Chủ nhật, 24/11/2024 09:47 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/07/2019 09:03 (GMT+7)

GDP tăng 6,76% trong 6 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ đánh giá kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phát triển cũng rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%.

Ngày 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và thảo luận các biện pháp trong thời gian tới.

Thủ tướng đánh giá, 6 tháng đầu năm 2019, cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Điểm nhấn ấn tượng là Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định EVFTA, Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, chuẩn bị tốt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều…

GDP tăng 6,76% trong 6 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ đạo các ngành, các cấp quyết tâm cao nhất thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng, về hội nhập quốc tế, phát triển các vùng miền. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến cả các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, phát triển doanh nghiệp đạt khá, các lĩnh vực an ninh quốc phòng được giữ vững...

Tình hình kinh tế trong 6 tháng đầu năm ghi nhận kết quả tích cực. Theo số liệu từ Bộ KH-ĐT, GDP tăng trưởng ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011 - 2017, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Ngành nông nghiệp gặp khó khăn chỉ tăng trưởng 1,3% do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng. Điểm sáng của ngàng là thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao, xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỉ USD…

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Vốn FDI giải ngân 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỉ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng.

Tính đến ngày 2/7/2019 của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đạt 122,4 tỉ USD, nhập khẩu 120,8 tỉ USD, xuất siêu 1,6 tỉ USD.

GDP tăng 6,76% trong 6 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định - Ảnh 2
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Thủ tướng cũng nêu các vấn đề tồn tại mà các địa phương cần phải đặc biệt chú ý trong 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, ở lĩnh vực nông nghiệp, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, đã có 60/63 tỉnh thành có dịch. Tình hình nắng nóng kéo dài làm giảm năng suất lúa, cây trồng vật nuôi, nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại nhiều địa phương, cháy rừng nghiêm trọng ở Hà Tĩnh, tồn kho chế biến chế tạo tăng. Thị trường bất động sản nhiều thành phố lớn bị chững lại. Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm…

Đáng chú ý, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc buộc chúng ta phải có biện pháp ứng phó. Sản xuất kinh doanh trong một số ngành còn khó khăn, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ý kiến cho rằng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất, nhất là kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, lơ là công việc của một bộ phận công chức, viên chức, cần chấn chỉnh ngay, không đợi đến khi vi phạm mới xử lý.

Trong những tháng cuối năm, Thủ tướng nêu: “Chúng ta phấn đấu đạt toàn diện những mục tiêu đã đề ra, không ai bàn lùi, mà phải bàn tiến, yêu cầu phải có những kịch bản linh hoạt đối phó với diễn biến khó lường của tình hình thế giới”.

Các địa phương khi báo cáo cần nhấn mạnh đến các tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chủ trương chính sách của nhà nước, những vướng mắc cần Chính phủ tháo gỡ, gồm vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp cơ sở…

Các địa phương đang chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2 cần báo cáo nhanh về tình hình triển khai phòng chống bão, để làm kinh nghiệm cho các địa phương khác trong mùa mưa bão năm nay.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết GDP tăng 6,76% trong 6 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới