Chủ nhật, 24/11/2024 08:57 (GMT+7)
Thứ tư, 04/11/2020 14:01 (GMT+7)

Đưa bản đồ dự báo khu vực sạt trượt vào hồ sơ quy hoạch xây dựng

Theo dõi KTMT trên

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết sẽ giao chuyên gia đánh giá, phân loại hiện tượng sạt trượt để có giải pháp quy hoạch và xây dựng công trình phù hợp.

Sau chuyến khảo sát, đánh giá, khắc phục hậu quả sạt lở tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (tỉnh Quảng Trị), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết sẽ giao chuyên gia đánh giá phân loại hiện tượng sạt trượt để có giải pháp quy hoạch và xây dựng công trình phù hợp; đưa bản đồ dự báo khu vực sạt trượt vào hồ sơ quy hoạch xây dựng.

Khảo sát tại hiện trường sạt trượt, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân ban đầu là do tầng đất phủ dày, kết cấu đất xốp và rời, khi gặp mưa lớn làm cho đất rã ra kết hợp với dòng lũ bùn đá làm cho trên 3 triệu khối đất đá sạt trượt xuống 4 dãy nhà của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337.

Ông Bùi Khôi Hùng, chuyên gia địa chất, khẳng định hiện tượng sạt trượt từ trên đồi cao kết hợp dòng lũ bùn đá hết sức nguy hiểm vì xảy ra rất bất ngờ. Dòng nước quá mạnh, đẩy trôi nhiều thứ, người dân rất khó tránh khỏi.

Đoàn công tác Bộ Xây dựng nhận định khu vực sạt trượt lở đất ở Đoàn kinh tế-Quốc phòng 337 và Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo là hình thái, hiện tượng khác nhau. Thời gian tới, việc rà soát lại quy hoạch sẽ được thực hiện trên diện rộng.

Đưa bản đồ dự báo khu vực sạt trượt vào hồ sơ quy hoạch xây dựng - Ảnh 1
Nơi xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp dãy nhà của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. (Ảnh: TTXVN phát)

Về giải pháp quy hoạch đối với các vùng sạt trượt, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia Nguyễn Thành Hưng cho biết hai đối tượng chịu tác động từ quy hoạch và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai là các công trình đã xây dựng, khu dân cư đã hình thành và các khu dân cư, công trình mới dự kiến sẽ xây dựng.

Kết quả khảo sát những ngày qua cho thấy công trình xây dựng tồn tại chục năm khi gặp thiên tai dị thường không thể lường trước được.

Quy hoạch cũng cần rà soát lại trên diện rộng, nhất là quy hoạch các điểm dân cư nông thôn. Ở khu vực mới, cần khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng với tiêu chí phòng chống an toàn trước thiên tai bất thường như sạt lở đất.

Trước đây, lực lượng chức năng đã đề cập đến khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng nhưng chỉ quan tâm đến ngập lụt và độ dốc, giờ phải quan tâm đến bản đồ cảnh báo các khu vực nguy cơ sạt lở và đưa vào hồ sơ quy hoạch. Những căn cứ đưa vào bản đồ dự báo sẽ là nền tảng quyết định lựa chọn khu đất xây dựng. Mặc dù việc này có thể kéo dài thời gian và chi phí nhưng việc đảm bảo tính mạng con người là quan trọng nhất, ông Hưng chia sẻ.

Việc lựa chọn đất đai và địa điểm xây dựng cần được thực hiện thận trọng hơn nữa. Việc khảo sát đánh giá mức độ an toàn trước thiên tai không chỉ dừng lại ở một khu vực đô thị mà cần tiến hành sâu hơn ở các điểm dân cư nhỏ lẻ; thậm chí là các công trình đơn lẻ, đặc biệt đối với các vùng miền núi có độ dốc lớn, chuyên gia này phân tích.

Chia sẻ về thiệt hại do trận sạt lở đất gây ra và giải pháp khắc phục, Đại tá Uông Bình Tân - Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 nhấn mạnh đơn vị hoạt động chủ yếu ở vùng biên giới, bám vào nhân dân nên rất mong có giải pháp đóng quân an toàn; xây dựng nhà ở nhân dân bên dưới đảm bảo an sinh.

Đồng thời, đơn vị đề xuất Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ dành một nguồn ngân sách nhất định giúp đồng bào dân tộc nghèo có cụm dân cư, ngôi nhà an toàn hơn để chống chọi trong thiên tai bão lũ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết trước tình hình bão, lũ, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, tỉnh Quảng Trị đề xuất tại những vùng ngập lụt, các công trình đầu tư công như trụ sở, trường học, trạm xá… nên xây cao tầng để sử dụng đồng thời là nơi tránh trú cho dân khi thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, ông Võ Văn Hưng đề nghị Chính phủ, cơ quan chuyên môn khi làm quy hoạch cần chú trọng hơn nữa vào những nghiên cứu về sạt lở đất.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, các công trình đường xá dọc đường Trường Sơn Đông đã hình thành từ hàng chục năm nay, lẽ ra địa chất phải ổn định nhưng gần đây lại liên tục xuất hiện các điểm sạt trượt và tụ thủy. Đây là vấn đề địa chất cần chú ý.

Việc lựa chọn đánh giá địa điểm xây dựng khu dân cư, doanh trại, Bộ Quốc phòng nên giao cơ quan chuyên môn lựa chọn địa điểm phù hợp quy hoạch xây dựng chung của địa phương. Ngoài việc đảm bảo các yếu tố an ninh quốc phòng, vấn đề sạt lở đất hết sức lưu tâm. Bộ Quốc phòng nên có hướng dẫn về tiêu chí, vấn đề lựa chọn khảo sát chi tiết đồng thời đưa ra suất đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh khi làm nhà hay công trình, phải tránh khu vực gần khe tụ thủy; nghiên cứu xây dựng kè chặn dòng chảy đối với các công trình lớn, đông dân cư; quan tâm hơn đến bản đồ dự báo khu vực sạt lở và cần đưa vào hồ sơ quy hoạch xây dựng.

Bộ Xây dựng sẵn sàng hỗ trợ đơn vị Bộ Quốc phòng trong công tác chuyên môn, Thứ trưởng khẳng định.

Nhân dịp này, Đoàn công tác Bộ Xây dựng trao tặng 1 tỉ đồng ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bão lụt tỉnh Quảng Trị và 100 triệu đồng chia sẻ khó khăn với Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337.

Thu Hằng

Bạn đang đọc bài viết Đưa bản đồ dự báo khu vực sạt trượt vào hồ sơ quy hoạch xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới