ động để ứng biến, thích nghi.

Doanh nghiệp cần chủ động để ứng biến, thích nghi với 'bão giá' thị trường - Ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cần chỉ đạo toàn lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung-cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lợi bất chính. Đồng thời, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh COVID-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp cần chủ động để ứng biến, thích nghi với 'bão giá' thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới