Hà Nội: Sau 'lời hứa' tự tháo dỡ công trình lấn chiếm, hồ Đà Sen vẫn bị ngăn đôi
Sau lời hứa tự tháo dỡ của cá nhân, phần công trình vi phạm, lấn chiếm trái phép hồ Đà Sen vẫn chưa bị tháo dỡ....
Ngày 5/5, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục ghi nhận về tình trạng san lấp, lấn chiếm, bê tông hóa ao hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội tại hồ Đà Sen (thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Hiện lòng hồ Đà Sen bị chia làm hai phần do hoạt động san lấp, lấn chiếm trái phép gây mất cảnh quan, ảnh hưởng đến chức năng của hồ. Không những thế, cá nhân vi phạm còn xây tường bao, dựng "cầu tình yêu" lấn vào phần lòng hồ.
Trao đổi với Phóng viên, lãnh đạo xã Bình Yên khẳng định, đơn vị này đã yêu cầu cá nhân vi phạm là ông Đỗ Anh Minh nhanh chóng phá dỡ công trình vi phạm, trả lại nguyên trạng diện tích mặt hồ. Vị lãnh đạo xã nhấn mạnh, sẽ nhanh chóng xử lý vụ việc một cách triệt để theo chỉ đạo của UBND huyện.
Được biết, ông Đỗ Anh Minh đã từng cam kết với chính quyền địa phương, đến ngày 26/4 sẽ tháo dỡ hết toàn bộ công trình vi phạm. Thế nhưng, hơn 10 ngày trôi qua (kể từ thời điểm cá nhân vi phạm cam kết hoàn thành việc tháo dỡ công trình vi phạm - PV), phần công trình vi phạm, lấn chiếm lòng hồ Đà Sen vẫn còn đó.
Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường nhận được ý kiến của độc giả về tình trạng san lấp, lấn chiếm trái phép lòng hồ Đà Sen, gây ảnh hưởng đến chức năng tích nước và điều tiết nước của hồ, tác động trực tiếp đến môi trường sống của người dân.
Theo người dân thôn Hòa Lạc, hồ Đà Sen có tổng diện tích khoảng hơn 3 ha. Hồ có chức năng là hồ điều hòa nguồn nước, cải thiện môi trường sống của người dân trong thôn. Phần diện tích lấn chiếm lòng hồ nằm trên phần đất của gia đình ông Đỗ Anh Minh.
Hành động tự ý san lấp, lấn chiếm lòng hồ Đà Sen của gia đình ông Minh khiến người dân cảm thấy vô cùng bức xúc.
"Hồ Đà Sen có vị trí khá đắc địa, nằm gần quốc lộ 21, cũng vì thế mà giá đất ở đây đang ngày một tăng cao. Những miếng đất xung quanh hồ đều được chia ra theo từng lô vuông vức, còn có cả đường nhựa. Có lẽ chính vì thế mà người ta bất chấp pháp luật, tự ý lấn chiếm, san lấp lòng hồ để trục lợi. Mong rằng chính quyền sớm vào cuộc xử lý, trả lại nguyên trạng hồ Đà Sen", ông H. (46 tuổi, xã Bình Yên, Thạch Thất) cho hay.
Theo thống kê gần đây nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn Thủ đô hiện chỉ còn lại 111 hồ với tổng diện tích 1.165 ha. Nhiều diện tích ao hồ đã bị san lấp và lấn chiếm. Chỉ trong vòng hơn 30 năm, tính từ 1990 trở lại đây, tại Hà Nội đã có tới 21 hồ bị xóa sổ, hơn 150 ha diện tích mặt nước hồ "bốc hơi".
Mặc dù Thành phố Hà Nội đã đưa ra hàng loạt biện pháp quyết liệt để bảo vệ ao hồ nhưng dường như những biện pháp quyết liệt ấy không chống lại được sự cám dỗ của "cơn sốt đất".
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, những năm qua các chính sách cụ thể nhằm cải tạo và bảo vệ ao hồ vẫn chưa thực sự hiệu quả. Kết quả là nhiều ao hồ còn bị ô nhiễm, tiếp tục bị lấn chiếm. Thậm chí đến bây giờ vẫn bị lấn chiếm mà chưa có phương án để giải quyết dứt điểm.
"Phải mặc lại áo cho ao, hồ. Nói cụ thể hơn là cần phải quan tâm hơn, bảo vệ ao hồ không bị ô nhiễm, cải tạo lại tránh để nhếch nhác đến khuôn mặt của ao hồ, cũng là của chung thành phố. Bởi giá trị của ao hồ là vô cùng lớn lao đối với người dân đô thị. Ao hồ như những "lá phổi" của thành phố", ông Đăng nhấn mạnh.
Hoàng Hải - Nguyễn Cường