Chủ nhật, 24/11/2024 07:39 (GMT+7)
Thứ ba, 06/09/2022 14:15 (GMT+7)

Hạ Long: Chung tay xây dựng “thành phố không rác thải nhựa”

Theo dõi KTMT trên

Để bảo vệ cảnh quan môi trường và các giá trị Di sản, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”, tập trung chống rác thải nhựa trong hoạt động du lịch trên vịnh.

Quảng Ninh nổi tiếng với những tài nguyên thiên nhiên phong phú, cảnh quan đa dạng với môi trường biển, đảo tuyệt mỹ, là sự lựa chọn ưu tiên số một của khách du lịch cả trong nước và quốc tế.

Trong đó, du lịch là ngành có tiềm năng lợi thế tại Quảng Ninh với trên 600 di tích và danh lam thắng cảnh, có di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận kỳ quan thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh lên đến 60.000 tấn/năm. Trong đó, TP.Hạ Long - điểm du lịch thu hút khách là khu vực có lượng phát thải nhựa lớn 47,6 tấn/ngày, tương ứng 17,3 nghìn tấn/năm.

Phát biểu tại Hội thảo “Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa” diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đường chia sẻ: Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu và Chính phủ Na Uy tài trợ được triển khai từ đầu năm 2020. Qua hơn 2 năm thực hiện, dự án đã góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức, năng lực quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa vùng ven biển của cán bộ chính quyền, doanh nghiệp cũng như người dân địa phương.

Hạ Long: Chung tay xây dựng “thành phố không rác thải nhựa” - Ảnh 1
Du lịch là ngành có tiềm năng lợi thế tại Quảng Ninh với trên 600 di tích và danh lam thắng cảnh.

Được biết, Dự án được triển khai tại 4 phường của TP.Hạ Long là: Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu và Hà Phong, trong thời gian 2 năm, bắt đầu từ tháng 1/2020. Hội Nông dân giữ vai trò tổ chức điều phối và thực hiện dự án, Hội Phụ nữ và Hội Nghề cá tỉnh phối hợp thực hiện. Giá trị thực hiện dự án là trên 6,7 tỷ đồng, trong đó trên 2,5 tỷ đồng do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, kinh phí còn lại do đối ứng của các đơn vị, địa phương tham gia dự án. Mục tiêu của dự án là nâng cao, chuyển đổi về nhận thức, hành động của người dân sinh sống và ngư dân làm nghề cá tại vùng ven Vịnh Hạ Long trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường di sản Vịnh Hạ Long.

Trước đó, từ ngày 1/9/2019, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai thử nghiệm chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tại khu vực Vịnh Hạ Long với nội dung “Không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên Vịnh Hạ Long”.

Đến nay, sau 3 năm triển khai, chương trình đã tạo sự đồng thuận của đa số doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành, chủ tàu du lịch, người dân và du khách. Thực hiện chương trình, đã có 204 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch; 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ Kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh.

Qua đó, đã giảm được 90% rác thải nhựa dùng 1 lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh. Các điểm dịch vụ trên vịnh cơ bản không còn kinh doanh các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần. Phần lớn các tàu du lịch, khách tham quan cũng tuân thủ quy định không mang và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong hành trình tham quan vịnh của mình. Đồng thời, đã giảm 94% lượng phao xốp trên các công trình nổi của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch trên vịnh...

Để tiếp tục bảo vệ cảnh quan môi trường và các giá trị Di sản, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh cho biết, Ban Quản lý vịnh đã đề xuất và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đồng thuận tiếp tục triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa,” trong đó tập trung nhiệm vụ chống rác thải nhựa trong hoạt động du lịch trên vịnh.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân đang có hoạt động du lịch, dịch vụ trên vịnh cam kết không sử dụng, mua bán các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần (cốc, ống hút, hộp, bát, đĩa, túi nilon...). Đồng thời thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường khi tham gia hoạt động du lịch, dịch vụ tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Các chủ tàu du lịch tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến cho du khách không mang các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần xuống tàu và sử dụng trong quá trình tham quan Vịnh Hạ Long. Đồng thời, có biện pháp từ chối vận chuyển đối với các trường hợp khách cố tình không chấp hành quy định này.

Chi hội Tàu du lịch, các doanh nghiệp cảng, bến tàu du lịch... chú trọng tuyên truyền và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh dịch vụ trong phạm vi cảng, bến không bán các sản phẩm nhựa dùng 1 lần cho khách tham quan Vịnh Hạ Long.

Các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch thông báo trực tiếp quy định không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần ngay từ khi khách du lịch đặt tour và trong quá trình tham quan, du lịch trên vịnh...

Theo ước tính của Dự án “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” (EPPIC) triển khai tại 4 quốc gia ASEAN (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines), khu vực Vịnh Hạ Long có đến 28.283 tấn chất thải nhựa được phát sinh ra mỗi năm, trong đó khoảng 5.272 tấn rác thải nhựa có thể bị rò rỉ ra đại dương; mỗi ngày phát sinh 34 tấn rác thải từ các hoạt động du lịch…

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hạ Long: Chung tay xây dựng “thành phố không rác thải nhựa”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Vượt mục tiêu đón khách du lịch trong năm 2024
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, lượng khách du lịch đến tỉnh này trong tháng 10 đạt 386,5 nghìn lượt, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đón gần 7,7 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
TP.HCM: Doanh thu từ lữ hành tăng gần 50%
10 tháng của năm 2024, doanh thu ngành du lịch TP.HCM đạt 156.649 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ lữ hành đạt mức cao với 32.255 tỉ đồng, tăng mạnh 46,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới