Chủ nhật, 24/11/2024 07:43 (GMT+7)
Thứ tư, 08/02/2023 14:00 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó xâm nhập mặn

Theo dõi KTMT trên

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, tại ĐBSCL mặn có xu hướng tăng dần từ đầu tháng 12 năm trước và tiếp tục vào các tháng đầu năm 2023, đặc biệt cần đề phòng xâm nhập mặn bất thường do tác động của biến đổi khí hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó xâm nhập mặn - Ảnh 1
Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp (Ảnh baotintuc)

Nhận định về tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cho rằng, mùa khô năm nay xâm nhập mặn không gay gắt như những năm cực đoan 2015 - 2016 và 2019 - 2020 do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Tuy nhiên, khả năng mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thủy điện thượng nguồn.

Theo Tổng cục Thủy lợi, trong tháng 2/2023, ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập đến 40-50 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 18-20 km. Một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 40km trở xuống.

Ghi nhận thực tế trên sông Vàm Cỏ Đông ranh mặn 4 g/l lớn nhất tháng 2/2023 ở mức 65-70 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 25-35 km, nhưng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 5-7km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 60 km trở xuống trong các kỳ triều cường.

Từ ngày 2/2, mặn bắt đầu xuất hiện và lên nhanh tại Bến Tre vào kỳ triều rằm tháng Giêng và đã xâm nhập các xã như: Long Thới, Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B, Phú Sơn (huyện Chợ Lách)… với độ mặn cao nhất 2,8‰. "Do triều cường kết hợp với gió chướng nên đẩy mặn lên nhanh và sẽ giảm khi gió chướng yếu và triều cường rút.

Tại Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh này, độ mặn trên các sông chính trong tỉnh lên nhanh theo kỳ triều rằm tháng Giêng âm lịch, xấp xỉ và cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 0,5‰ -4,9‰. Tại các trạm như: Cống Nàng Âm ghi nhận độ mặn 5‰, Quới An: 2,2‰, Trà Ôn 0,6‰, Tích Thiện: 2,8‰…

Cũng theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi, tại một số thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, nguồn nước cơ bản vẫn đảm bảo để cung cấp phục vụ sản xuất cho vụ Đông Xuân 2022-2023

Về lưu lượng dòng chảy, theo ghi nhận tuần qua dòng chảy thượng nguồn sông Mekong có xu thế giảm, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long có xu hướng thay đổi theo triều.

Theo số liệu tại trạm Kratie, mực nước trong tuần có xu thế giảm, đến 7 giờ ngày 1/2/2023 mực nước đạt 7,5 m; so với cùng kỳ cao hơn trung bình nhiều năm 0,58m, cao hơn năm 2022 khoảng 0,08 m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,82 m, cao hơn năm 2016 khoảng 0,65 m.

Còn tại Biển Hồ, dung tích ngày 1/2 đạt 8,15 tỷ m3; so với cùng kỳ, cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,35 tỷ m3, cao hơn năm 2022 khoảng 2,87 tỷ m3, cao hơn năm 2020 khoảng 5,61 tỷ m3, cao hơn năm 2016 khoảng 5,49 tỷ m3.

Mực nước sông Mekong ghi nhận tại trạm Tân Châu và Châu Đốc tuần qua có xu thế giảm theo triều. Mực nước lớn nhất ngày 1/2 tại trạm Tân Châu đạt 1,29 m; so với cùng kỳ, cao hơn năm 2016 khoảng 0,12 m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,16 m. Tại Châu Đốc đạt 1,46 m; so với cùng kỳ, cao hơn năm 2016 0,17m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,17 m.

Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó xâm nhập mặn - Ảnh 2
Hệ thống cống ngăn mặn đang phát huy hiệu quả tại ĐBSCL

Thông tin với báo chí về tình hình diễn biến xâm nhập mặn, PGS.TS Lê Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hiện nay nước sông Cửu Long ở thượng nguồn cao hơn trung bình nhiều năm do năm nay mùa mưa kết thúc rất trễ, mặc dù mùa khô nhưng lại có những trận mưa rất lớn. Bên cạnh đó ghi nhận ở các đập thượng nguồn cũng tiến hành xả đập vì vậy, hiện tại vùng ĐBSCL không thiếu nước ngọt, trong khi đó mặn cũng chưa đi sâu vào nội đồng. Điều rất lạ và hiếm thấy gần đây trong mấy ngày Tết từ mùng 2 đến mùng 4, tại nhiều tỉnh thành, nước dâng cao cộng với triều cường và mưa khiến ngập cục bộ nhiều nơi...

PGS.TS Lê Anh Tuấn khuyến cáo các địa phương nên có các phương án trữ nước chủ động với những diễn biến thời tiết bất thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chắc chắn tháng 3 và tháng 4 tới mặn sẽ tràn vào, tuy nhiên dự báo của ngành chức năng sẽ không nghiêm trọng như một số năm vừa qua (năm 2016 và 2020). Ở vùng ĐBSCL bà con đã sẵn sàng với việc mùa khô nào nước mặn cũng tràn vào, trong khi dự báo năm nay sẽ không đáng lo.

“Để sẵn sàng ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn và những diễn biến bất thường có thể xảy ra, người dân và chính quyền địa phương cần có phương án trước mắt và lâu dài. Cụ thể trước mắt cần tích trữ nước bằng nhiều cách mà lâu nay các địa phương vẫn làm như xây hồ, ngăn các tuyến kênh nội đồng, đào ao, dùng túi chứa nước. Thường xuyên theo dõi, cập nhật số liệu, diễn biến của khí tượng thủy văn. Về lâu dài, nên giảm diện tích trồng lúa, chọn các loại cây trồng giảm tiêu thụ nước hoặc chuyển qua nuôi trồng thủy sản”, PGS.TS Lê Anh Tuấn nhận định.

Để ứng phó với xâm nhập mặn, nhiều tỉnh thành của ĐBSCL  như Kiên Giang, Bến Tre, Vĩnh Long...đã chủ động lên phương án ứng phó để tránh những rủi ro cho người dân trong canh tác nông nghiệp, thủy sản.

Cụ thể, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường theo dõi sát tình hình, khẩn trương thực hiện việc trữ nước ngọt, vận hành công trình thủy lợi hợp lý nhằm bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn và cả trong mùa khô.

Còn UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương trong tỉnh tập trung rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó. Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị ngành chức năng và các địa phương vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Riêng vùng ven biển An Biên - An Minh và một số khu vực ở các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành… bị xâm nhập mặn cục bộ do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng mới thì tập trung gia cố, đắp các đập thời vụ tại các khu vực có khả năng bị nhiễm mặn.

Thụy Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó xâm nhập mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới