Chủ nhật, 24/11/2024 04:58 (GMT+7)
Thứ ba, 01/10/2024 10:33 (GMT+7)

ĐTM dự án hồ Ka Pét: Chuyện chưa kể từ người trong cuộc

Theo dõi KTMT trên

Dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đã từng gây chú ý trong dư luận bởi dự án có tác động tới rừng tự nhiên và tín ngưỡng người Chăm.

ĐTM dự án hồ Ka Pét: Chuyện chưa kể từ người trong cuộc - Ảnh 1

Lời tòa soạn

Hiện nay, dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được thông qua ĐTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường). Mặc dù báo cáo vẫn cần bổ sung thêm, tuy nhiên cơ bản đã được thông qua. Sự kiện này như là lời khẳng định tác động của dự án tới môi trường nằm trong ngưỡng cho phép và lợi ích mang lại cho cộng đồng là rất lớn. Nhìn lại “hành trình” vừa qua, có thể thấy, để thông qua được ĐTM cho dự án này là cả một quá trình đầy gian nan và thách thức. Đó không chỉ là các vấn đề về chuyên môn, mà cả tác động từ dư luận “thuận” và “nghịch”. Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. Được biết, ông làngười chủ trì nhóm nhà khoa học liên ngành của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật và Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQGHN nghiên cứu ĐTM dự án hồ chứa nước Ka Pét.

ĐTM dự án hồ Ka Pét: Chuyện chưa kể từ người trong cuộc - Ảnh 2

Bình Thuận là một trong những tỉnh có tổng lượng mưa hàng năm ít nhất cả nước, mùa mưa chiếm 80-90% tổng lượng mưa hàng năm và tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10. Nguồn nước ngầm của tỉnh không nhiều, có nơi bị nhiễm mặn, phèn. Nguồn tài nguyên nước của tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn nước mặt của các lưu vực sông chính; tuy nhiên, hệ thống sông suối của tỉnh đa số chảy trực tiếp ra Biển Đông, phần lớn ngắn và rất dốc. Chính vì thế, mùa lũ nước sông lên và xuống nhanh, nước ngọt có khi ra đến tận cửa sông; mùa khô dòng chảy kiệt xuống rất thấp, thậm chí nhiều sông suối khô cạn suốt nhiều tháng liền, một số cửa sông lớn bị xâm nhập mặn vào sâu.

Xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được mệnh danh là vùng đất 3 K: Khó, Khô, Khổ. Cách trung tâm huyện Mỹ Thạnh 46 km, Mỹ Thạnh khó bởi giao thông còn cách trở. Nhưng chưa là gì, bởi cái chính, địa phương này “khô”. Nước ít, thậm chí mùa khô nước là vàng. "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, với một xã thuần nông như Mỹ Thạnh, khó khăn lớn nhất bao lâu nay ở địa phương vẫn là tình trạng thiếu nước sản xuất vào mùa khô. Khó, khô dẫn đến khổ. Mặc dù có cấp đất, có vốn, có hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nhưng hình thức canh tác cũng như chăn nuôi của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước từ trên trời rơi xuống do chưa có dự án thủy lợi hoàn chỉnh tại đây. Canh tác không năng suất nên Mỹ Thành là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hàm Thuận Nam. Đây là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 263 hộ/981 khẩu, chiếm 92,6% dân số toàn xã. Sinh kế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng mỗi năm chỉ làm được một vụ, chăn nuôi chủ yếu vẫn là thả rông.

ĐTM dự án hồ Ka Pét: Chuyện chưa kể từ người trong cuộc - Ảnh 3

Chính quyền địa phương cũng đã rất nỗ lực để đưa nền kinh tế - xã hội của xã Mỹ Thạnh nói riêng và Hàm Thuận Nam nói riêng phát triển. Xã cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh triển khai Dự án tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ (SACCR) của tỉnh Bình Thuận cho các hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ vật tư nông nghiệp, đào ao… Đồng thời Đảng ủy, chính quyền xã cũng đã vận động các doanh nghiệp giúp các hộ nghèo xây nhà, hỗ trợ con giống chăn nuôi, tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhìn chung, các chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai ở Mỹ Thạnh đã đem lại kết quả nhất định, giúp cho đời sống của người dân nơi đây ngày một nâng cao.

Theo bà Hoàng Thị Kha, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, nhiều năm qua địa phương xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động thực hiện nhiều chương trình để hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo của Trung ương, của tỉnh. Song song đó, là vận động các đơn vị doanh nghiệp giúp các hộ nghèo xây nhà, hỗ trợ con giống chăn nuôi.

Thế nhưng, trời vẫn phụ lòng người. Năm 2023, tổng sản lượng lương thực của xã ước đạt 2.044 tấn, đạt 89,65% chỉ tiêu kế hoạch giao. Đáng chú ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi tại xã là 14,45%. Cái nghèo, cái khổ do thiếu nước còn hiện lên rất rõ trên từng mảnh đất sản xuất của người dân, hay hình ảnh những con bò thả rông do không có nguồn thức ăn ổn định. Đấy cũng là nguyên nhân mà đến bây giờ, toàn xã có 188 hộ nghèo, cận nghèo/tổng số 284 hộ, chiếm tỷ lệ 66,2%.

Thiếu nước, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Vậy nên, điều người dân ở Mỹ Thạnh và Hàm Cần (địa phương giáp ranh) mong mỏi là nước về đồng, nước cho gia súc gia cầm, nước đến từng hộ gia đình.

ĐTM dự án hồ Ka Pét: Chuyện chưa kể từ người trong cuộc - Ảnh 4

Chuyện người dân ở Mỹ Thạnh, Hàm Cần xách can đi “vét nước” là không hiếm, nhất là vào các tháng mùa khô. Do đó, một công trình thủy lợi lớn, đáp ứng được nhu cầu đời sống, sản xuất, kinh doanh luôn là mong mỏi của cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Thuận nói chung và huyện Hàm Thuận Nam cũng như các xã khô hạn nói riêng.

Trong bối cảnh đó, Dự án Hồ thủy lợi Ka Pétchính là một “ngôi sao hy vọng” cho người dân nơi đây.

ĐTM dự án hồ Ka Pét: Chuyện chưa kể từ người trong cuộc - Ảnh 5

Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 do có phát sinh tiêu chí chuyển mục đích sử dụng hơn 162ha rừng đặc dụng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tổng mức đầu tư của dự án hồ Ka Pét là 874,089 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng, với 3 mục tiêu: (1) cấp nước tưới cho 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; (2) cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm và tạo nguồn nước thô để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; (3) phòng, chống lũ và cải tạo môi trường sinh thái, điều tiết nước cho vùng hạ du huyện Hàm Thuận Nam và một phần đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Bình Thuận.

Nhiệm vụ của hồ chứa nước Ka Pét là cung cấp nước tưới cho 7.762 ha đất nông nghiệp, cấp nước thô 2,63 triệu m3/năm cho khu công nghiệp và cấp nước thô cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha; trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,62 ha, bao gồm: 137,95 ha rừng đặc dụng, 0,51 ha rừng phòng hộ; 440,4 ha rừng sản xuất; 40,72 ha rừng nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng, đất không có rừng là 60,14 ha và diện tích sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.

Việc xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét là phù hợp với quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng Đông Nam bộ.

ĐTM dự án hồ Ka Pét: Chuyện chưa kể từ người trong cuộc - Ảnh 6

Dự án hồ chứa nước Ka Pét là hồ có chức năng tích trữ tạo nguồn nước và có mục tiêu chủ yếu là cấp nước tưới cho sản xuất Nông nghiệp (trong đó chủ yếu là diện tích trồng thanh long), cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nhất là tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, với việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét có quy mô dung tích chứa hơn 51 triệu m3 để cấp nước với các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục tình trạng hạn và phát triển kinh tế xã hội cho huyện Hàm Thuận Nam và vùng phía Nam Bình Thuận.

Dự án ra đời mang lại lợi ích cấp nước tưới cho khoảng 12.000 hộ dân, với khoảng 51.108 nhân khẩu ở 11/12 xã của huyện Hàm Thuận Nam. Trong đó, có 820 hộ là dân tộc thiểu số (tập trung ở khu vực các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần và Hàm Thạnh). Số người được hưởng lợi từ việc cấp nước cho sinh hoạt là khoảng 120.000 người, trong đó thành phố Phan Thiết là khoảng 60.000 người.

Dự án hồ Ka Pét là món quà vô cùng to lớn cho nhân dân huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, là tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của bà con từ hơn 20 năm nay. Với niềm hy vọng lớn, trong năm tới dự án sẽ đủ điều kiện để khởi công, công trình ra đời nhân dân vùng hưởng lợi sẽ không còn lo lắng về vấn đề nước cho sản xuất, cho sinh hoạt mà hàng năm cứ đến mùa khô kiệt là chồng chất nổi âu lo, vì không đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh họat và cuộc sống.

ĐTM dự án hồ Ka Pét: Chuyện chưa kể từ người trong cuộc - Ảnh 7

Chúng tôi hẹn gặp PGS. TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam vào một buổi sáng cuối tháng 9/2024 khi ĐTM của dự án vừa được thông qua. Trong căn phòng nhỏ ở Cung Trí thức (quận Cầu Giấy, Hà Nội), PGS.TS Lưu Đức Hải vẫn đang cặm cụi với chồng hồ sơ dày cộm về dự án hồ Ka Pét.

Chưa cần phóng viên hỏi, PGS.TS Lưu Đức Hải đã vào ngay chủ đề. Ông cho biết thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án hồ Ka Pét là một công việc đầy khó khăn. Bởi khi ông và các cộng sự tiếp nhận hồ sơ, đơn vị tư vấn ĐTM dự án hồ chứa nước Ka Pét trước đó đã rút lui.

Nhưng bằng tâm thế của một người làm khoa học, ông cho biết tỉnh Bình Thuận rất mong mỏi làm và làm bằng được dự án này để góp phần giải quyết khó khăn về nguồn nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

“Đây là lúc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành của Hội phải thể hiện được năng lực, chuyên môn của mình” – PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh. Do đó, ông đã đứng ra tập hợp các chuyên gia về môi trường, kinh tế cùng các cộng sự để làm báo cáo cho dự án. Các chuyên gia đó gồm:  GS. Hoàng Xuân Cơ – tác giả cuốn giáo trình dạy cho sinh viên lập báo cáo ĐTM năm 2000, GS. Nguyễn Xuân Cự - tác giả giáo trình tài nguyên rừng năm 2002, PGS. Trần Văn Thụy – nguyên Chủ nhiệm Bộ môn thực vật Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; đặc biệt là PGS.TS Trương Mạnh Tiến – nguyên Vụ trưởng vụ Môi trường, Bộ TN&MT cùng rất nhiều các TS, ThS của các trường và viện chuyên ngành tại Hà Nội. 

ĐTM dự án hồ Ka Pét: Chuyện chưa kể từ người trong cuộc - Ảnh 8

Áp lực là điều vị PGS.TS có gần 30 năm kinh nghiệm làm ĐTM, từ những dự án đầu tiên của cả nước cảm nhận được khi bắt tay vào làm báo cáo cho Ka Pét. Không áp lực sao được khi dư luận đổ dồn chú ý vào một dự án “phá” gần 700 ha rừng. Nhất là trong bối cảnh rừng quý hơn vàng như hiện nay. Từ người dân, địa phương, chính quyền tỉnh, Chính phủ cho đến Quốc hội đặc biệt quan tâm tới dự án này. Nên mọi hành động của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào liên quan tới hồ Ka Pét đều được chú ý rất lớn. Tuy vậy, PGS.TS Lưu Đức Hải cũng rất tự tin với kinh nghiệm làm báo cáo đánh giá tác động môi trường của mình và các cộng sự. Đồng thời, ông nhận được sự ủng hộ, quan tâm của chính quyền tỉnh Bình Thuận trong công tác làm báo cáo.

Đó mới chỉ là những áp lực ban đầu. Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Lưu Đức Hải hồi tưởng về các khó khăn khi làm ĐTM dự án hồ Ka Pét.

“Đầu tiên là về tín ngưỡng. Trong khu vực dự án có một điểm tín ngưỡng của người Chăm là lăng Cậu Hoa. Theo người dân địa phương, đây là nhân vật lịch sử đã có công với cộng đồng. Do đó, để thuyết phục được đồng bào, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã tổ chức buổi gặp gỡ và làm việc với các sư cả người Chăm.” 

Ngoài ra, một khó khăn nữa là ĐTM dự án này phải song hành với đơn vị tư vấn thiết kế. Nếu như ở các dự án khác, tư vấn thiết kế xong thì mới đánh giá tác động môi trường, thì ở dự án hồ Ka Pét, vừa phải làm ĐTM vừa phải phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế. Nếu tư vấn thiết kế thay đổi thì ĐTM cũng phải thay đổi theo. Các nội dung trên cần phải hoàn thành và cập nhật đồng thời vào 2 hồ sơ phải trình thẩm định lúc ấy là hồ sơ ĐTM trình Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hai tài liệu này chỉ cần thay đổi nội dung, ý kiến thẩm định của Bộ này thì phải hoàn thiện, bổ sung cho Bộ kia và ngược lại. Với khối lượng công việc rất nhiều như thế nhưng phải giải quyết tốt trong khoảng thời gian rất gấp, rất ngắn.

Bên cạnh đó là công tác đền bù cho các hộ dân có đất sản xuất trong khu vực lập dự án. Việc này, chính quyền địa phương đã giải quyết rất ổn thỏa. 5 hộ dân trong khu vực dự án đã đồng thuận để nhường đất cho dự án triển khai.

Sau khi đã giải quyết xong các vấn đề nội tại, nhóm thực hiện ĐTM hoàn thiện hồ sơ và gửi Hội đồng đánh giá. Khó khăn vẫn chưa dừng lại. Hội đồng thẩm định (do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập) tổ chức thẩm định ĐTM của dự án hồ Ka Pét với kết quả: Không thông qua, Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực làm rõ, bổ sung nhiều nội dung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Các sở, ngành và địa phương ở tỉnh đã dốc lực tập trung, gấp rút rà soát, bổ sung thông tin để chủ đầu tư chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hồ sơ ĐTM của dự án. Song song đó, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hồ Ka Pét cũng phải tiếp tục cập nhật lại các số liệu theo nội dung cuộc họp ngày 25/7/2024 tại Cục Quản lý xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục QLXD). Theo đó, Cục QLXD có yêu cầu cần phải tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ và trình lại để tổ chức thẩm định. Để  đảm bảo chất lượng hồ sơ cần phải rà soát kỹ các ý kiến góp ý của các chuyên gia tại cuộc họp.

PGS.TS Lưu Đức Hải cho rằng, với bất kì một dự án hay một hoạt động nào của con người, đều sẽ có tác động tới môi trường. Tuy nhiên, tác động đó là tới đâu? Lợi ích nhiều hơn hay thiệt hại nhiều hơn sẽ là cơ sở để cân nhắc triển khai thực hiện dự án.

ĐTM dự án hồ Ka Pét: Chuyện chưa kể từ người trong cuộc - Ảnh 9

Với dự án hồ Ka Pét, PGS.TS Lưu Đức Hải cho rằng, lợi ích là rất lớn so với những mất mát về môi trường. Cụ thể, theo ông Hải, theo điều tra, ở dự án này trong diện tích sử dụng đất rừng 679,72ha, đất có rừng có 149,9 ha rừng đặc dụng, 0,86 ha rừng phòng hộ, 440,4 ha rừng sản xuất và 40,72 ha nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Chi tiết hơn, theo ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, so với 360.000 ha rừng tự nhiên toàn tỉnh Bình Thuận, 600 ha rừng dành để làm dự án chỉ chiếm 0,15%. Riêng rừng đặc dụng để làm dự án so với tổng diện tích hơn 24.000 ha rừng đặc cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Vì vậy, ông Sơn khẳng định, mức độ ảnh hưởng không quá lớn với tổng thể chung. Việc điều tra đo đếm từng cây từ 10 cm trở lên, rất kỹ và chặt chẽ

Có nghĩa là ảnh hưởng của dự án hồ Ka Pét đối với rừng tự nhiên là rất nhỏ. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận có kế hoạch trồng lại gấp 3 lần số lượng rừng bị mất để làm dự án. Đối với hệ sinh vật, ở khu vực dự án không có các loài đặc hữu hẹp. Quan trọng hơn, dự án sẽ mang lại nguồn nước ổn định cho cư dân trong khu vực. Do đó, theo ông Hải, lợi ích ở dự án này là lớn hơn rất nhiều so với những tác động tiêu cực mà dự án tạo ra.

Tổng kết lại quá trình làm ĐTM cho dự án hồ Ka Pét, PGS.TS Lưu Đức Hải đưa ra thông tin, để lập ĐTM đã khó, bảo vệ báo cáo còn khó hơn khi Hội đồng lên tới 23 người. Trong đó, là các chuyên gia đầu ngành, các đơn vị thuộc nhiều Bộ, ngành về các lĩnh vực như: môi trường, kinh tế, văn hóa, xã hội, địa chất, thủy lợi…. với hàng trăm câu hỏi mà câu nào cũng cần phải trả lời cặn kẽ, có luận cứ, dẫn chứng đầy đủ. Do đó, có thể nói, ĐTM của dự án hồ Ka Pét là một công trình với nhiều tâm huyết, dày dặn, công phu. Tuy vậy, theo ông Hải, báo cáo vẫn cần phải bổ sung, hoàn thiện một số điểm để có một đánh giá tổng thể hoàn chỉnh hơn.

Như vậy, việc ĐTM dự án hồ Ka Pét được thông qua đã giải quyết “nút thắt” lớn nhất để dự án có thể tiến hành thi công.

Nói như ông Hoàng Ngọc Tưởng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) khi biết tin ĐTM dự án hồ Ka Pét được thông qua, đó là: “Mừng lắm, khi dự án hồ Ka Pét được xây dựng và hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp không chỉ của địa phương mà còn của các xã bạn”.

Hi vọng, với việc ĐTM dự án hồ Ka Pét được thông qua, chỉ trong tương lai gần những dòng nước trong mát sẽ được tỏa lan khắp khu vực Mỹ Thạnh, Hàm Cần và các địa phương khác của huyện Hàm Thuận Nam. Qua đó, như một trợ lực để kinh tế - xã hội khu vực này sớm vươn mình phát triển, tạo thế và lực mới cho tỉnh Bình Thuận.

Nội dung: Duy Khánh
Đồ họa: Hải An

Bạn đang đọc bài viết ĐTM dự án hồ Ka Pét: Chuyện chưa kể từ người trong cuộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới