Thứ năm, 28/11/2024 02:06 (GMT+7)
Thứ hai, 29/08/2022 21:00 (GMT+7)

Gấp rút triển khai xây dựng đô thị vệ tinh ở Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.

Xây dựng thêm 5 đô thị vệ tinh ở Hà Nội

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn gồm các khu 1, 2, 4, 5 và 6, tỷ lệ 1/2.000 thuộc các xã Phù Linh, Tiên Dược, Mai Đình, Đông Xuân, Quang Tiến, Phù Lỗ và thị trấn Sóc Sơn. TP.Hà Nội cũng đang khẩn trương lập các quy hoạch phân khu đô thị cấp độ 2 nhằm triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung các đô thị vệ tinh.

Việc quy hoạch xây dựng thêm 5 đô thị vệ tinh ở Hà Nội mang đến kỳ vọng giải quyết được nhiều vấn đề “nóng” hiện nay của Thủ đô đó là: Giãn dân, liên kết vùng, thêm không gian để phát triển kinh tế…

Gấp rút triển khai xây dựng đô thị vệ tinh ở Hà Nội - Ảnh 1

TP.Hà Nội cũng đang khẩn trương lập các quy hoạch phân khu đô thị cấp độ 2 nhằm triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung các đô thị vệ tinh. (Ảnh minh họa)

Việc quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 xác định Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Trong đó, 4 đô thị vệ tinh: Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây được TP.Hà Nội phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2015 với tổng diện tích khoảng 20.388,3 ha, riêng đô thị vệ tinh Hòa Lạc có diện tích 17.274 ha được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung vào tháng 5/2020. Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải nhiều chức năng cho đô thị trung tâm.

Theo Lãnh đạo TP.Hà Nội, Thành phố luôn xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những vấn đề chiến lược, phải đi trước một bước, nhằm tạo nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị, tạo ra hệ thống hạ tầng khung giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị trong khu vực và cả nước.

Thành phố sẽ đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, tạo động lực phát triển thủ đô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, tăng cường công tác quản lý dân cư trên địa bàn.

Mặt khác, Hà Nội sẽ phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng như xây dựng cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường xuyên tâm, vành đai: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2.5, Vành đai 3, Vành đai 3.5...; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng.

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng thủ đô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh; mở rộng không gian phát triển cho TP.Hà Nội.

Nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy hoạch phân khu tại 5 đô thị vệ tinh, TP.Hà Nội đã giao rõ người, rõ việc, rõ tiến độ cho các địa phương, Sở, ngành. Vấn đề hiện nay là cần tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và địa phương trong việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cần đẩy nhanh lập phân khu đô thị vệ tinh

Từng có chuyên gia quy hoạch đô thị nói rằng khi nguồn lực lớn từ quỹ đất trong nội đô không được sử dụng hiệu quả, Hà Nội luôn là thành phố đầu tư những dự án "đắt nhất hành tinh" nhưng lại không thu được tiền chênh lệch về đất để tái đầu tư; nhồi nhét quá nhiều dự án cao tầng vào nội đô, nhưng vẫn không thu được nhiều nguồn lực để phát triển các đô thị vệ tinh.

Hà Nội đã đến lúc cần phải đẩy nhanh tốc độ hình thành các khu đô thị vệ tinh để quản lý sử dụng quỹ đất hiệu quả, có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn hơn để từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và xứng tầm hơn.

Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như: công nghiệp, giáo dục, công nghệ cao, đào tạo, y tế, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng..., đặc biệt, góp phần vào việc giãn dân tại khu vực nội đô Hà Nội. Để xây dựng các đô thị vệ tinh này, điều tiên quyết là Thành phố phải đẩy nhanh tốc độ lập và phê duyệt quy hoạch.

Gấp rút triển khai xây dựng đô thị vệ tinh ở Hà Nội - Ảnh 2
TS.KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam.

Ông Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói: "Giá mà luật thay đổi một chút để Hà Nội làm sao bớt đi được công đoạn vừa tốn kém thời gian, tốn kém tiền bạc, đặc biệt là mất cơ hội cho các nhà đầu tư. Tôi biết các nhà đầu tư rất quan tâm đến đô thị vệ tinh, họ chỉ chờ xong thôi nhưng câu trả lời là chờ, chưa được duyệt".

Ngoài việc thành phố phải tập trung nguồn lực, đầu tư hạ tầng khung để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, các nhà quản lý cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách thu hút mời gọi các nhà đầu tư.

Gấp rút triển khai xây dựng đô thị vệ tinh ở Hà Nội - Ảnh 3
KTS. Trần Huy Ánh.

KTS. Trần Huy Ánh, thành viên Hội đồng khoa học, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam nhận định: "Muốn trở thành đô thị vệ tinh, đầu tiên phải đánh giá nó, đánh giá cái nào có thể còn khả năng cứu vãn, cái nào không thể thực hiện được thì chúng ta phải làm rõ, hoặc đặt nó trong hình thái khác, đặt tên nó khác để nhận diện nó khác thì ứng xử đúng với chức năng của nó".

Ông Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: "Cơ chế quản lý cũng cần phải được xã hội hóa và được năng động hơn bởi bộ máy kinh doanh chứ không phải bộ máy hành chính. Giá mà đó là một mô hình quản lý năng động hơn từ góc độ là một nhà đầu tư nhìn nó có lời hơn là nhìn nó hoàn thành trách nhiệm. Nhiệm vụ chính trị mà chỉ dùng tiền ngân sách, chỉ chờ tiền ngân sách làm chắc chắn là sẽ thất bại".

Việc tổ chức không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị được kỳ vọng là động lực phát triển mới quan trọng cho phát triển kinh tế Thủ đô. Đây cũng là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, sử dụng quỹ đất một cách hiệu quả để giảm tải mật độ dân, giảm tải sức ép hạ tầng cho vùng lõi nội đô lịch sử.

Việc lập các đồ án quy hoạch phân khu chức năng tại các đô thị vệ tinh để cụ thể hóa quy hoạch chung đang được các sở, ngành TP.Hà Nội khẩn trương thực hiện. Đây được xem là nhiệm vụ không thể chậm trễ thêm. Bởi nếu cứ kéo dài việc lập và phê duyệt quy hoạch và chưa biết tới bao giờ các đô thị vệ tinh mới thành hình thì chúng ta sẽ mất đi rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn (Sở QH – KT Hà Nội) Lã Hồng Sơn: Nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện các QHPK tại 5 đô thị vệ tinh, TP đã giao rõ người, rõ việc, rõ tiến độ cho các địa phương, sở, ngành của TP. Vấn đề hiện nay là cần tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch, đảm bảo chất lượng, tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, TP cũng cần xây dựng cơ chế giám sát, thi đua, khen thưởng, chế tài trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Gấp rút triển khai xây dựng đô thị vệ tinh ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới