Chủ nhật, 24/11/2024 08:01 (GMT+7)
    Thứ tư, 02/03/2022 13:00 (GMT+7)

    Dự án nhà ở 61 Lạc Trung vì sao trong danh sách thanh tra về “đất vàng”?

    Theo dõi KTMT trên

    Những năm 1980, thành phố đã cho phép UBND quận Hai Bà Trưng sử dụng một phần khu đất này thí điểm xây dựng lò gạch để xây dựng nhà ở theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

    Dự án Xây dựng Khu văn phòng làm việc cho thuê và nhà ở thấp tầng.

    Chủ sở hữu: Công ty CP Thủy sản khu vực 1; - Quyết định số 2648/QĐ-UBND ngày 27/05/2016 của UBND TP.Hà Nội về việc cho phép C Công ty CP Thủy sản khu vực 1 chuyển đổi mục đích sử dụng 5.239,1 m2 đất tại Ngõ 61 phố Lạc Trung (Hai Bà Trưng).

    Công Ty Cổ Phần Thủy Sản Khu Vực 1 Thành lập ngày 18/05/1998 có mã số thuế là 0100103545 hiện đang đăng ký kinh doanh tại địa chỉ Số 36, ngõ 61, phố Lạc Trung, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội.

    Dự án nhà ở 61 Lạc Trung vì sao trong danh sách thanh tra về “đất vàng”? - Ảnh 1
    Dự án khu văn phòng làm việc, cho thuê và nhà ở thấp tầng trên phố Lạc Trung.

    Hồi tháng 5/2005, báo Nhân Dân từng đưa tin, theo các tài liệu của cơ quan chức năng, khu đất tại ngõ 61 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), sát tường rào Nhà máy dệt Minh Khai (nay là Công ty dệt Minh Khai) có nguồn gốc là của HTX Nông nghiệp Vĩnh Thành, phường Vĩnh Tuy, chuyên canh rau xanh cung cấp cho thành phố.

    Những năm 1980, thành phố đã cho phép UBND quận Hai Bà Trưng sử dụng một phần khu đất này thí điểm xây dựng lò gạch để xây dựng nhà ở theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Các đấu gạch ở khu vực này đã trở thành hồ chứa nước.

    Sau đó, ngày 31/5/1988, UBND thành phố có quyết định 2520/XD-CB giao cho Công ty dệt Minh Khai 8.000 m2 đất ở đây để phục vụ xây dựng dự án mở rộng sản xuất hợp tác với Liên Xô (cũ). Khi có quyết định được giao đất, Công ty dệt Minh Khai đã hợp đồng với Công ty khảo sát đo đạc mặt bằng hiện trạng tỷ lệ 1/500. Cơ quan chức năng của UBND thành phố đã cấp trích lục bản đồ đo đạc khu đất trên cho Công ty dệt Minh Khai và UBND quận Hai Bà Trưng đã thành lập Hội đồng GPMB, xây dựng phương án và đã đền bù cho HTX Nông nghiệp Vĩnh Thanh.

    Nếu khu đất 8.000 m2 đất được Công ty dệt Minh Khai triển khai xây dựng dự án ngay tại thời điểm này với những phân xưởng sản xuất, trụ sở làm việc thì đã không có tranh chấp khiếu kiện kéo dài đến bây giờ. Song, bởi những lý do khách quan và chủ quan, dự án trên của công ty không được triển khai.

    Ngay cả năm 1993, khi được phép của UBND thành phố tại quyết định 5859/QÐ-UB ngày 17/10/1993 cho phép công ty được chuyển đổi mục đích 5.000 m2 trong số 8.000 m2 đất được giao của dự án để Công ty dệt Minh Khai xây nhà ở cho CBCNV, nhưng vì công ty không thực hiện dự án trên diện tích đất này dần bị các hộ dân lấn chiếm làm nhà ở, trồng cây, chăn nuôi... Ðất dự án chỉ còn tồn tại trên giấy.

    Cho đến tháng 12/2000, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, UBND quận Hai Bà Trưng và Công ty dệt Minh Khai, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản 267/UB-NNÐC ngày 3/2/2000, đồng ý giao khu đất trên cho Công ty xây dựng và phát triển Hai Bà Trnưg (nay là Công ty đầu tư xây dựng và phát triển nhà số 7 Hà Nội) làm chủ đầu tư để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án xây dựng nhà ở tại khu đất 61 Lạc Trung.

    Sau khi tiếp nhận bàn giao, Công ty đầu tư xây dựng và phát triển nhà số 7 Hà Nội đã lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Dự án được UBND thành phố phê duyệt và ra quyết định 525/QÐ-UB ngày 18/1/2002 thu hồi 5.000 m2 đất của Công ty dệt Minh Khai và 115,6 m2 đất do UBND phường Vĩnh Tuy quản lý giao cho Công ty đầu tư xây dựng và phát triển (ÐTXD&PT) nhà số 7 Hà Nội thực hiện dự án. Nhưng với 5.000 m2 đất sau khi được giao, Công ty dệt Minh Khai do lơi lỏng quản lý, không xây tường rào theo mốc giới để gia đình ông Vũ Mạnh Xuân lấn chiếm đất làm nhà ở, chuyển nhượng, tùy tiện đổi cho.

    Cho dù Công ty dệt Minh Khai đã liên tục báo cáo gửi chính quyền địa phương là phường Vĩnh Tuy cùng các cơ quan chức năng nhưng chưa giải quyết được. Do đó, từ khi nhận bàn giao cho đến nay khu đất mà gia đình ông Vũ Mạnh Xuân lấn chiếm vẫn chưa GPMB được để giao cho chủ đầu tư là Công ty ÐTXD&PT nhà số 7 Hà Nội thực hiện dự án.

    Dự án nhà ở 61 Lạc Trung vì sao trong danh sách thanh tra về “đất vàng”? - Ảnh 2
    Công trình số 6 ngõ 61/2 Lạc Trung xây tới 7 tầng, lửng, tum vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng nhưng không hề bị xử lý.

    Ðiều đáng nói, việc thiếu kiên quyết và có phần buông lỏng quản lý đất đai ở đây là tại hồ sơ vụ việc, Công ty dệt Minh Khai đã có 13 lần văn bản kiến nghị từ tháng 2/1989 đến tháng 7/2001 gửi chính quyền phường cùng các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý việc vi phạm đất đai của ông Vũ Mạnh Xuân ở 72, tổ 36, phường Vĩnh Tuy liên tục lấn chiếm đất (đất của Công ty dệt Minh Khai) để xây dựng nhà ở trái phép, trả lại đất dự án của công ty.

    Nhưng việc xử lý của phường sở tại theo tài liệu đã thu thập, lưu trữ tại Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng về việc xử lý vi phạm trên diện tích 5.000 m2 của Công ty dệt Minh Khai chỉ có ba hồ sơ xử lý và hình thức xử lý cao nhất cũng chỉ là lập biên bản rồi để đấy.

    Một vấn đề nữa cũng cần đề cập là có thời điểm tưởng như chính quyền địa phương đã mạnh tay xử lý vi phạm pháp luật của gia đình ông Vũ Mạnh Xuân. Ðó là tại văn bản ngày 10/12/1989, thông báo cuộc họp của Hội đồng đền bù GPMB quận Hai Bà Trưng cùng Công ty dệt Minh Khai và các ngành chức năng ngày 30/1/1989 để giải quyết vi phạm của gia đình ông Vũ Mạnh Xuân xây nhà ở trái phép trong đất dự án còn ghi rõ: "... giao cho phòng xây dựng quận Hai Bà Trưng lập văn bản trình UBND quận ký lệnh tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép của gia đình ông Xuân ra khỏi mặt bằng khu đất của Công ty dệt Minh Khai chậm nhất là ngày 30/2/1989... giao cho đội quy tắc quận Hai Bà Trưng và phường Vĩnh Tuy thực hiện...".

    Như nêu ở trên, nếu tại thời điểm tháng 2/1989, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng kiên quyết xử lý vi phạm của gia đình ông Xuân, khắc phục ngay những sơ hở thiếu sót trong quản lý đất đai của Công ty dệt Minh Khai thì vụ việc sẽ không kéo dài tiếp 16 năm sau và phải có sự can thiệp của Tòa án và nhiều ngành có liên quan.

    Trước thực trạng vi phạm đất đai nghiêm trọng ở khu vực ngõ 61 Lạc Trung, cuối  năm 2001, UBND quận Hai Bà Trưng giao cho cơ quan công an điều tra những vi phạm trong sử dụng đất tại đây. Tháng 7/2002, công an quận đã ra thông báo khởi tố vụ án hình sự về việc lấn chiếm, sử dụng chuyển nhượng và xây dựng không phép trên diện tích đất của Công ty dệt Minh Khai đã được UBND thành phố Hà Nội cấp tại khu vực ngõ 61 Lạc Trung.

    Hồ sơ vụ án đã được hoàn tất, Viện KSND quận Hai Bà Trưng đã phê chuẩn cáo trạng ngày 24/2/2005, truy tố ông Vũ Mạnh Xuân, người đã sử dụng phần đất lấn chiếm trong 5.000 m2 dự án của chủ đầu tư. Cũng thời gian này, công tác GPMB của quận Hai Bà Trưng gặp vướng mắc bởi ông Vũ Mạnh Xuân và những hộ dân được ông Xuân cho và chuyển nhượng đất trong khu đất dự án của chủ đầu tư vẫn chưa chịu thực hiện công tác GPMB.

    Gần đây nhất, tại cuộc họp giao ban thông tin báo chí của Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã thông báo, để giải quyết đơn thư khiếu nại kéo dài của ông Vũ Mạnh Xuân từ năm 2001 đến nay, Thành ủy và UBND thành phố đã nghe sáu báo cáo của các sở, ban, ngành thành phố, quận Hai Bà Trưng.

    Tất cả các báo cáo này đều khẳng định nguồn gốc đất ông Vũ Mạnh Xuân và năm hộ dân đang sử dụng là lấn chiếm khoảng 764 m2 đất của Công ty dệt Minh Khai đã được thành phố cấp. Vì  vậy thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác GPMB tạo điều kiện để dự án do Công ty ÐTXD&PT nhà số 7 Hà Nội thực hiện quyết định thu hồi đất của UBND thành phố Hà Nội.

    Chính vì vậy, ngày 26 và 28/4/2005, TAND quận Hai Bà Trưng đã mở phiên tòa xét xử vụ án lấn chiếm đất, sử dụng, chuyển nhượng, xây dựng trái phép của gia đình ông Vũ Mạnh Xuân. Tại bản án số 151/HSST của TAND quận Hai Bà Trưng ghi rõ: "Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp đã cấp cho Công ty dệt Minh Khai, mua bán đất đai trái pháp luật...

    Do đó, việc đưa bị cáo ra xét xử bằng bản án mới có đủ tác dụng giáo dục, phòng ngừa riêng và góp phần nâng cao ý thức sử dụng đất đai đang diễn ra phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội". Ông Vũ Mạnh Xuân đã bị TAND quận tuyên phạt tám tháng tù (cho hưởng án treo) và buộc phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm và số tiền có được do chuyển nhượng đất trái phép.

    Bản án được thực hiện, chẳng những công tác GPMB sẽ được hoàn tất sau nhiều năm bế tắc, dự án nhà ở do Công ty ÐTXD&PT nhà số 7 Hà Nội có điều kiện được triển khai, mà còn cho thấy hiệu lực của Luật Ðất đai và Luật Xây dựng đã đi vào cuộc sống. Quan điểm của chủ đầu tư dự án là Công ty ÐTXD&PT nhà số 7 Hà Nội là:

    Luôn tuân thủ pháp luật, tôn trọng phán quyết của Tòa án và tuân thủ quyết định của Tòa là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với quyền khiếu nại của gia đình ông Vũ Mạnh Xuân như Luật Giải quyết khiếu nại tố cáo đã quy định. Ðồng thời chủ đầu tư cũng kiến nghị, báo cáo với Hội đồng GPMB và các cơ quan chức năng thành phố có phương án giải quyết phù hợp với chính sách của Nhà nước đã quy định về công tác GPMB đối với gia đình ông Xuân để dự án sớm được hoàn tất.

    Kiến trúc sư Nguyễn Văn Thanh, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng:“Đối với những dự án vi phạm, TP.Hà Nội nên siết chặt hơn việc kiểm tra, xử lý như: Kiên quyết thu hồi phần tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc yêu cầu tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu nếu phần sai phạm đã xây dựng công trình. Ngoài ra, có thể thực hiện biện pháp cấm các chủ đầu tư vi phạm được triển khai những dự án khác trên địa bàn”.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Dự án nhà ở 61 Lạc Trung vì sao trong danh sách thanh tra về “đất vàng”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới