Chủ nhật, 24/11/2024 07:01 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/04/2020 09:34 (GMT+7)

Hà Nội: Nhiều 'đại gia' tập đoàn lớn mong giảm thuế, giãn nợ

Theo dõi KTMT trên

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội thực sự lắng nghe, tiếp thu và tháo gỡ khó khăn, trả lời, giải quyết thấu đáo các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.

Hà Nội: Nhiều 'đại gia' tập đoàn lớn mong giảm thuế, giãn nợ - Ảnh 1
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của thành phố Hà Nội phát biểu.(Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 16/4, phát biểu tại Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp” do thành phố Hà Nội tổ chức, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội thực sự lắng nghe, tiếp thu và tháo gỡ khó khăn, trả lời, giải quyết thấu đáo các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19, phục hồi kinh tế Thủ đô.

Hội nghị đã thu hút trên 65 đơn vị, đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp với sự tham gia của nhiều công ty, tập đoàn lớn tham dự.

Nhiều doanh nghiệp sụt giảm doanh thu

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, quý 1/2020, tăng trường kinh tế vẫn duy trì, song do hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý I/2020 tăng ở mức 3,72%; chỉ số công nghiệp tăng 4,44%; tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,4%, tổng mức bán lẻ tăng 2,3%.

Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 63,04 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% (cùng kỳ tăng 10,5%).

Về số doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm đạt 6.350 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đến thời điểm hết 31/3/2020 là 285.349 doanh nghiệp.

Trong quý 1/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh đã bộc lộ nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc tạm ngưng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, có 4.240 doanh nghiệp ngưng hoạt động (tăng 36% so với cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2.744 triệu USD, giảm 18,1%, kim ngạch nhập khẩu đạt 5.832 triệu USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết các ngành đều sụt giảm doanh thu trong đó ngành dệt may ước tính sụt giảm 30%, da giày sụt giảm 20%, du lịch, vận tải, hàng không, khách sạn giảm từ 20 – 50%...

Nhiều "đại gia," tập đoàn lớn mong giảm thuế, giãn nợ

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đã được Chính phủ ban hành, hiện các cơ quan thuế cũng đang hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp làm việc với cán bộ cơ quan ngành thuế thì nhận được sự nhận thức chưa rõ ràng.

Cụ thể, theo Điều 3, Khoản 2 của Nghị định 41 quy định gia hạn thời gian nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 thì hiện nay các cán bộ ngành thuế đang có ý kiến chưa chính thức và hướng dẫn chỉ được ở mức giới hạn. Doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành thuế Hà Nội có hướng dẫn cụ thể.

Hiện Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhưng dịch Covid-19 dự kiến còn kéo dài, phần lớn trong quy định hướng dẫn cũng như chính sách hỗ trợ đặt ra thời hạn khoảng 5-6 tháng. Các doanh nghiệp cho rằng, thời gian này cũng chưa đủ để phục hồi nền kinh tế cũng như cho các doanh nghiệp. Do đó, kiến nghị kéo dài thời gian gia hạn cũng như các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.

Liên quan đến việc đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân, bà Nguyễn Thị Nga cũng đề nghị thành phố cử công an các phường đến hỗ trợ bảo vệ tại các điểm bán hàng vì hiện nay người dân đến rất đông và cần hỗ trợ chi phí vận chuyển.

Bà Nga cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư giảm thuế cho doanh nghiệp đến 50%; áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm đến 50%; miễn thuế sử dụng đất; tạo điều kiện cho lực lượng lao động từ các địa phương vào làm việc tại các dự án xây dựng...

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ, những khó khăn của ngành hàng không hiện nay rất lớn, nếu sau dịch bệnh làm ăn tốt, mất tối thiểu 5 năm mới bù được lỗ phát sinh. Do đó, ông Thành kiến nghị thành phố có các chính sách giảm thuế, giãn nợ.

Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành tạo điều kiện giúp đỡ đối với chế độ người lao động trong bối cảnh số lượng nhân viên của Vietnam Airlines lớn (tiếp viên 3.000 người, phi công 1.000 người...).

Hà Nội: Nhiều 'đại gia' tập đoàn lớn mong giảm thuế, giãn nợ - Ảnh 2
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành phát biểu tại buổi đối thoại. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đa ngành, đại diện Tập đoàn Vingroup nêu khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy dẫn đến thiếu linh kiện sản xuất sản phẩm ôtô, xe máy...

Về du lịch, dịch bệnh làm ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000 cán bộ công nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng, nhưng vẫn phải duy trì lương cho họ với mức lỗ khoảng 3.000 tỉ đồng. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Đại diện Tập đoàn Vingroup đề xuất kéo dài thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất 1 năm thay cho 5 tháng để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giãn tiền thuê đất, xin miễn tiền thuế đất năm 2019 đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú.

Đối với ngành sản xuất công nghiệp ôtô nội địa, Tập đoàn Vingroup xin giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại Hà Nội, Tập đoàn xin hỗ trợ các thủ tục hành chính như sớm cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; phê duyệt các danh mục sử dụng đất...

Đầu tư công và tư nhân là cứu cánh

Kêu gọi các doanh nghiệp phối hợp với Hà Nội đầu tư vào lĩnh vực nông ngiệp, công nghệ thông tin, đầu tư công, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành phố sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ "nút thắt" cho các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn thành phố được kích hoạt, thông suốt bởi đầu tư công và tư nhân hiện nay là cứu cánh cho kinh tế Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, dịch Covid-19 đang tác động nặng nề, gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng, nhiều dự báo được đưa ra nhưng đến nay chưa đánh giá hết được tác động ghê gớm của dịch bệnh đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo Bí thư Thành ủy, trong quý 1, Việt Nam giữ được tăng trưởng khá cao so với thế giới, nhưng chỉ bằng nửa năm 2019 và quý 2 dự báo tiếp tục khó khăn. Với Hà Nội, 3 tháng đầu năm tăng trưởng 3,72%, thấp hơn mức bình quân cả nước. Nếu ngành nông nghiệp không bị sụt giảm thì mức tăng trưởng của thành phố sẽ cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đây là nỗ lực hết sức cố gắng của thành phố trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh mục tiêu hàng đầu là tập trung công sức, thời gian cho công tác phòng, chống dịch, Hà Nội đang phấn đấu giảm ở mức thấp nhất thiệt hại kinh tế; duy trì và phát triển sản xuất để đảm bảo an sinh xã hội và chuẩn bị tiềm năng phục hồi kinh tế.

Thành ủy đã làm việc với khối nông nghiệp của thành phố. Bình quân 4 năm qua, nông nghiệp thành phố tăng trưởng 2,5% mỗi năm, nhưng riêng 3 tháng đầu năm 2020 là âm 1,17%. Thành phố đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng nông nghiệp ở mức 4,04% bằng cách tăng tái đàn gia súc, gia cầm, nhưng vẫn quyết tâm sẽ tăng trưởng nông nghiệp ở mức 4,62%.

Hà Nội: Nhiều 'đại gia' tập đoàn lớn mong giảm thuế, giãn nợ - Ảnh 3
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bí thư Thành ủy cho biết, làm việc với huyện Ba Vì sáng 16/4, huyện cho biết sẽ phấn đấu tăng trưởng khoảng 5,6% và thực tế điều này hoàn toàn khả quan.

Nêu việc thành phố đang chủ trương rà soát, không để đất đai bỏ hoang lãng phí, Hà Nội kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp phát triển nông nghiệp. Bí thư Thành ủy dẫn chứng: Ngay ở Ba vì đang có 41 ha có thể làm rau sạch, nhà đầu tư có thể phối hợp làm việc ngay. Thành phố cũng giảm bớt diện tích trồng hoa để tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp này. Đây là cơ hội chào đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh, lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế trực tuyến, thành phố sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông trong tuần tới nhằm hướng tới mục tiêu cứ 1.000 dân sẽ có 1 doanh nghiệp kể cả khởi nghiệp trong lĩnh vực này, chú trọng hình thức trực tuyến, thậm chí cả các dịch vụ công và coi đây như là cứu cánh của nền kinh tế.

Về đầu tư công, trong giai đoạn 5 năm qua, Hà Nội hiện có hơn 107.000 tỉ đồng, chiếm 10% đầu tư công của cả nước. Hà Nội đã quyết tâm tháo gỡ tất cả những vướng mắc để giải ngân gần 40.000 tỉ đồng còn tồn đọng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây là nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư tư nhân.

Đối thoại với doanh nghiệp, thành phố sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn thành phố được kích hoạt, thông suốt.

"Đầu tư công và tư nhân hiện nay là cứu cánh của thành phố," ông Vương Đình Huệ khẳng định.

Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch Covid-19, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, Hà Nội sẽ tiếp túc triển khai hiệu quả Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện 100% thủ tục hành chính qua mạng điện tử mức độ 3, đẩy mạnh đăng ký trực tuyến mức độ 4 ở tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp.

Hà Nội cũng sẽ khẩn trương xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025; thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao chất lượng; đa dang hóa các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và Thành ủy Hà Nội.

Nam Giang-Văn Cảnh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Nhiều 'đại gia' tập đoàn lớn mong giảm thuế, giãn nợ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới