Chủ nhật, 24/11/2024 07:02 (GMT+7)
Thứ hai, 17/01/2022 07:00 (GMT+7)

Giải pháp nào chống sụt lún và xâm nhập mặn tại ĐBSCL?

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia nhận định, giảm khai thác nước ngầm quá mức là biện pháp quan trọng nhất để giảm thiểu, hạn chế sụt lún trong tương lai và loại bỏ hậu quả tiêu cực do mực nước biển dâng.

Sụt lún đáng báo động ở nhiều nơi

ĐBSCL đang mất dần độ cao trong những thập kỷ qua. Tốc độ bồi lắng quá nhỏ, với lượng phù sa hạn chế do việc xây dựng đập ở thượng nguồn, không bù lại được với tốc độ sụt lún, mức độ và tần suất lũ (mang theo trầm tích) giảm và đặc biệt là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức khiến vùng đồng bằng này chìm nhanh.

Theo nhận định của ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, "Sụt lún đất là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL. Số liệu từ Bộ TN&MT cho thấy đồng bằng đang sụt lún 1 cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7cm/năm tại một số địa điểm, trong khi mực nước biển dâng là 3-5 mm/năm".

Trong khi đó, TS Laurent Umans, Bí thư thứ Nhất, Nước và Biến đổi Khí hậu, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cho rằng, nguồn tài nguyên thiên nhiên của dòng sông Mê Kông đóng vai trò quan trọng trong nguồn sinh kế của hàng chục triệu người. Nhiều dòng chảy chính và phụ lưu, khai thác tài nguyên nước ngầm cũng như khai thác cát quá mức là biểu tượng gắn liền với sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong khu vực sông Mê Kông. Mực nước biển dâng toàn cầu, dòng chảy bất thường, sụt lún đất, xói lở bờ biển và xâm nhập mặn là một trong những thách thức cấp bách nhất.

Điển hình là ĐBSCL chịu tác động của cả yếu tố khí hậu và con người; trong số đó, xâm nhập mặn gia tăng, không chỉ khiến vùng đồng bằng này thiệt hại hàng triệu đô la hàng năm trong tình trạng thiếu nước ngọt và mất mùa mà còn được xác định là điểm mấu chốt trong quy hoạch sử dụng đất. 

Giải pháp nào chống sụt lún và xâm nhập mặn tại ĐBSCL? - Ảnh 1
Sụt lún đất, xâm nhập mặn là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL trong những năm qua. (Ảnh: Trọng Linh)

Trước đó, Dự án "Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL" đã chọn 4 tỉnh, thành trọng điểm là Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng và Kiên Giang để thực hiện từ năm 2020-2021. Kết quả cho thấy tốc độ sụt lún của các địa phương đang ở mức báo động.

ĐBSCL đang mất dần độ cao trong những thập kỷ qua. Tốc độ bồi lắng quá nhỏ, với lượng phù sa về hạn chế do việc xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn, không bù lại được tốc độ sụt lún.

Mức độ và tần suất lũ mang theo trầm tích giảm, tình trạng khai thác cát dọc theo các con sông dẫn đến sụt lún tại ĐBSCL. Tại đây, tốc độ sụt lún trung bình lên đến 5,7 cm/năm, cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối là từ 3-5 mm/năm. Điều này kết hợp với địa hình cao trình thấp của đồng bằng càng làm cho khu vực dễ bị tổn thương. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ XXI.

Dù có nguồn nước ngọt dồi dào từ lưu vực sông Mê Kông, việc khai thác nước ngầm vẫn tăng theo cấp số nhân từ cuối những năm 1990, với thể tích hơn 2,5 triệu m3/ngày. Sự gia tăng khai thác nước ngầm chủ yếu là do chất lượng nước mặt giảm vì thâm canh nông nghiệp, tăng cường sử dụng hóa chất và giảm khả năng tự làm sạch của các kênh; các công trình cản trở, làm yếu dòng chảy... Do đó, nguồn nước sử dụng không phải lúc nào cũng đủ, nhất là vào mùa khô. Điều này dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức.

Giảm khai thác nước ngầm là biện pháp quan trọng nhất

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ, việc khai thác nước ngầm được xem là nguyên nhân chính làm cho hiện tượng sụt lún tại ĐBSCL diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, giảm khai thác nước ngầm quá mức là biện pháp quan trọng nhất để giảm thiểu, hạn chế sụt lún trong tương lai và loại bỏ hậu quả tiêu cực do mực nước biển dâng.

Cùng chung quan điểm, GS Sepehr Eslami Arab, chuyên gia về nước tại Hà Lan cho rằng, để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, Việt Nam cần phải hạn chế việc khai thác cát, nước ngầm, khai thác tầng trữ nước trong lòng đất, ngăn cản xu hướng hiện nay dẫn tới tăng nhanh việc xâm nhập mặn, thay đổi phương thức canh tác giúp thích ứng với xâm nhập măn và sụt lún đất; áp dụng giải pháp công nghệ như lọc nước nano, tưới tiết kiệm. Đặc biệt, Việt Nam nên triển khai nhiều giải pháp tích hợp để giải quyết các thách thức trong tương lai.

Bên cạnh đó, cần tiến hành quy hoạch tổng thể quản lý nước ngầm khu vực ĐBSCL. Theo đó, các chuyên gia tham gia dự án "Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL" nhấn mạnh:  "Cần có cơ chế chia sẻ thông tin, tạo ra diễn đàn để các bên trao đổi nhằm có sự hợp tác liên tỉnh. Ngoài ra, các tỉnh, thành có thể hợp tác với nhau đưa ý kiến lên Bộ TN&MT vì nhiều địa phương có tác động lớn hơn từng nơi riêng lẻ.

Từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167 về việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các tầng chứa nước ngọt. Đây là một công cụ chính sách để quản lý nước dưới đất nhằm kiểm soát việc khai thác và hạn chế các vấn đề liên quan như xâm nhập mặn và sụt lún đất.

Do đó, để thực hiện Nghị định 167 hiệu quả, cần lồng ghép với các chính sách khác và có chế tài xử lý vi phạm. Trong khuôn khổ dự án này, chúng tôi tôi đề xuất cần lập quy hoạch tổng thể ĐBSCL về quản lý nước ngầm" - thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

Đánh giá về quá trình sụt lún đất ở tỉnh Cà Mau, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Định, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT khẳng định, hiện Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được và có những chính sách phù hợp cho vấn đề sụt lún ở ĐBSCL, cụ thể là ở tỉnh Cà Mau. Theo các nhà khoa học, có 4 nguyên nhân chính gây ra vấn đề sụt lún ở tỉnh Cà Mau gồm: bơm hút nước ngầm; cố kết tự nhiên; thiếu hụt trầm tích do các đập thượng nguồn; việc xây dựng đô thị dẫn đến tăng tải trọng tĩnh, dễ gây sụt lún.

Do đó, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu để xác định nguyên nhân chính và có những biện pháp can thiệp hiệu quả. Trước mắt, cần giảm bơm hút nước ngầm, tìm các nguồn nước thay thế phục vụ sinh hoạt cho người dân; đối với phát triển đô thị, cần có giải pháp quy hoạch, phân bố dân cư hợp lý để tránh tình trạng quá tải đô thị. Đối với nông nghiệp, cần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào chống sụt lún và xâm nhập mặn tại ĐBSCL?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới