Doanh nghiệp Việt gọi vốn quốc tế: Cơ hội rộng mở nhưng không dễ thực hiện
Việc IPO hoặc niêm yết trên thị trường nước ngoài vừa nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt vừa là cơ hội để những công ty này huy động dòng vốn đầu tư quốc tế.
Tháng 4/2021, giới đầu tư không khỏi xôn xao khi Bloomberg thông tin Tập đoàn Vingroup – CTCP (HOSE: VIC) xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ đối với công ty sản xuất ôtô VinFast, dự kiến huy động khoảng 2 tỉ USD.
Theo đó, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam đang làm việc với tư vấn để thực hiện chào bán ngay trong quý này, một đợt chào bán có thể huy động lên tới 3 tỉ USD. VinFast muốn mức định giá ít nhất 50 tỉ USD tại Mỹ, nguồn tin cho biết.
Với mức 2 tỉ USD, đợt IPO của VinFast sẽ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của một công ty Việt Nam. Trước đó, Vinhomes (thuộc Vingroup) huy động về 1,4 tỉ USD từ bán cổ phần lần đầu năm 2018. Ngài ra, hãng xe VinFast cũng có thể trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết tại Mỹ, nếu thành công.
Cũng trong tháng 4/2021, Reuters cho biết ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, mới tiết lộ rằng hãng hàng không này có kế hoạch huy động 200 triệu USD thông qua IPO tại Mỹ bằng việc phát hành từ 5 - 7% cổ phần công ty, thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3. “IPO sẽ là một phần nỗ lực mở rộng dịch vụ ra toàn cầu của chúng tôi”, ông Quyết chia sẻ và nói rằng Bamboo Airways đã thuê một công ty kiểm toán quốc tế để tư vấn về việc IPO trên sàn giao dịch chứng khoán New York.
Ngoài ra, không khó để kể tên nhiều đơn vị có tham vọng thực hiện IPO/niêm yết trên sàn ngoại như: CTCP VNG, VietJet Air, Vinamilk,...
Việc IPO/niêm yết trên thị trường nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp huy động vốn ngoại tệ với giá rẻ, đồng thời nâng cao uy tín hình ảnh công ty Việt trên thị trường vốn quốc tế khi đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về quản trị, chuẩn mực kế toán của thị trường tài chính quốc tế.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, việc đưa cổ phiếu ra niêm yết tại thị trường chứng khoán lớn sẽ giúp đơn vị niêm yết thăm dò nhu cầu từ nhà đầu tư quốc tế, xác định mức giá cân bằng tính theo đơn vị USD. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có định hướng trong vấn đề huy động vốn ngoại.
Đáng chú ý, việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục chống đại dịch Covid-19 thành công, kinh tế vĩ mô được đánh giá ổn định, nhiều triển vọng,... cũng là những yếu tố khiến doanh nghiệp Việt trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Nói riêng về kế hoạch IPO của VinFast, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCP chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, doanh nghiệp Việt thường chủ yếu hướng đến hai trung tâm tài chính lớn trong khu vực là Singapore và Hồng Kông. Điều này cũng phần nào khiến số lượng nhà đầu tư phương Tây tham gia rót vốn vào Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, ông Minh kỳ vọng việc VinFast thực hiện IPO tại Mỹ sẽ tạo ra một cú hích để thu hút thêm dòng vốn đầu tư mới cho Việt Nam nói chung. Từ đó, hình ảnh thị trường tài chính Việt Nam có thể trở nên tích cực trong mắt các nhà đầu tư từ Mỹ và Châu Âu.
Những rào cản cho việc niêm yết sàn ngoại
Không khó để nhận ra, dù nhiều doanh nghiệp Việt đã đưa ra kế hoạch lên sàn ngoại gọi vốn từ nhiều năm trước, nhưng đến nay chưa công ty nào thành công.
Đơn cử, Vinamilk vào tháng 10/2018 đã nhận được thư chấp thuận niêm yết từ SGX-ST về việc phát hành và niêm yết hơn 8,7 triệu cổ phiếu phổ thông mới. Nhưng sau đó kế hoạch này đã hoãn lại và Hội đồng quản trị Vinamilk cho biết sẽ thực hiện việc phát hành và niêm yết cổ phiếu trên SGX-ST khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn.
Hay, CTCP VNG vào tháng 5/2017 đã ký kết biên bản ghi nhớ với Sở Giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ) để thực hiện IPO và niêm yết cổ phiếu tại sàn này. Câu chuyện VNG niêm yết trên Nasdaq cũng chỉ dừng lại ở đó.
Việc IPO/niêm yết lên sàn ngoại vẫn chưa được doanh nghiệp Việt cụ thể hóa thành hiện thực.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, một số quy định ở pháp luật Việt Nam hiện vẫn còn gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp muốn niêm yết chứng khoán ra nước ngoài.
Trước hết, đối với quy định về giới hạn tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty niêm yết, ông Hà cho rằng việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty niêm yết buộc các tổ chức phát hành khi niêm yết chứng khoán ra nước ngoài phải thiết lập một phạm vi huy động vốn nằm trong giới hạn tỷ lệ sở hữu này. Và, cũng làm phát sinh nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, theo đó yêu cầu tổ chức phát hành Việt Nam phải cung cấp cam kết duy trì phạm vi sở hữu nước ngoài nói trên để đảm bảo rằng họ có thể tự do bán chứng khoán của mình cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào khác mà không phải gánh chịu rủi ro pháp lý vi phạm tỷ lệ tham gia góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, đối với những công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã đạt mức cao, khả năng tăng vốn thông qua phát hành và niêm yết quốc tế của nhóm doanh nghiệp này rất khó.
Ngoài ra, đó còn là sự khác biệt về chuẩn mực kế toán. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải áp dụng hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Trong khi đó, chuẩn mực kế toán được đưa ra chung cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn niêm yết trên sàn nước ngoài thường là IFRS hay IAS - chuẩn mực có sự khác biệt trong cách lập các báo cáo, hệ thống tài khoản… so với VAS.
Cuối cùng, ông Hà cho biết, quy định của pháp luật về ngoại hối chỉ yêu cầu tổ chức phát hành Việt Nam mở một tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam để nhận bất kỳ khoản ngoại tệ nào thu được từ quá trình niêm yết, mà không quy định tổ chức phát hành phải mở tài khoản tại nước dự định niêm yết chứng khoán.
Điều này dẫn đến thực tế rằng, nhà đầu tư nước ngoài đặt mua chứng khoán không thể chuyển tiền giao dịch vào tài khoản của tổ chức phát hành Việt Nam, nếu ngân hàng phục vụ tổ chức này không có chi nhánh, hoặc văn phòng giao dịch đặt tại quốc gia niêm yết. Vấn đề này cần phải được xem xét và có hướng giải quyết phù hợp.
Tuy nhiên, điều gây khó khăn thực sự cho các doanh nghiệp là việc đáp ứng các điều kiện hết sức nghiêm ngặt của các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế.
Nhân Tâm