Chủ nhật, 24/11/2024 08:34 (GMT+7)
Thứ ba, 28/12/2021 11:00 (GMT+7)

Hà Nội sẽ 'vỡ trận' nếu không quyết liệt phòng chống dịch

Theo dõi KTMT trên

“Nếu không quyết liệt số ca bệnh tăng quá cao thì Hà Nội lâm vào tình trạng 'vỡ trận dự phòng, vỡ trận điều trị', từ đó tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng theo, rất nguy hiểm”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.

Số ca nhiễm ngày càng tăng cao

Số ca Covid-19 ở Hà Nội những ngày qua luôn dao động từ 1.700 đến gần 1.900. Toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã của thủ đô đều có dịch. Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 26/12 đến 18h ngày 27/12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.948 ca Covid-19, trong đó, có 658 ca tại cộng đồng, 1.113 ca tại khu cách ly và 177 ca tại khu phong tỏa.

Như vậy, sau 3 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 1.800 ca/ngày, hôm nay, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội đã tăng lên 1.948 ca/ngày. Trong đó, địa bàn ghi nhận số ca mắc nhiều nhất là quận Hoàng Mai với 296 ca.

Cụ thể, 1.948 ca Covid-19 ghi nhận trong 24 giờ qua được phân bố tại 335 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (296), Đống Đa (182), Thanh Trì (136), Thanh Xuân (136), Bắc Từ Liêm (120), Cầu Giấy (117), Gia Lâm (109), Ba Đình (90), Thường Tín (90).

Hà Nội sẽ 'vỡ trận' nếu không quyết liệt phòng chống dịch - Ảnh 1
Biểu đồ dịch tại Hà Nội tính đến 18h ngày 27/12. (Ảnh: Hanoimoi)

Riêng 658 ca cộng đồng ghi nhận tại 210 xã, phường thuộc 30/30 quận, huyện. Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Hoàng Mai (117), Thanh Xuân (55), Thanh Trì (54), Gia Lâm (52), Cầu Giấy (49), Long Biên (42), Ba Đình (34), Nam Từ Liêm (30), Thường Tín (26), Đống Đa (23).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29-4 đến nay) là 41.357 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 14.991 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 26.366 ca.

Chuyên gia lo sợ "vỡ trận"

Trao đổi với VTCNews, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Hà Nội vẫn đáp ứng được công tác điều trị, nhưng nếu không có các biện pháp mạnh làm giảm nguy cơ lây nhiễm, thì các ca bệnh tăng quá nhiều, gây quá tải hệ thống y tế, kéo theo tỷ lệ tử vong tăng cao.

“Hà Nội không nên nghĩ tiêm vaccine nhiều là an toàn mà không quyết liệt với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến chủ quan, buông xuôi thả lỏng. Tiêm vaccine không có nghĩa là tránh được nhiễm bệnh và tử vong. Một số người kể cả dù tiêm 2 mũi vẫn nguy cơ trở nặng, thậm chí có người tử vong dù tiêm đủ vaccine", ông Phu nói.

Hà Nội sẽ 'vỡ trận' nếu không quyết liệt phòng chống dịch - Ảnh 2
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các biện phát kiểm soát dịch hiện chưa thực sự quyết liệt. Nếu như trước đây người dân ra ngoài không tuân thủ đeo khẩu trang là bị cơ quan chức năng xử phạt ngay, nhưng giờ ra đường tình trạng tụ tập đông người vẫn diễn ra, nhiều người còn không đeo khẩu trang. Đó là chưa kể, trước thì hàng quán bắt buộc có vách ngăn chống giọt bắn mới được phép hoạt động nhưng nay hầu như các quán quên mất điều này. Cơ quan chức năng ít nhắc nhở, thiếu sự quyết liệt.

Do đó, để tránh tình hình dịch bệnh mất kiểm soát, Hà Nội nên quyết liệt hơn, qua đó tăng cường kiểm tra giám sát các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch như phạt người không đeo khẩu trang, tụ tập đông người không có lý do…

Đặc biệt, từ nay đến Tết, Hà Nội càng cần phải thắt chặt hơn nữa vì là thành phố đang có nguy cơ lây nhiễm rất cao,

“Nếu không quyết liệt số ca bệnh tăng quá cao thì Hà Nội lâm vào tình trạng “vỡ trận dự phòng, vỡ trận điều trị”, từ đó tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng theo, rất nguy hiểm”, ông Phu nói.

Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu, hiện nhiều người Hà Nội tâm lý rất chủ quan, nếu chính quyền không có động thái mạnh mẽ thì số ca bệnh sẽ tăng hơn nữa, kéo theo sự quá tải của hệ thống y tế cũng như tỷ lệ tử vong khó kiểm soát.

“Tôi thấy việc kiểm soát đang có phần hời hợt. Tại sao trước đây tụ tập đông người, không đeo khẩu trang hay ra ngoài không lý do là bị phạt ngay còn bây giờ thì không? Tôi mong người dân ngoài việc ý thức hơn thì cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp mạnh hơn nữa để siết chặt”, ông Nga nói.

Trong việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch còn yếu tố quan trọng là khai báo y tế trung thực. Thực tế, nhiều ca bệnh ở Hà Nội khi phát hiện ra mắc bệnh mới biết là không hoặc rất ít khi khai báo y tế khi di chuyển giữa các vùng, địa điểm. Cơ quan chức năng nên quy định cụ thể những trường hợp này sẽ xử lý thế nào, xử xử phạt ra sao. Thậm chí có F0 phát hiện bị bệnh mà không khai báo...

Do đó, chúng ta cần phải quyết liệt hơn nữa mới hy vọng dịch từng bước được kiểm soát.

8 quận siết chặt biện pháp phòng dịch

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, 8 quận ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ đã quyết định điều chỉnh, siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Cụ thể, không tổ chức hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Những người tham gia phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ 5K, cài đặt và quét mã QR.

Nhà hàng, quán ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về, đóng cửa trước 21h hằng ngày. Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở lưu trú hoạt động không quá 50% công suất.

Trước đó, ngày 16/12, Bộ Y tế đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện trực thuộc trường đại học, y tế Bộ, ngành, yêu cầu triển khai các biện pháp giảm nguy cơ tử vong người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó nhấn mạnh, hiện chưa ghi nhận biến Omicron tại Việt Nam, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn và cùng với các biến chủng đang lưu hành sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 ở người thuộc nhóm nguy cơ, như người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm, hạn chế tử vong là yêu cầu cấp thiết.

Về công tác tiêm chủng, đối với người trên 18 tuổi, toàn thành phố đã tiêm được 5.376.825 mũi 1; 5.191.493 mũi 2; 116.627 mũi bổ sung và 54.234 mũi nhắc lại.

Đối với người trên 50 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 98,4%, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 95,5%. Số lượng mũi bổ sung đã tiêm là 38.690 và số lượng mũi nhắc lại đã tiêm là 2.645.

Đối với trẻ từ 12 - 14 tuổi, Hà Nội đã tiêm 366.731 mũi 1 và 86.165 mũi 2.

Đối với trẻ từ 15 - 17 tuổi, Hà Nội đã tiêm 300.481 mũi 1 và 252.483 mũi 2.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội sẽ 'vỡ trận' nếu không quyết liệt phòng chống dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới