Hà Nội: Hạn chót cho dự án xử lý rác tại huyện Đông Anh
Dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh do Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang đã khởi công xây dựng nhà máy từ năm 2011, nhưng đến nay chưa đưa vào khai thác, vận hành, gây ra lãng phí đất đai, nguồn lực đầu tư và bức xúc trong dư luận.
Mới đây, Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông về việc kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh của Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang.
Văn bản nêu rõ, Dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh do Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang đã khởi công xây dựng nhà máy từ năm 2011, nhưng đến nay chưa đưa vào khai thác, vận hành, gây lãng phí đất đai, nguồn lực đầu tư và bức xúc trong dư luận.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan (Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đông Anh, Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang...) kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự án của Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang; báo cáo, đề xuất giải pháp khắc phục để sớm đưa dự án vào vận hành, khai thác có hiệu quả.
Trường hợp dự án không có khả năng hoàn thành, đề xuất biện pháp xử lý theo quy định, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định trước ngày 20/7/2022.
Trước đó, hồi tháng 4/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội đã có báo cáo số 2025 gửi UBND TP.Hà Nội về việc thực hiện rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP.Hà Nội.
Cụ thể, quy hoạch xử lý chất thải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg-CP ngày 25/4/2014 (Quy hoạch 609) Hà Nội có 17 vị trí khu xử lý chất thải (XLCT); 5 trạm trung chuyển; 26 bãi đổ chất thải rắn xây dựng (CTRXD); 3 bãi chôn lấp bùn thải thoát nước (BTTN); 13 dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020 và được chia thành 03 vùng phía Bắc, Nam và Tây.
Cũng theo quy hoạch 609 đến năm 2030 tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị khoảng 90-100%, nông thôn khoảng 80-95%. Tỷ lệ thu gom các loạt chất thải khác đạt từ 70-100%. Riêng chất thải rắn y tế, tỷ lệ thu gom đạt 100%.
Về tình hình các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô, theo rà soát của Sở TN&MT TP.Hà Nội trên địa bàn TP.Hà Nội có tất cả 17 khu XLCT rắn sinh hoạt. Cũng theo Sở này thì hiện chỉ có ba khu XLCT sinh hoạt đang hoạt động là Khu liên hợp XLCT Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu XLCT rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây; Khu XLCT Cầu Diễn, Nam Từ Liêm. Hiện khu XLCT Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm được sử dụng để xử lý phân bùn bể phốt và xử lý chất thải y tế.
Riêng khu XLCT rắn Việt Hùng, huyện Đông Anh do Công ty Cổ phần đầu tư Thành Quang làm chủ đầu tư đã hoàn thiện 90 % dự án. Nhà máy dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 4/2017, đến nay dự án vẫn nằm "bất động" do chủ đầu tư xin điều chỉnh giấy phép bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại.
Hai khu XLCT đã và đang tạm dừng hoạt động gồm Khu XLCT Kiêu Kỵ, Gia Lâm đã đầy và không tiếp nhận rác từ năm 2017; Khu XLCT Phương Đình, Đan Phượng được đưa vào vận hành từ năm 2014 với công suất 200 tấn/ngày đã dừng hoạt động tiếp nhận rác từ tháng 4/2018 do dây chuyển hỏng hóc.
Các khu XLCT Lại Thượng, Tây Đằng (Ba Vì); Hợp Thanh, Mỹ Thành (Mỹ Đức); Cao Dương (Thanh Oai); Vân Đình và Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) có trong quy hoạch tuy nhiên do có diện tích và công suất quy hoạch nhỏ (200-400 tấn/ngày) không phù hợp với định hướng công nghệ và phát triển đô thị của TP.Hà Nội hiện nay. Cùng với đó, việc tiếp tục triển khai các dự án nêu trên gặp khó khăn do người dân đều có ý kiến không đồng thuận.
Một số khu XLCT đang được UBND Thành phố thực hiện dự án cải tạo hạ tầng, công tác giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư như: Châu Can, Phú Xuyên; Phù Đổng, Gia Lâm; Đồng Ké, Chương Mỹ. Riêng dự án khu XLCT rắn Đồng Ké đang vướng mắc trong công tác GPMB tuyến đường vào khu xử lý, do người dân chưa đồng thuận.
Về các bãi đổ chất thải rắn xây dựng, theo quy hoạch có 26 bãi. Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đã có chủ trương đầu tư xây dựng năm bãi phế thải xây dựng tại các xã Trung Châu, huyện Đan Phượng; xã Vân Côn, xã An Thượng, huyện Hoài Đức; xã Chương Dương, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín. Tuy nhiên, do khó khăn về GPMB, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên đến nay các dự án trên vẫn chưa được triển khai. 05 bãi đổ CTXDR quy hoạch ngoài, sát chân đê: Phú Thị, Dương Hà, huyện Gia Lâm; Duyên Hà, huyệnThanh Trì; Chương Dương, Thống Nhất, huyện Thường Tín; Trung Châu, huyện Đan Phượng do vướng mắc với Luật Đê điều mới, ảnh hưởng hành lang thoát lũ đến nay các dự án trên đều chưa được triển khai thực hiện.
PV