Chủ nhật, 24/11/2024 10:57 (GMT+7)
Thứ ba, 19/05/2020 06:00 (GMT+7)

Đối phó với hạn hán, thiên tai nhớ bài học bảo vệ môi trường của Bác Hồ

Theo dõi KTMT trên

Năm 2020, Việt Nam chịu ảnh hưởng “kép” từ đại dịch Covid-19 toàn cầu và hạn hán khốc liệt kéo dài ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, nước mặn xâm nhập sâu vào các tỉnh ĐBSCL… Trước hàng loạt vấn đề môi trường, chúng ta mới càng thấm thía bài học yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường ngay từ những ngày đầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động tới toàn thể chiến sĩ, nhân dân.

Người dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vật lộn với hạn hán

Ô nhiễm, khói bụi tại các thành phố lớn; hạn hán, cháy rừng bùng phát trên diện rộng tại nhiều quốc gia… Dường như thiên nhiên đang “nổi giận” trước sự thờ ơ của con người.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, hạn mặn xảy ra trên diện rộng đã và đang trở thành vấn đề môi trường nhức nhối, đe doạ nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân 5 tỉnh ở ĐBSCL: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau. Hệ quả là, khoảng 39.000 ha lúa vụ mùa 2019 và đông xuân 2019 - 2020 bị ảnh hưởng tới trên 30% năng suất do hạn mặn, chiếm khoảng 1,2% tổng diện tích gieo trồng, bằng 9,6% diện tích bị ảnh hưởng năm 2015 - 2016. Đến cuối tháng 3, gần 100.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, nghiêm trọng nhất là Bến Tre và Tiền Giang.

Đối phó với hạn hán, thiên tai nhớ bài học bảo vệ môi trường của Bác Hồ - Ảnh 1
Người dân miền Tây đau đớn cắt lúa non nhiễm mặn về cho bò ăn do tình trạng hạn mặn ở các tỉnh ĐBSCL khốc liệt hơn cả đợt mặn lịch sử năm 2015 - 2016.

Trong 4 tháng đầu năm nay, thiên tai đã khiến 3 người chết, 18 người bị thương, 29.329 ngôi nhà bị hư hỏng, tổn thất về tài sản lên tới 2.800 tỉ đồng. Các hình thái thiên tai phức tạp từ đầu năm đến nay như dông, lốc, mưa đá, sạt lở đất, lũ quét đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây nhiều thiệt hại, ước tính, thiên tai dẫn đến thiệt hại về kinh tế hơn 2.800 tỉ đồng. Trong đó, riêng thiệt hại do dông lốc, mưa đá là 300 tỉ đồng, thiệt hại do hạn hán, xâm ngập mặn là 2.500 tỉ đồng.

Trước tình hình trên, ngoài việc kêu gọi sự giúp đỡ của Liên hợp quốc cho những tỉnh bị thiên tai, Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp đồng bào phần nào vượt qua hạn mặn.

Những biện pháp đối phó với thiên tai, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL được Chính phủ xây dựng một cách nhanh chóng, kịp thời, trên tinh thần học tập các bài học bảo vệ môi trường thiên nhiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chủ tịch – Tấm gương sáng trong bảo vệ môi trường

Đối phó với hạn hán, thiên tai nhớ bài học bảo vệ môi trường của Bác Hồ - Ảnh 2
Hơn 60 năm qua, đến nay, Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã trở thành một phong trào, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta vào mỗi dịp năm mới, mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế và cải thiện môi trường sống trong lành. (Ảnh tư liệu)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái. Là người quan tâm tới vấn đề môi trường trước khi có những công ước quốc tế về vấn đề này, Người sớm cảnh báo hậu quả của việc khai thác rừng bừa bãi, làm cạn kiệt tài nguyên, môi trường sinh thái của con người, thậm chí so sánh nạn phá rừng là hành vi “đem vàng đổ xuống biển”.

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng tại nước ngoài, ngoài tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là giải phóng quốc gia, dân tộc, Người vẫn luôn quan tâm đến vấn đề môi trường. Thông qua các bài viết trên báo chí quốc tế, Người góp phần lên tiếng phê phán chế độ thực dân khai thác tận diệt tài nguyên, huỷ hoại môi trường ở các nước thuộc địa. Ngay cả khi thế giới còn chưa có những lời khuyến cáo khẩn thiết về bảo vệ rừng như hiện nay, từ năm 1959, Bác đã phát động phong trào Tết trồng cây.

Hơn 60 năm qua, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành một phong trào, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta vào mỗi dịp năm mới, mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế và cải thiện môi trường sống trong lành. Bởi hoạt động này “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều” và lâu dài cho con người, có ý nghĩa chính trị, xã hội, kinh tế to lớn, nhất là bảo vệ mùa màng, xóm làng, hạn chế được những thiệt hại do mưa bão gây ra...

Bên cạnh đó, Người có rất nhiều bài viết, thư, bài nói chuyện, hành động cụ thể về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, Bác luôn căn dặn mọi người phải tích cực trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái… Mỗi bài viết, từng phong trào Người phát động vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, tiếp tục trở thành những phong trào kiểu mẫu được hưởng ứng hàng năm.

Đơn cử, các bài viết về môi trường trải dài từ năm 1959 đến năm 1969 như: “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu”; “Thêm vài ý kiến về tết trồng cây”; “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây”… Đáng chú ý là bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân ngày 5/2/1969, Bác đã chỉ rõ những mục đích cũng như lợi ích cụ thể của việc trồng cây như: “Việc trồng cây ngày càng hướng vào những yêu cầu thiết thực như lấy gỗ, cây ăn quả, cây chắn gió, phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, bao đồi, chống xói mòn, chống cát bay”...

Sống hoà hợp với thiên nhiên cũng là phong cách sống chuẩn mực mà Bác Hồ đã xây dựng trong nhiều năm, từ căn cứ địa cách mạng, trong những năm kháng chiến gian khổ cho đến khi hoà bình lập lại. Theo Người, việc trồng nhiều cây xanh, chăm sóc, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống là tạo dựng môi trường xã hội tốt đẹp hơn cho con người.

Kim chỉ nam cho hành động bảo vệ môi trường

Đối phó với hạn hán, thiên tai nhớ bài học bảo vệ môi trường của Bác Hồ - Ảnh 3
Bác Hồ tham gia Tết trồng cây tại Bất Bạt (Sơn Đà, Ba Vì, Hà Tây) năm 1969. (Ảnh tư liệu)

Những bài viết, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ thiên nhiên môi trường vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, trở thành kim chỉ nam cho Đảng và đề ra những biện pháp thiết thực, phù hợp với tình hình mới, đảm bảo hạn chế những tác động tiêu cực của hạn hán, thiên tai đối với cuộc sống.

Cụ thể, trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nêu rõ: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch. Coi trọng nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia”.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng có ghi: “Đến năm 2020, có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tang ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường; về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai, giảm mức phát thải khí nhà kính”.

Về giải pháp cụ thể, vừa qua, Thủ tướng phê duyệt hỗ trợ khoảng 70 tỉ đồng mỗi tỉnh từ ngân sách Trung ương cho 5 tỉnh ĐBSCL theo quy định để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn. Qua đó tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Thủ tướng về giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm thiệt hại hơn nữa cho sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Dự báo nguồn nước thượng nguồn sông Mekong, nguồn nước về ĐBSCL và đánh giá hiện trạng nguồn nước trên địa bàn để cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Không để hộ nào có nguy cơ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách.

Với tốc độ phát triển nhanh, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, như nạn phá rừng gia tăng, làm giảm độ che phủ rừng, khai thác cạn kiệt khoáng sản, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các khu công nghiệp, ô nhiễm không khí...

Do đó, học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương bảo vệ môi trường của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sống thân thiện với thiên nhiên, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên cần được xem là mục tiêu tối quan trọng, ngang hàng với mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong thời đại mới. Bởi thiết nghĩ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chính là bảo vệ môi trường sống của chúng ta, bảo vệ môi trường xanh cho các thế hệ tương lai, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên của đất nước.

Đối phó với hạn hán, thiên tai nhớ bài học bảo vệ môi trường của Bác Hồ - Ảnh 4

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Đối phó với hạn hán, thiên tai nhớ bài học bảo vệ môi trường của Bác Hồ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới