Chủ nhật, 24/11/2024 09:46 (GMT+7)
Thứ hai, 28/03/2022 13:00 (GMT+7)

Dồn dập sốt đất từ Bắc đến Nam, giá ở miệng "cò đất"

Theo dõi KTMT trên

Cơn sốt đất đang lan rộng ở nhiều tỉnh thành khiến nhiều người nhấp nhổm. Người mua sợ lỡ cơ hội, người bán sợ hớ khiến thị trường nhốn nháo. Chuyên gia giải mã ra sao với những cơn sốt đất đang lan rộng?

Dồn dập sốt đất từ Bắc đến Nam, giá ở miệng "cò đất"

Cơn sốt đất đang lan rộng ở nhiều tỉnh thành khiến nhiều người nhấp nhổm. Người mua sợ lỡ cơ hội, người bán sợ hớ khiến thị trường nhốn nháo.

Thế nhưng, chỉ cần “tĩnh” lại một chút sẽ thấy, mức giá đắt đỏ ở khắp nơi thực chất đều trên miệng giới đầu nậu, cò. Còn giao dịch thực tế lại khác xa.

Theo tìm hiểu, nhiều người sở hữu bất động sản (BĐS) tại dự án Vạn Phúc City (TP.Thủ Đức, TP.HCM) tuần trước nở hoa trong bụng khi giá nhà phố, shophouse, nhà liên kề... ở dự án này đội lên hàng chục tỷ đồng/căn.

Trong các nhóm kín, họ chuyển cho nhau thông tin bán căn shophouse diện tích 7 x 22 m với giá 50 tỷ đồng (còn thương lượng) và hỷ hả vì “tự dưng có cục tiền từ trên trời rớt xuống” như lời anh T.K.H (Q.4, TP.HCM), sở hữu một căn shophouse ở chính dự án này khoe.

Dồn dập sốt đất từ Bắc đến Nam, giá ở miệng "cò đất" - Ảnh 1
Môi giới dùng nhiều chiêu trò “thổi giá” kiếm tiền tỷ trong cơn sốt đất.

Cách đây gần 2 năm, anh H. mua căn shophouse với giá gần 27 tỷ đồng, mới trả 25% theo chính sách thanh toán của chủ đầu tư. Nếu mức giá trên là sự thật, khoản lợi nhuận anh thu về gần gấp đôi. Nhưng xét trên số tiền anh bỏ ra đến giờ này chỉ khoảng hơn 6 tỷ đồng mà mức lời tới hơn 20 tỷ đồng thì đúng là “không có gì đẻ nhanh bằng đất”.

Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Một số nhà đầu tư muốn nhân cơ hội chốt lời thì không tìm được người mua. Bà Nguyễn H, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, chủ đầu tư dự án Vạn Phúc City, xác nhận không có mức giá trên. Giá giao dịch thực tế đang ở mức 32-35 tỷ đồng tùy căn và tùy người bán.

“Những người mua sớm từ lúc giá 25-26 tỷ mà cần tiền, họ có thể bán rẻ hơn 1-2 tỷ đồng/căn. Còn những vị trí đẹp, có thể chốt ở mức 34-35 tỷ đồng/căn. Ở mức giá đó thôi chứ cộng thêm hàng chục tỷ đồng là không có”, bà H nói cho hay.

Hay như trường hợp khác là ông L. (Hà Nội) cho biết: “Nhưng sốt đâu không biết chứ ở chỗ tôi mọi cái vẫn thế, cũng không thấy ai mua bán gì cả”. Nhà ông L. ở mặt tiền đường lớn, cách khu resort Glory (khu nghỉ dưỡng lớn nhất vùng này) chưa đầy 500 m, nhưng suốt 2 năm nay, giá đất ở khu này vẫn ì ạch từ 4-5 triệu đồng/m2.

Giao dịch thì gần như không có, năm thì mười họa cũng chỉ là người trong khu mua bán với nhau nhưng là để ở, không phải để đầu tư. Đáng nói, ngay tại “điểm nóng” của các cơn sốt ảo, thực tế còn thê thảm hơn.

Sốt ảo, nhưng giao dịch “chết” thật, bởi người bán muốn đẩy giá lên cao hoặc không bán vì sợ hớ và người mua cũng tương tự, sợ hớ nên “cứ tạm cất tiền trong tủ cho yên tâm”, như lời một nhà đầu tư nói. Cơn sốt ảo đang lan rộng từ Bắc tới Nam đã đẩy giao dịch thị trường xuống đáy...

Chuyên gia giải mã những cơn sốt đất đang lan rộng

Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở của CBRE Việt Nam ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, giá BĐS, đặc biệt giá đất nền tiếp tục tăng ở nhiều khu vực. Theo quan sát của ông, tình trạng này xuất hiện và bắt đầu lan rộng hơn rất nhiều.

Một nguyên nhân quan trọng khác được ông Kiệt đề cập tới đó là tình hình lạm phát tăng, nhà đầu tư tăng nhu cầu tìm kiếm kênh giữ tài sản. BĐS là kênh đầu tiên được nhiều người nghĩ đến. Đất nền lại có ưu điểm vì thanh khoản tốt mà giá trị đầu tư không cao.

Dồn dập sốt đất từ Bắc đến Nam, giá ở miệng "cò đất" - Ảnh 2
Đất nền các huyện vùng ven Hà Nội được thổi lên trời. (Ảnh Lê Quân)

Sốt đất chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Tâm lý của nhà đầu tư muốn đón đầu thị trường, muốn tập trung vào những khu vực được dự báo phát triển tốt, có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cảnh báo, nhiều khu vực mà nhà đầu tư nghĩ là "tiềm năng" lại chỉ từ thông tin bên lề. Sau đó, họ bị lôi kéo vào những khu vực sốt đất ảo. Hệ quả là rất nhiều nhà đầu tư vướng vào tình trạng mua "đỉnh", thị trường đóng băng không thanh khoản được, ông Kiệt cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, việc giá BĐS được đấu giá tăng quá cao và đột ngột là tín hiệu không tốt cho thị trường. Bản chất BĐS vốn tăng trưởng từ trước đến nay rất bền vững chứ không tăng vọt như mới đây. Mức giá quá cao này có thể làm tê liệt giao dịch.

Để chặn sốt đất, nhiều địa phương đã đưa ra các cảnh báo để người dân tránh sập bẫy đầu nậu, cò đất tung tin đồn đẩy giá bất động sản (BĐS) tăng cao. Như tại H.Cam Lâm, chính quyền đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và quản lý đất đai trên địa bàn, đồng thời ngừng giải quyết các hồ sơ cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong dân.

TX.Ninh Hòa cũng ra văn bản thông báo tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 10/12 cho đến khi quy hoạch sử dụng đất năm 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của Ninh Hòa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Còn tại Hà Tĩnh, chính quyền nơi đây đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai trước hiện tượng giá đất lần đầu tiên tăng chóng mặt ở một số địa phương. Chính quyền Quảng Trị cho biết sẽ xem xét siết chặt hơn điều kiện tham gia đấu giá đất bằng cách nâng cao mức đặt cọc, nhằm tránh tình trạng bên trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc, do không chuyển nhượng lại được đất sau đó.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông… Ông cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, về lâu dài, để chặn sốt đất vấn đề đầu tiên là minh bạch thông tin quy hoạch, kiểm soát được dòng tiền qua kênh tín dụng. Bởi đầu tư mua đất, ngoài tiền nhàn rỗi còn dùng đòn bẩy về tín dụng.

Như Trung Quốc có giải pháp quyết liệt, đầu tiên có thể cho vay khoảng 70% để mua BĐS, nhưng khi có sốt đất đòn bẩy tín dụng hạ xuống 50%, thậm chí giảm xuống còn khoảng 30%. Như vậy, để có tiền đầu tư, khách hàng phải có 70% giá trị BĐS. Ngoài ra, giải pháp về thuế rất quan trọng. Trung Quốc, Singapore căn nhà thứ nhất đánh thuế thấp, các căn tiếp theo đánh thuế rất cao để chống đầu cơ.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Dồn dập sốt đất từ Bắc đến Nam, giá ở miệng "cò đất". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới