Chủ nhật, 24/11/2024 09:05 (GMT+7)
    Thứ hai, 21/02/2022 15:00 (GMT+7)

    Hà Nội: Mô hình 'Thùng rác Thạch Sanh' hình thành nếp sống mới

    Theo dõi KTMT trên

    Huyện Đông Anh là địa phương đầu tiên của Hà Nội thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Việc phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ đã trở thành thói quen của nhiều gia đình để nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và giảm thiểu lượng rác thải.

    Việc phân loại rác thải tại nguồn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại và nguy hiểm, góp phần bảo vệ môi trường.

    Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho các công tác thu gom và xử lý rác thải. Đông Anh là huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng thôn Nghĩa Vũ vẫn còn đó cây đa, bến nước, sân đình, đường làng phong quang, sạch đẹp. Từ hơn một năm nay, việc phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ đã trở thành thói quen của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyên, thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, trong sinh hoạt hằng ngày.

    Rác thải hữu cơ như cơm thừa, rau quả bỏ đi… được cho vào "thùng rác Thạch Sanh" để ngay trong vườn rau của gia đình.

    Hà Nội: Mô hình 'Thùng rác Thạch Sanh' hình thành nếp sống mới - Ảnh 1
    Việc phân loại rác thải tại nguồn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải. (Ảnh minh họa)

    Người dân xã Nghĩa Vũ gọi vui với nhau là thùng rác "Thạch Sanh" bởi rác bỏ vào sẽ được cho thêm chế phẩm vi sinh do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cung cấp, giúp rác hữu cơ phân hủy trở thành chất dinh dưỡng cho cây trồng, rác bỏ vào đầy rồi tự vơi.

    Bà Nguyễn Thị Nguyên cho biết: "Chúng tôi phân loại rác ngay tại gia đình, rác bỏ đi như rau, củ, quả thừa sẽ được đưa vào thùng ủ, loại rác tái chế được thì để dành bán đồng nát. Việc áp dụng mô hình phân loại rác tại nguồn này vừa giúp sạch nhà vừa đem lại lợi ích về kinh tế."

    Đầu năm 2021, huyện Đông Anh là địa phương đầu tiên của Hà Nội thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tất cả các xã.

    Việc phân loại rác thải tái chế ngay tại từng hộ gia đình đã giúp huyện giảm 50-70% tổng lượng rác thải phát sinh không phải chôn lấp. Tổng lượng rác phát sinh hàng ngày trong năm 2021 cũng giảm trung bình 12 tấn/ngày so với năm trước đó.

    Nhận thấy lợi ích kép từ việc áp dụng mô hình phân loại rác tại nguồn, nhiều nhân tố nhiệt tình, các nhóm nòng cốt tại các thôn đã hoạt động hiệu quả, có giám sát, kiểm tra và tháo gỡ kịp thời. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn, từng bước được nâng cao...

    Bảo đảm môi trường xanh-sạch-đẹp, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn giao nhiệm vụ cho các hội, đoàn thể phát huy vai trò nòng cốt trong việc phân loại, thu gom, kiên quyết không để rác thải tồn đọng trong ngày...

    Hà Nội: Mô hình 'Thùng rác Thạch Sanh' hình thành nếp sống mới - Ảnh 2
    Người dân phân loại rác ngay tại gia đình vừa sạch nhà vừa kinh tế. (Ảnh minh họa)

    Ông Lê Văn Minh, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh cho biết rác thải hữu cơ là nguồn phân bón rất tốt cho rau, đảm bảo để cây trồng được an toàn.

    Khi áp dụng mô hình phân loại rác tại hộ gia đình, các loại rác thải tái chế hay rác thải hữu cơ được phân loại cho vào túi nylon sẽ đảm bảo vệ sinh cho người vận chuyển, việc xử lý cũng được thuận tiện.

    Năm 2021, huyện phát sinh trung bình gần 240 tấn rác thải/ngày và tăng gấp nhiều lần vào các đợt cao điểm lễ, Tết. Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về nội dung phân loại rác tại nguồn, quản lý rác thải nhựa, rác thải nguy hại… theo hướng bền vững và triển khai đề án Đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh đã ban hành Phương án số 01/PA-UBND ngày 27/1/2021 của Ủy ban Nhân dân huyện về việc phân loại rác tại nguồn để thu gom, lưu giữ, xử lý, tái chế, tái sử dụng trên địa bàn.

    Người dân đã dần nâng cao nhận thức về việc phân loại rác thải tại nguồn. Ban đầu các hộ còn ngại khó nhưng nay đã từng bước thay đổi, từng bước hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, hình thành việc ứng dụng, sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt…

    Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch huyện Đông Anh cho biết: "Sau quá trình thí điểm, chúng tôi thấy có được sự vào cuộc tích cực của người dân. Nhờ có các chương trình, tổ chức hội thảo cũng như sự trao đổi của cơ quan chuyên môn, sự vào cuộc tuyên truyền của các tổ chức, đoàn thể nên nhận thức của người dân bước đầu đã có sự thay đổi. Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng để khi Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, tất cả người dân đã được tiếp cận, nắm bắt thông tin ngay từ đầu. Do đó, khi triển khai những nội dung liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn, người dân đã nắm bắt và thực hiện những nội dung đó trước một bước."

    Phân loại rác tại nguồn nhằm tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải, đặc biệt là thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao từ 60-80%, tạo nguồn hữu cơ "sạch" để chế biến phân hữu cơ có chất lượng cao.

    Phân loại chất thải tại nguồn góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp khi khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, diện tích cho chôn lấp bị hạn chế. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn. 

    Không những vậy, phần rác có thể tái chế đã qua phân loại, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom, từ đó tạo nền tảng cơ sở hình thành thị trường thu hồi - tái chế, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

    Năm 2022, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục triển khai phân loại rác thải cho 24 xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học, phấn đấu đạt 35% chỉ tiêu (số hộ, đơn vị triển khai), giao nhiệm vụ cụ thể đến các xã, thị trấn.
    Việc tích cực triển khai nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn sẽ nâng cao được nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường của các hộ gia đình, giảm thiểu lượng rác thải phải vận chuyển, đem chôn lấp, thu được nguồn phân bón hữu cơ và một số nguyên liệu có thể tái chế.
    Để Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được triển khai hiệu quả, cần có những giải pháp thực thi Luật toàn diện, quyết liệt của các cấp, ngành và từng địa phương, sự ủng hộ từ phía người dân, doanh nghiệp.
    Thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường, mỗi người dân cùng hành động và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất hằng ngày.

    Nguyễn Linh (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Mô hình 'Thùng rác Thạch Sanh' hình thành nếp sống mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới