Giá vé máy bay lại tiếp tục được đề xuất nâng trần
Nhằm thúc đẩy sự phục hồi của ngành hàng không, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh khung giá trần vé máy bay nội địa.
Đây là một trong những nội dung được ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề xuất tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay (11/8).
Hàng không phục hồi nhưng chưa đồng đều
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát, còn thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Vận chuyển hành khách trong nước tăng 12% so với năm 2019; vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng nhưng nội địa giảm.
Tuy nhiên, doanh thu lại không tương xứng do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.
"Sự phục hồi không đồng đều ở các doanh nghiệp trong ngành hàng không, trong các chuỗi cung ứng ngành hàng không, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp khó khăn, phải giải quyết những vấn đề bất lợi của dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm qua", ông Dũng nói.
Để đối phó với những khó khăn này, các doanh nghiệp hàng không đã có những thay đổi quan trọng, đặc biệt trong việc tái cấu trúc để thích ứng với xu hướng mới. Các hãng cũng chuẩn bị khá kịp thời cho giai đoạn phục hồi, chuẩn bị mở các đường bay mới.
Hồi tháng 4, Bộ GTVT từng “bác” đề nghị tăng giá trần vé máy bay, với lý do giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt. Các hãng hàng không vẫn có thể chủ động điều chỉnh các mức giá và tỉ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động giá nhiên liệu.
Đến hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ GTVT, hôm 28/6, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định các hãng dù đã khôi phục được nhiều đường bay và giải quyết được vấn đề dòng tiền, song giá nhiên liệu theo thang chóng mặt khiến doanh thu vẫn chưa bù đắp được chi phí. Ước tính các hãng vẫn gánh lỗ gần 100 tỉ/tháng.
Trong khi đó, các mảng hàng không có tần suất bay cao đã phục hồi trở lại, như tại Cảng hàng không Phú Quốc đạt 100 chuyến bay/ngày, vượt cả Cam Ranh.
Theo ông Phạm Việt Dũng, những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp hàng không hiện nay là trên thế giới, vẫn diễn ra những xung đột, liên quan đến việc triển khai các đường bay, phải điều chỉnh bay vòng, bay xa, tác động tiêu cực đến hoạt động của hàng không.
Giá xăng dầu ở mức cao, ảnh hưởng rất lớn các doanh nghiệp. Tình hình dịch bệnh tuy đã có giảm những chưa hoàn toàn triệt tiêu, vẫn còn những tiềm ẩn nguy cơ cả quốc tế lẫn trong nước. Nhiều nước vẫn thận trọng trong việc mở cửa bầu trời, đặc biệt là những nước có lượng khách lớn đến với Việt Nam, khiến thị trường hàng không mất một lượng khách lớn, chậm quá trình phục hồi các đường bay quốc tế.
Một yếu tố nữa liên quan đến cơ sở hạ tầng của ngành hàng không dù được tăng cường rất nhiều, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng, còn những điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt đối với những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Kiến nghị 5 giải pháp
Trước những vấn đề đặt ra đối với phục hồi ngành hàng không, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị thứ nhất, cần có sự phối hợp hoạt động của các cơ quan Nhà nước, điều tiết kết cấu hạ tầng, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn. Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không.
Thứ ba, cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả nguồn xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng của ngành.
Thứ tư, sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá để cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút khách đến Việt Nam.
Thứ năm, nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới; tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…
Cơ chế giá trần đã lạc hậu, nên bỏ hẳn
Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định, nên điều chỉnh giá trần cho phù hợp với diễn biến của thị trường xăng dầu. Riêng với đề xuất bỏ trần vé máy bay, nếu nhìn ở góc độ cạnh tranh thì hãng nào đưa ra dịch vụ tốt nhất với giá tốt nhất, hãng đó sẽ thu hút được khách hàng. Do đó, có thể ủng hộ xem xét bãi bỏ giá trần ở thời điểm thích hợp khi có đủ yếu tố của cạnh tranh lành mạnh.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, quản lý Nhà nước bằng cơ chế giá trần đã lạc hậu, nên bỏ hẳn. Thay vào đó nên áp dụng các quy định pháp luật về chống độc quyền nhóm, thúc đẩy cạnh tranh về giá theo cơ chế thị trường. “Nếu sau khi bỏ giá trần mà giá vé tăng cao một cách vô lý thì hành khách sẽ chọn di chuyển bằng cách khác, hoặc đi du lịch ở nơi khác” - ông nói.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho rằng cơ chế quản lý giá của Nhà nước trong kinh tế thị trường phụ thuộc vào tính chất của loại hình thị trường đó, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan Nhà nước.
Theo đó, thị trường độc quyền, Nhà nước phải quy định mức giá cụ thể, còn ở mức độ cạnh tranh như mặt hàng xăng dầu, có đơn vị thống lĩnh thị trường (Tập đoàn Xăng dầu VN - Petrolimex vẫn chiếm khoảng 50% thị phần) thì Nhà nước quy định giá trần hoặc giá sàn. Trường hợp không có DN thống lĩnh thị trường thì để cho thị trường tự quyết định.
Hà Lan