Chủ nhật, 24/11/2024 06:21 (GMT+7)
Thứ hai, 28/03/2022 11:24 (GMT+7)

Hà Nội: Người dân kiên quyết phản đối lấp hồ ở Ngọc Thụy Long Biên

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, người dân tổ 11 và 12 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội tập trung phản đối việc lấp hồ Bà Đồ.

Thời gian vừa qua, gần 100 hộ dân phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội  gửi đơn tới nhiều cơ quan chức năng về việc 2 hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy (hay còn gọi là hồ Bà Đồ) có diện tích khoảng 1,2 ha sẽ được UBND quận Long Biên san lấp, phục vụ cho việc phân lô, bán đấu giá. Người dân khu vực bày tỏ thái độ kiên quyết, phản đối việc lấp hồ, giữ lá phổi xanh cho khu dân cư.

Người dân phản đối lấp hồ Bà Đồ tại quận Long Biên.

Được biết, 2 hồ tự nhiên này đã tồn tại từ lâu, năm 1990, chính quyền xã Ngọc Thụy đã giao thầu cho một số hộ gia đình cải tạo nuôi trồng thủy sản và mở dịch vụ hồ câu. Hiện, các hộ này đã trả lại mặt bằng cho chính quyền địa phương và được yêu cầu hút nước phục vụ công tác san lấp hồ.

Người dân phản đối đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền. Ngày 16/3 người dân ở tổ 11 và 12 phường Ngọc Thuỵ tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Thành uỷ Hà Nội, UBND TP.Hà Nội và nhiều cơ quan báo chí để phản đối chủ trương lấp hồ Bà Đồ làm đất ở.

Đơn có nội dung: Kiến nghị, phản ánh liên quan đến việc san lấp hồ Bà Đồ có diện tích 12.000m2 thuộc hệ thống hồ tự nhiên tại khu vực tổ 11 và tổ 12 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội để bản đất phân lô.

Hà Nội: Người dân kiên quyết phản đối lấp hồ ở Ngọc Thụy Long Biên - Ảnh 1
Người dân phường Ngọc Thủy phản đối việc lấp hồ. (ảnh Vietnam Plus)

Ông Bùi Dương, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận Long Biên cho biết, quận đã nhận được đơn thư phản ánh của người dân phường Ngọc Thụy về kiến nghị trước việc lấp ao hồ tự nhiên trên địa bàn.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Lan cùng gần 100 hộ dân đã gửi đơn kiến nghị xin được giữ nguyên các hồ này đến UBND quận Long Biên.

Ban Tiếp công dân quận đã tiếp và trả lời, giải quyết kiến nghị của bà Lan về việc này. Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin, các hộ dân đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên UBND TP.Hà Nội.

"Quận sẽ theo dõi kết quả giải quyết đơn kiến nghị của UBND Thành phố đối với đơn thư của người dân. Nếu thành phố có quan điểm khác thì quận sẽ tổ chức điều chỉnh. Còn ở thời điểm hiện tại, thành phố đã cho phép quận thực hiện cưỡng chế và tiếp tục triển khai dự án", ông Dương nói.

Người dân ở đây cho biết, tại địa bàn tổ 11 và 12  phường Ngọc Thụy có nhiều dự án xây dựng đất ở chưa được sử dụng hết, thậm chí một số dự án chưa có người vào ở. Vì vậy, việc lấp hồ để tạo thêm đất ở là bất hợp lý, đất đang không được tận dụng, lãng phí tài nguyên. Thêm vào đó, hồ Bà Đồ là hồ sinh thái của một khu vực dân cư rộng lớn xung quanh. Nếu không có hồ, đến mùa mưa bão rất có thể sẽ dẫn đến ngập lụt.

Nhiều ngày qua, nhiều người dân tại tổ 11 và 12  phường Ngọc Thụy đã tập trung tại khu vực hồ Bà Đồ nhằm phản đối việc lấp hồ làm dự án. Được biết, hiện tại doanh nghiệp đã tiến hành rút nước để tiến hành thi công.

Hà Nội: Người dân kiên quyết phản đối lấp hồ ở Ngọc Thụy Long Biên - Ảnh 2
Báo cáo của ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên, gửi UBND TP.Hà Nội cho biết, việc lấp hồ là theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên, gửi UBND TP.Hà Nội, việc lấp hồ là theo quy hoạch đã được phê duyệt. Từ năm 2016, Q.Long Biên phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại các ô quy hoạch có ký hiệu A4/NO4; A8/NO1; A8/NO2; A4/HH2; A4/HH3 và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn P.Ngọc Thụy. Dự án có diện tích 4,26 ha với tổng mức đầu tư hơn 117 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Q.Long Biên làm chủ đầu tư, đang tuân thủ đúng pháp luật.

Tại báo cáo này, Chủ tịch UBND quận Long Biên cũng khẳng định, việc thoát nước trong mùa mưa tại địa phương sẽ theo nhiều hướng, cơ bản được đảm bảo. Thời gian tới, sau khi hoàn thành đầu tư cụm hồ Ngọc Thuỵ 1, 2 và 3 thì tổng diện tích hồ nước, cây xanh sẽ đạt khoảng 30 ha, hoàn toàn đáp ứng khả năng tiêu thoát nước, điều hoà không khí, tạo cảnh quan cho phường Ngọc Thuỵ cũng như quận Long Biên.

UBND quận Long Biên cũng đã giao BQL dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất quận thực hiện dự án làm hồ tổ 11 (diện tích 6.200m2), hồ tổ 6 (diện tích 2.000m2), hồ tổ 9 (diện tích 3.000m2).

Hiện đang trong giai đoạn lập quy hoạch 2 hồ với diện tích 12,5ha, dự kiến khởi công vào năm 2022, hoàn thành vào năm 2023.

Trả lời câu hỏi tại sao không giữ lại những ao hồ tự nhiên có diện tích rất lớn (như hồ Bà Đồ có diện tích khoảng 8.000m2), cải tạo, đấu nối để tăng công năng làm hồ điều hòa kết hợp thoát lũ, đại diện BQL dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên cho biết, lý do đã được phê duyệt trong quy hoạch.

Thanh Tra Chính Phủ đã vào cuộc, gửi đích danh chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đơn kiến nghị của người dân và yêu cầu Chủ tịch UBND giải quyết và trả lời, đồng thời thông tin lại với Thanh Tra Chính Phủ.

GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng dù có diện tích mặt nước lớn nhưng trong những năm qua, Hà Nội đã lấp đi quá nhiều ao hồ tự nhiên trong khi hồ đã hình thành tự nhiên thì sẽ có chức năng điều hòa nguồn nước, tạo cảnh quan. Vì thế, không nên vì lợi ích trước mắt mà lấp hồ, bởi hệ quả của việc lấp hồ sẽ gây ra những biến động của thiên nhiên ngay lập tức như: Ngập lụt, ô nhiễm, giảm lượng nước ngầm đột ngột.

Theo ông Võ, trước đây ở quận Tây Hồ (thành phố Hà Nội) cũng đã từng có nhiều tranh cãi về câu chuyện lấp hồ tự nhiên. Tại các hội thảo khoa học, cá nhân ông được biết Hà Nội không có chủ trương lấy thêm diện tích đất mặt nước tự nhiên.

“Những năm gần đây, khi xây dựng các dự án bất động sản lớn hay đại đô thị, chủ đầu tư còn phải múc thêm hồ để tạo cảnh quan, điều hòa nguồn nước khu đô thị, trong khi hồ tự nhiên lại đang bị chúng ta lấp bỏ không thương tiếc. Đây là câu chuyện rất đáng buồn,” giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ nỗi trăn trở

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Người dân kiên quyết phản đối lấp hồ ở Ngọc Thụy Long Biên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới