Chủ nhật, 24/11/2024 05:35 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/04/2024 07:13 (GMT+7)

Hà Giang: Công ty Hà Ngân bị phạt gần 1 tỷ đồng trong lĩnh vực khai thác đá

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH MTV Hà Ngân trong lĩnh vực khai thác khoáng sản với số tiền phạt lên tới gần 1 tỷ đồng và đình chỉ khai thác 5 tháng 15 ngày...

Cụ thế, ngày 12/1/2024, UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định số: 72/QĐ-XPHC, xử phạt vi phạm hành chính với Công ty TNHH MTV Hà Ngân (Công ty Hà Ngân) có địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang do ông Ninh Quang Sìn là người đại diện theo pháp luật.

Hà Giang: Công ty Hà Ngân bị phạt gần 1 tỷ đồng trong lĩnh vực khai thác đá - Ảnh 1
Cận cảnh hoạt động của Công ty Hà Ngân sau khi bị UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định xử phạt. 

Theo Quyết định, Công ty Hà Ngân đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính tại Dự án khai thác mỏ đá vôi thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong, huyện Bắc Mê:

Hành vi 1: Năm 2022 thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế không đúng quy trình và mẫu biểu theo quy định của Bộ Tài nguyên và môi trường tại thông tư số 17/2020/TT-BTNMT này 24/12/2020 (Không kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế qua trạm cân).

Hành vi 2: Năm 2022, sản lượng khai thác mỏ vượt 112,9% công suất thiết kế được phép khai thác; Năm 2023 (Đến hết tháng 9 /2023) vượt 149% công suất thiết kế được phép khai thác.

Hà Giang: Công ty Hà Ngân bị phạt gần 1 tỷ đồng trong lĩnh vực khai thác đá - Ảnh 2
Hình ảnh PV ghi nhận hoạt động khai thác tại mỏ đá thuộc Công ty TNHH MTV Hà Ngân ngày 22 - 23/3/2024.

Căn cứ vào hai hành vi vi phạm nêu trên, UBND tỉnh Hà Giang đã áp dụng các điều khoản với hình thức phạt tiền. Cụ thể, hành vi 1 là 50 triệu đồng và hành vi 2 là 900 triệu đồng. Tổng cộng cả 2 hành vi là 950 triệu đồng.

Đồng thời tạm đình chỉ khai thác 5 tháng 15 ngày, buộc thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường do hành vi khai thác vượt công suất gây ra theo quy định. Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày, kể từ ngày nhận quyết định.

Thế nhưng, theo quan sát, ghi nhận thực tế của PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường những ngày gần đây, Công ty Hà Ngân vẫn hoạt động khai thác… Thay vì sử dụng vật liệu nổ, đơn vị đã dùng máy xúc (lắp búa đục) đục và cạy đá từ khu vực khai thác sau đó vận chuyển về khu vực máy nghiền để phục vục quá trình sản xuất.

Trước đó, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có thông tin phản ánh tại bài viết: “Hà Giang: Bị phản ánh khai thác đá trong thời gian đình chỉ - Công ty Hà Ngân nói gì?” ngày 1/4/2024.

Video: Công ty TNHH MTV Hà Ngân vẫn hoạt động khai thác đá sau khi bị xử phạt và tạm đình chỉ.

Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển đá khiến nhiều người dân sinh sống xung quanh khu vực mỏ đá bức xúc: Việc vận chuyển gây tiếng ồn, cơ sở hạ tầng xuống cấp, bụi bặm với nhiều xe tải trọng lớn ra vào vận chuyển đá không kể giờ giấc…

Từ quan sát thực tế, ngay đầu đường nhựa, đoạn giáp với Quốc lộ 34 đã được sở GTVT tỉnh Hà Giang cắm biển hạn chế tải trọng ở mức tối đa là 7,5 tấn. Tuy nhiên, hầu hết các xe vận chuyển đá đã nghiền nhỏ từ mỏ đá vôi Bản Đuốc của Công ty TNHH MTV Hà Ngân đều có dấu hiệu quá tải gấp nhiều lần như vậy, nhưng đã vô tư quần thảo khiến chặng đường dẫn từ mỏ ra tới Quốc lộ 34 bị bong tróc, lún sụt bề mặt ở nhiều đoạn.

Hà Giang: Công ty Hà Ngân bị phạt gần 1 tỷ đồng trong lĩnh vực khai thác đá - Ảnh 3
Quá trình vận chuyển đá của Công ty Hà Ngân vượt quá tải trọng cho phép.

Nguy hiểm hơn, tại đường rẽ vào mỏ đá Bản Đuốc là một khúc cua tay áo, có độ chênh lệch cao thấp và chiều đi đâm thẳng vào những ngôi nhà phía bên dưới, do cua quá gấp nên hầu hết các xe tải nặng này đều phải lùi tiến nhiều lần, mới đưa được bánh trước của xe theo đúng hướng di chuyển.

Liên quan đến phản ánh về quá trình vận chuyển đá vượt tải trọng cho phép của Công ty Hà Ngân, ông Bùi Việt Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Bắc Mê cho biết: Trước đây, chúng tôi cũng đã tuần tra, xử lý những trường hợp vi phạm tại khu vực đó rồi... Nhưng do địa bàn rộng, lực lượng lại mỏng cho nên chưa kiểm soát được hết nhưng trường hợp vi phạm, tôi sẽ cho kiểm tra lại ngay...

Cùng trao đổi về quá trình vận chuyển vượt quá tải trọng cho phép, ông Ninh Quang Sìn đại diện Công ty Hà Ngân nêu quan điểm: Cầu Bắc Mê trên Quốc lộ 34 với tải trọng cho phép như thế, quá trình lưu thông nguyên xác xe đá vượt quá tải trọng rồi, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe cả nước qua lại không thấy ai nói gì, chỉ phản ánh mỗi xe của Công ty Hà Ngân, làm như kiểu cây cầu này chỉ có mỗi xe của Công ty Hà Ngân đi qua đây?.

"Còn về tuyến đường vào mỏ, UBND huyện đã có chủ trương giao cho Công ty Hà Ngân duy tu, bảo dưỡng. Chúng tôi cũng đang cho máy sửa chữa lại tuyến đường rồi" - ông Sìn cho hay. 

Thông tin về công tác kiểm tra sau khi nhận phản ánh của tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Bình Giang - Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của cơ quan báo chí ngày 26/3, chiều cùng ngày, UBND huyện Bắc Mê và UBND xã Yên Phong đã tổ chức kiểm tra và có biên bản làm việc.

Hà Giang: Công ty Hà Ngân bị phạt gần 1 tỷ đồng trong lĩnh vực khai thác đá - Ảnh 4
Hoạt động của doanh nghiệp này vẫn diễn ra xuyên suốt sau khi bị UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định xử phạt 950 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai khác 5 tháng 15 ngày theo quyết định số: 72/QĐ-XPHC ngày 12/1/2024.

Theo biên bản ông Giang cung cấp: Công ty Hà Ngân đã nộp đầy đủ số tiền phạt theo quyết định số: 72/QĐ-XPHC, ngày 12/1/2024; tại thời điểm kiểm tra đơn vị đã dừng hoạt động khai thác khoáng sản, còn Công ty sản xuất kinh doanh gạch không nung theo dây chuyển băng tải (vẫn hoạt động).

Cũng theo biên bản kiểm tra ngày 26/3, Công ty Hà Ngân chưa có báo cáo thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường do hành vi khai thác vượt công suất gây ra theo quy định.

Kết thúc quá trình kiểm tra, tổ công tác yêu cầu Công ty Hà Ngân thực hiện nghiêm theo Quyết định số: 72/QĐ-XPHC, ngày 12/1/2014 của UBND tỉnh Hà Giang như đình chỉ và lập báo cáo theo yêu cầu tại quyết định.

Tham vấn ý kiến các nhà khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam thì được biết: Khai thác đá có nguy cơ tác động tới môi trường, sinh thái rất nhiều. Cụ thể: 

Nước mưa chảy tràn từ khu vực mỏ khá lớn nhất là vào mùa mưa. Nước mưa chảy tràn trong khu vực mỏ kéo theo nhiều bùn đất, cặn lơ lửng và các kim loại nặng có mặt trong đất đá vào hệ thống nước mặt làm tăng độ đục, thay đổi độ pH của nước… Độ đục trong nước mặt tăng đã ngăn cản độ xuyên thấu của ánh sáng, làm cản trở quá trình quang hóa trong nước ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống các loại thủy sinh. Trong trường hợp độ đục quá lớn còn dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động thực vật sống trong nước.

Trong khu vực mỏ đá thảm thực vật tự nhiên của vùng núi và các loại cây ăn quả. Hoạt động khai thác đá vôi sẽ sử dụng một diện tích đất lớn và việc sử dụng đất này làm mất đi thảm thực vật tự nhiên của khu vực. Không những thế, các chất thải của quá trình khai thác như bụi, khí thải, chất thải rắn cũng có ảnh hưởng nhất định tới hệ thực vật khu vực xung quanh do khả năng lan truyền trong môi trường. Bụi là một trong những tác nhân gây ô nhiễm. Đối với thực vật, bụi lắng đọng trên lá làm giảm khả năng quang hợp của cây làm giảm năng suất cây trồng.

Đối với các loài động vật, nhất là động vật hoang dã rất nhạy cảm với sự biến đổi môi trường. Hầu như các chất ô nhiễm môi trường đều có tác động rất xấu đến động vật. Chất thải rắn và khí độc hại làm ảnh hưởng tới sự sinh sản của các loài động vật. Tiếng ồn và chấn động khi nổ mìn làm động vật hoảng sợ dẫn đến sự di cư hàng loạt các loài động vật.

Hoạt động khai thác mỏ đã làm mất đi các thảm thực vật trên cạn và ảnh hưởng đến các loài động vật hệ quả là làm suy thoái đa dạng sinh học. Tuy nhiên, với đặc trưng hệ sinh thái cạn cũng như hệ sinh thái nước khu vực dự án tương đối nghèo nàn, không có loài động vật hoang dã đặc hữu nên các tác động tiêu cực của quá trình triển khai thực hiện dự án mở rộng khai thác tới tài nguyên sinh vật là không đáng kể.

Hoạt động khai thác mỏ lộ thiên có ảnh hưởng tới mực nước ngầm khu vực. Với độ sâu khai thác càng lớn thì mực nước ngầm càng hạ xuống thấp. Như vậy, hoạt động khai thác đá dẫn đến hệ quả là làm nghèo kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo ảnh hưởng đến thế hệ mai sau.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Nhóm Phóng Viên

Bạn đang đọc bài viết Hà Giang: Công ty Hà Ngân bị phạt gần 1 tỷ đồng trong lĩnh vực khai thác đá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới