Chủ nhật, 24/11/2024 08:36 (GMT+7)
    Thứ sáu, 02/04/2021 15:36 (GMT+7)

    Hà Nội nghiên cứu bỏ ga ngầm C9 cạnh hồ Gươm

    Theo dõi KTMT trên

    Hà Nội sẽ nghiên cứu phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10 của dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

    Theo đó, vị trí, thiết kế nhà ga ngầm C9 và tuyến ngầm dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cơ bản nằm trong vùng phụ cận, có một phần thân ga C9 và công trình phụ trợ nằm trong ranh giới khu vực bảo vệ (dưới ngầm) của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

    Bộ VHTT&DL đã có nhiều văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga C9 và các công trình phụ trợ bảo đảm không gây ảnh hưởng bất lợi đối với khu vực bảo vệ các di tích.

    Tuy nhiên, qua báo cáo, đánh giá các phương án điều chỉnh cho thấy, việc điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga ngầm C9 sẽ dẫn đến ảnh hưởng toàn hệ thống đường sắt đô thị (8 tuyến) và phải báo cáo Bộ GTVT, Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng điều chỉnh cục bộ các quy hoạch: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô theo quy định pháp luật.

    Hà Nội nghiên cứu bỏ ga ngầm C9 cạnh hồ Gươm - Ảnh 1
    Hà Nội nghiên cứu bỏ ga ngầm C9 cạnh hồ Gươm.

    Đồng thời, phải tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, không bảo đảm kỹ thuật chạy tàu, làm tăng chi phí và phát sinh khiếu kiện phức tạp kéo dài, dẫn đến không bảo đảm tiến độ, chất lượng thực hiện dự án đầu tư.

    Để bảo đảm tính khả thi cũng như giảm tối đa ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu bổ sung theo 3 phương án.

    Phương án 1: Nghiên cứu kỹ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ đối với loại hình đường sắt đô thị ngầm làm cơ sở nghiên cứu điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (ranh giới nhà ga ngầm trùng với ranh giới vùng bảo vệ II).

    Phương án 2: Giữ nguyên, không đề xuất điều chỉnh hướng đoạn tuyến và phương án tổng mặt bằng ga ngầm đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và các sở, ngành TP thống nhất, đã xác định trong quy hoạch Thủ đô. Củng cố các văn bản pháp lý để UBND TP thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng (không điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô), làm cơ sở báo cáo Thủ tướng quyết định về hướng đoạn tuyến và vị trí ga ngầm C9.

    Phương án 3: Giữ nguyên hướng tuyến, xem xét phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10 với yêu cầu bảo đảm tất cả yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ liên quan để chạy tàu; phân tích, đánh giá về việc sẽ giảm tổng mức đầu tư, giảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư, lưu lượng hành khách...

    Không có phương án hoàn hảo

    Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), việc tịnh tiến ga ngầm C9 ra khỏi khu vực bảo vệ của hồ Gươm và phụ cận có thể tăng tình trạng lún bề mặt do ga ngầm được dịch chuyển gần một số công trình cao tầng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh vị trí ga có thể phải lập trình và duyệt lại quy hoạch, nguy cơ ảnh hưởng cả dự án trong thời gian khá dài.

    Đơn vị này cũng lo ngại việc thay đổi hướng tuyến, vị trí ga có thể nảy sinh khiếu kiện do hành lang tuyến đường sắt thay đổi theo, nâng tổng mức đầu tư của dự án (con số dự kiến là 479 tỉ đồng).

    Đối với phương án bỏ hẳn ga ngầm C9, từ ga C8 đi thẳng đến C10, BQL dự án đường sắt đô thị cho rằng đây cũng không phải là phương án tối ưu, đặc biệt về khía cạnh hiệu quả của tuyến đường sắt đô thị số 2.

    Cụ thể, đơn vị này nhận định bỏ ga ngầm C9 có thể khiến hành khách sụt giảm 95% trên toàn tuyến do khoảng cách ga C8 và C10 xa (2,4 km), không đáp ứng được nhu cầu di chuyển của khách du lịch và tham quan tại hồ Hoàn Kiếm. Bỏ ga C9 cũng đồng nghĩa với bỏ khu vực hồ Gươm khỏi phạm vi phục vụ của đường sắt đô thị, gây lãng phí và giảm hiệu quả của hệ thống metro nói chung.

    Song, điểm cộng của việc phương án là hạn chế đáng kể được tác động của việc xây dựng, hoạt động tuyến đường sắt đô thị số 2 lên khu vực hồ Gươm và phụ cận, tránh vi phạm Luật Di sản và đảm bảo các nguyên tắc bảo tồn theo khuyến nghị của Bộ VHTT&DL.

    Bên cạnh đó, MRB cũng cho biết phương án bỏ ga ngầm có thể tiết kiệm 745 tỉ đồng (do chỉ phải xây hầm, hệ thống thông hơi, lối thoát hiểm... thay cho cả hạng mục ga).

    Vì những lý do trên, MRB kiến nghị TP xin ý kiến của Thủ tướng, cho phép tiếp tục xây dựng ga ngầm C9 theo phương án thiết kế ban đầu. Để giảm thiểu tác động đến quần thể di tích, MRB đề xuất không sử dụng cửa lên xuống số 3 của ga (ngay cạnh hồ) để giảm lưu lượng hành khách.

    Ga ngầm C9 được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm.

    Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).

    Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới hồ Gươm là khoảng 10 m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83 m; tới Tháp Bút khoảng 36 m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120 m.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Hà Nội nghiên cứu bỏ ga ngầm C9 cạnh hồ Gươm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới