Thứ tư, 18/12/2024 11:45 (GMT+7)
Thứ năm, 05/12/2024 15:33 (GMT+7)

Giải pháp nào để phát triển hệ thống bán lẻ bền vững gắn với bảo vệ môi trường?

Theo dõi KTMT trên

Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của việc phát triển hệ thống bán lẻ hiện nay.

Ngày 4/12, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Chính sách và Pháp luật Phát triển Thương mại trong nước năm 2024 với chủ đề “Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại nhanh, bền vững”.

Khởi động từ năm nay, Diễn đàn là một sự kiện thường niên quan trọng nhằm thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã tập trung phân tích các thách thức và cơ hội trong việc phát triển bền vững chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại. Trong đó, các vấn đề như việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đưa ra thảo luận sôi nổi. 

5 nhiệm vụ trọng tâm của phát triển hệ thống bán lẻ nhanh và bền vững

Giải pháp nào để phát triển hệ thống bán lẻ bền vững gắn với bảo vệ môi trường? - Ảnh 1
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn. 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường (Bộ Công Thương) trong nước chia sẻ: “Hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định rằng phát triển hệ thống bán lẻ là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững”.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống bán lẻ của chúng ta đã và đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới không chỉ mở rộng thị trường mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng và dịch vụ trong lĩnh vực bán lẻ. Vì vậy, phát triển hệ thống bán lẻ nhanh và bền vững cần hướng đến các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại trong đó đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng.

Thứ hai, tăng cường năng lực cạnh tranh và hợp tác trong đó khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững.

Thứ ba, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng các chuỗi cung ứng xanh, khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải trong các hoạt động bán lẻ; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về tiêu dùng bền vững, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.

Thứ tư, xây dựng mạng lưới bán lẻ đồng bộ, bao trùm trong đó cần phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại không chỉ ở đô thị mà còn mở rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng.

Thứ năm, thúc đẩy hội nhập và cạnh tranh lành mạnh trong đó điều kiện tiên quyết là tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển ngành bán lẻ, mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Hệ thống bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng và nhiều cơ hội

Giải pháp nào để phát triển hệ thống bán lẻ bền vững gắn với bảo vệ môi trường? - Ảnh 2
Các diễn giả tham gia thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn với sự chủ trì của Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bùi Nguyễn Anh Tuấn.

Ông Vương Quang Lượng - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho biết, theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tại khu vực châu Á, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thời gian gần đây. 

Việt Nam xếp đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu và trong khoảng từ 5 - 10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống bán lẻ nói riêng vẫn được đánh giá là rất tiềm năng và có mức độ hấp dẫn hàng đầu trong khu vực. 

Đáng chú ý, xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội cho ngành bán lẻ phát triển các mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại, xanh hóa chuỗi cung ứng và đẩy mạnh phân phối, tiêu dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. 

Thực hiện các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng, quy hoạch các tuyến phố đi bộ trong khu vực đô thị, cũng như tăng hiệu quả vận tải hàng hóa…, do đó đòi hỏi thiết kế hạ tầng bán lẻ đô thị phù hợp. 

Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kết nối các trung tâm kinh tế vùng, địa phương, kết nối các khu vực đô thị mới và vùng ngoại vi. Điều này sẽ thúc đẩy các dòng lưu chuyển hàng hóa, kích thích phát triển các khu mua sắm và thương mại bán lẻ.

Ngành bán lẻ cũng có những thách thức, đồng thời là những cơ hội đối với các doanh nghiệp, bà Phạm Quỳnh Ngọc - Đại diện Deloitte Việt Nam đã chia sẻ về vấn đề này. 

Về thách thức, biến đổi khí hậu và cam kết hướng đến chuyển đổi xanh là một lực đẩy lớn trong quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự thiếu hụt và hay nhảy việc, do đó chi phí đào tạo và giữ nhân sự cũng rất tốn kém đối với doanh nghiệp. Áp lực về chuỗi cung ứng và logistics đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, cũng như sự cạnh tranh gay gắt giữa thị trường trong nước và nước ngoài, các chợ truyền thống và hiện đại…

Về cơ hội, hiện nay người tiêu dùng có xu hướng tập trung nhu cầu vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, cũng như tận dụng các công nghệ AI cho trải nghiệm khách hàng, đưa đến những chất lượng dịch vụ cao hơn cho bán lẻ…

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm quan trọng nâng cao chất lượng hàng hoá tiêu dùng

Giải pháp nào để phát triển hệ thống bán lẻ bền vững gắn với bảo vệ môi trường? - Ảnh 3
Bà Đoàn Thị Hương Thanh - Đại diện Wincommerce nêu ý kiến tại Diễn đàn.

Trình bày về các chiến lược và giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, liên quan đến các giải pháp về môi trường, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực, Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho rằng trách nhiệm xã hội đòi hỏi doanh nghiệp phải hành động một cách có đạo đức, bảo vệ môi trường và thực hiện các chương trình hỗ trợ cộng đồng. Khi làm được điều này, doanh nghiệp không chỉ khẳng định vị thế của mình ở thị trường nội địa mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp cũng cần ưu tiên tập trung vào phát triển công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động đến môi trường. Cùng với đó, doanh nghiệp cần cam kết ưu tiên sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, đẩy mạnh việc sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc có khả năng tái chế, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Lựa chọn các nhà cung cấp tuân thủ tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội như SA8000, đảm bảo được nguồn nguyên liệu đáp ứng cả về chất lượng và trách nhiệm xã hội.

Người tiêu dùng cũng cần đóng vai trò chủ động trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa tiêu dùng. Việc lựa chọn thông minh và tiêu dùng có trách nhiệm sẽ tạo áp lực ngược trở lại các doanh nghiệp, buộc họ phải cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Người tiêu dùng được quyền yêu cầu thông tin rõ ràng, minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn theo xu hướng xanh, bền vững về sản phẩm và có thể sử dụng quyền này để bảo vệ mình trước những sản phẩm kém chất lượng. 

Đồng thời, người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng hay những chiến dịch cộng đồng vì sản phẩm sạch, tiêu dùng xanh, cũng đã góp phần tạo dựng một thị trường lành mạnh. 

Ủng hộ các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc mua sắm sản phẩm của họ, điều này tạo động lực để các doanh nghiệp khác thực hiện điều tương tự. Người tiêu dùng chính là những người trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm và các thông tin hữu ích của sản phẩm, doanh nghiệp tới cộng đồng, cộng đồng càng được nâng cao nhận thức thì tác động tích cực sẽ càng mạnh mẽ.

Còn bà Đoàn Thị Hương Thanh - Đại diện Wincommerce đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo hoàn thiện cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý thương mại theo cam kết quốc tế; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh bền vững và xanh hóa; kích cầu gia tăng tiêu dùng cuối cùng trong nước…

Thuỳ Dương

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào để phát triển hệ thống bán lẻ bền vững gắn với bảo vệ môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới