Chủ nhật, 24/11/2024 08:47 (GMT+7)
Thứ hai, 28/02/2022 22:00 (GMT+7)

Giữa một 'rừng F0' làm sao để tránh lây nhiễm?

Theo dõi KTMT trên

Trong những ngày Hà Nội liên tục lập kỷ lục vè số ca nhiễm Covid-19 thì có gia đình số F0 nhiều hơn cả F1. Các chuyên gia ngành y tế đã đưa khuyến cáo cách phòng tránh lây nhiễm chéo khi sống cùng F0 để mọi người phòng tránh dịch cho bản thân và gia đình.

Ở cùng nhà chỉ dám nhắn tin?

Chị Nguyễn Thanh Hương, 28 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội, sống cùng nhà với F0, nhưng may mắn sau 5 ngày cách ly vẫn âm tính. Căn phòng trọ khá nhỏ, không chia phòng, chung nhà vệ sinh và không gian sinh hoạt, nên ban đầu chị hơi lo lắng.

Để không bị lây nhiễm chéo, chị đeo khẩu trang, sát khuẩn nhà và đồ vật, tránh dùng chung đồ và hạn chế tiếp xúc. Nữ nhân viên văn phòng còn uống vitamin C, ăn nhiều hoa quả, sát khuẩn họng hàng ngày nhằm tăng cường sức đề kháng.

Giữa một 'rừng F0' làm sao để tránh lây nhiễm? - Ảnh 1
Tại một gia đình có F0. (Ảnh: Internet)

"Bạn mình xuất hiện triệu chứng bệnh nhẹ nên có thể tự chăm sóc bản thân. Chúng mình cũng hạn chế lạm dụng test Covid-19. Theo quy định, F0 cách ly đến ngày thứ 7 thì test, còn mình F1 thì đến ngày thứ 5", chị Hương kể.

Sau 5 ngày cách ly, sức khoẻ ổn định và test nhanh âm tính, ngày 28/2, chị Hương quay trở lại văn phòng làm việc.

Gia đình chị Nguyễn Quỳnh An, 33 tuổi, trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có 3 thành viên lần lượt mắc Covid-19, riêng chị là F1 "bất tử". Căn chung cư tuy có hai phòng ngủ nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, là vấn đề nan giải cho F0 điều trị và cách ly tại nhà, trong khi các cơ sở, thu dung hiện đang quá tải.

Để chuẩn bị, chị An mua găng tay, khẩu trang, nước khử khuẩn. Bốn thành viên đều đeo khẩu trang, xịt khuẩn nhà mỗi ngày. Chị nấu đồ ăn riêng, tráng nước sôi các bát đũa, rồi đặt trước cửa phòng cho chồng.

Mỗi lần đi vệ sinh, các thành viên đều sử dụng găng tay để bấm khóa cửa. 2 ngày, gia đình dùng gần hết 3 hộp găng tay 280 đôi. Oái oăm hơn, trước khi vào nhà vệ sinh, chồng sẽ nhắn tin, để chị bế con gái từ phòng khách vào trong phòng ngủ để tránh tiếp xúc. Mỗi lần như vậy, cô bé lại khóc "hết nước mắt" vì đang xem dở chương trình ti vi.

Ý kiến chuyên gia

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để tránh bị lây nhiễm, gia đình có F0 cần bố trí cho người bệnh sinh hoạt ở phòng riêng biệt. Mọi hoạt động như ăn uống, tắm giặt đều phải tách biệt với các thành viên còn lại.

Ngoài ra, cả bệnh nhân và các thành viên khác đều phải đeo khẩu trang. Đặc biệt, thành viên là F1 nên tự theo dõi sức khỏe của mình trong quá trình cách ly chung với F0. Khi có bất cứ dấu hiệu như ho, sốt, đau họng, sổ mũi, khó thở... cần test nhanh COVID-19 và thông báo cho cơ quan y tế nơi mình sinh sống.

Ông Nga cũng khuyến cáo, khi sống cùng F0, mọi thành viên trong gia đình nên hạn chế nói chuyện với nhau. Mọi thông tin cần trao đổi mọi người có thể liên lạc qua điện thoại, tin nhắn.

Giữa một 'rừng F0' làm sao để tránh lây nhiễm? - Ảnh 2
Khử khuẩn mọi không gian trong nhà. (Ảnh minh họa)

Những không gian như bếp nấu, nhà vệ sinh, tay nắm cửa, công tắc điện... đều phải được vệ sinh, khử khuẩn để tránh lây lan virus. Nếu phải sử dụng chung nhà vệ sinh thì cả F0 và F1 phải có ý thức không khạc nhổ bừa bãi...

Theo các chuyên gia, khi sống chung với F0, việc có bị lây hay không phụ thuộc vào tình trạng tiêm chủng, khả năng giãn cách xã hội, việc đang dùng chung đồ, cách thức dọn dẹp không gian chung… của mỗi thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi thành viên còn lại trong gia đình phải giữ khoảng cách an toàn với người bệnh. Bởi người ở cùng nhà nguy cơ phơi nhiễm cho đến khi bệnh nhân có kết quả âm tính.

Vì vậy, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với F0, tự biết giữ an toàn cho bản thân, theo dõi sức khỏe và xét nghiệm khi có triệu chứng, đeo khẩu trang và thường xuyên khử khuẩn không gian trong nhà...

Đặc biệt, các gia đình nên giới hạn thành viên chăm sóc cho F0. Bởi càng nhiều người tiếp xúc với bệnh nhân thì nguy cơ lây lan trong hộ gia đình càng cao.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giữa một 'rừng F0' làm sao để tránh lây nhiễm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới