Chủ nhật, 24/11/2024 06:25 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/05/2022 11:55 (GMT+7)

Giải pháp nào chống ngập lụt cho TP.HCM?

Theo dõi KTMT trên

Là đô thị đặc biệt với dân số trên 13 triệu người nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật TP. HCM lại phát triển chưa đồng đều, gây ảnh hưởng tới tốc độ phát triển và cuộc sống người dân.

Loay hoay “bài toán” chống ngập lụt

Theo báo cáo của Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP. HCM, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 36 cơn mưa, trong đó có 2 cơn mưa có vũ lượng lớn trên 50mm và 1 cơn trên 100mm. Đặc biệt, cơn mưa ngày 29/4 có lưu lượng lớn nhất đạt 103,6mm tại trạm Dương Văn Cam đã gây ngập trên 8 tuyến đường ở TP. Thủ Đức, khiến nhiều tuyến đường ngập sâu cả mét làm phương tiện giao thông không thể di chuyển do chết máy phải nhờ cứu hộ.

Từ thực tế mưa ngập năm 2021 trên địa bàn Thành phố, dự báo năm 2022 có thể xảy ra ngập tại các tuyến đường như: Ngập theo tiêu chí có 15 điểm ngập gồm đường Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Ngọc Lãm, Quốc lộ 13, Ba Vân, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng; Ngập tức thời sau mưa gồm 24 điểm ngập ở các tuyến đường: Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hoa, Tỉnh lộ 43, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Hồ Văn Tư, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, Quốc lộ 1A...

Giải pháp nào chống ngập lụt cho TP.HCM? - Ảnh 1
Tình trạng ngập úng do triều cường và mưa lớn trên đường phố TP.HCM. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Vũ Văn Điệp – Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, nguyên nhân gây ngập là do cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn kết hợp địa hình trũng thấp cục bộ, hệ thống cống hiện hữu thiếu đồng bộ do đầu tư qua nhiều giai đoạn làm giảm tốc độ dòng chảy từ thượng lưu đến hạ lưu. Ngoài ra, triều cường cũng gây ngập tại một số tuyến đường với đỉnh triều cao nhất vào ngày 5/1/2022 đo tại trạm Phú An là dương 1.65m.

Theo ý kiến của một số chuyên gia quy hoạch, các giải pháp chống ngập ở TP. HCM đã được triển khai mạnh trong thời gian gần đây như: Nâng đường, nâng nền, làm bờ bao, cống kiểm soát triều, nâng cấp hệ thống thoát nước… Đặc biệt, triển khai xây dựng hệ thống máy bơm chống ngập thông minh, hay dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, cũng chỉ là tình thế, không thể hiệu quả lâu dài.

Theo đó, việc sử dụng máy bơm “siêu khủng” để giải cứu ngập lụt sẽ lại đẩy áp lực nước sang chỗ khác và gây ngập. Còn dự án kiểm soát triều cường 10.000 tỷ đồng đang thực hiện và nếu có hoàn thành cũng vẫn ngập. Bởi dự án này chủ yếu là xây các cống kiểm soát triều trên kênh, chưa kiểm soát được triều cường trên sông Sài Gòn.

Theo Trung tâm chống ngập TP. HCM, để giảm ngập cho Thành phố, thời gian tới cần thực hiện công trình và phi công trình. Theo đó, đối với phi công trình, có bốn nhóm giải pháp, trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập. Đối với công trình, giải pháp ngắn hạn là xử lý cấp bách các điểm ngập quy mô nhỏ, nạo vét thông thoáng dòng chảy tại các cửa xả, kênh, rạch.

Đối với trung hạn, tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải như: dự án quản lý rủi ro ngập TP. HCM; xây dựng cống kiểm soát triều và cống nhỏ dưới đê… Về dài hạn, cần lập bản đồ quy hoạch điều chỉnh lại lưu vực gần 1.000 ha khu vực trung tâm và bốn vùng đô thị mới Đông, Tây, Nam, Bắc.

Trao đổi với báo chí, TS Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, cho rằng, TP. HCM không thể giải quyết dứt điểm ngập mà cần bàn cách hạn chế và sống chung với ngập như bao đời nay. Và để hạn chế ngập thì điều quan trọng nhất là cần có những kỹ sư xây dựng được đào tạo và hiểu biết thật sự về thoát nước đô thị, hiểu được đặc điểm tự nhiên của thành phố, để có thể đảm nhận vai trò chính trong các hoạt động về giảm ngập đô thị.

Bên cạnh đó, phải xem lại việc duy trì mô hình Trung tâm Chống ngập. Chỉ cần lập một tổ chuyên gia am hiểu và có chuyên môn cao, đồng thời, giao lại trách nhiệm của Trung tâm Chống ngập để Sở Xây dựng quản lý mới đúng chuyên môn.

Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm ùn tắc, ngập úng 5-10 năm tới

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 642/QĐ-TTg ngày 26/5/2022 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định nêu rõ, việc lập quy hoạch TP. HCM bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…

Đồng thời, quy hoạch thành phố phải gắn với tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM là đô thị thông minh, trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Trong đó, lấy yếu tố đổi mới sáng tạo là trung tâm, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống của người dân. Sử dụng hiệu quả lợi thế của thành phố phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Trong định hướng phát triển thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ yêu cầu TP. HCM phải đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030; trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á vào năm 2045.

Đồng thời, thành phố phải tập trung xử lý những vấn đề trước mắt trong 5 đến 10 năm tới, bao gồm: ùn tắc giao thông, ngập úng do thủy triều và mưa, ô nhiễm môi trường ở các kênh rạch, các khu dân cư có điều kiện sống thấp.

Trong quy hoạch cũng cần làm rõ những thách thức đối với sự quá tải về cơ sở hạ tầng, ngập nước, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và an sinh xã hội.

Làm rõ được vai trò, vị trí trung tâm kinh tế của thành phố đối với cả nước, vai trò đầu tàu và động lực tăng trưởng của cả nước; thực trạng sắp xếp, tổ chức các hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố; so sánh kinh tế thành phố với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, thể hiện rõ vai trò trung tâm của thành phố về y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao đối với vùng và cả nước; đóng góp của lĩnh vực văn hóa - xã hội vào phát triển kinh tế thành phố; hội nhập quốc tế về văn hóa; làm rõ vị trí vai trò trung tâm của thành phố về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp của khoa học, công nghệ vào phát triển thành phố và khu vực; thực trạng phát triển tiềm lực về khoa học, công nghệ...

Chính phủ cũng yêu cầu trong quy hoạch cần định hướng phát triển các ngành quan trọng. Trong đó, phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động, nhà máy thông minh, sản xuất sản phẩm thông minh; phát triển các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu; chuyển từ hoạt động gia công, lắp ráp sang chế tạo; phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung theo mô hình cụm liên kết ngành; chuyển đổi các khu chế xuất và công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu chế xuất và công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với ngành dịch vụ-thương mại, phải thể hiện rõ vai trò trung tâm bán buôn, đầu mối xuất nhập khẩu, trung tâm mua sắm của cả nước và quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ hiện đại, kinh doanh trực tuyến.

Vận tải và kho bãi gắn với phát triển giao thông thông minh, các trung tâm logistics, cảng biển, cảng hàng không quốc tế, hình thành các trung tâm logistics gắn với phát triển hệ thống cảng biển, bến bãi trong mối liên kết vùng Đông Nam bộ; Tài chính ngân hàng và bảo hiểm gắn với phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển TP. HCM trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung...

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào chống ngập lụt cho TP.HCM?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới