Hải Dương: Sẽ có 3 tiểu vùng cực tăng trưởng tại huyện Bình Giang
Theo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Giang (Hải Dương) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện này sẽ phát triển các tiểu vùng Sặt - Phủ - Cậy theo hướng thành 3 cực tăng trưởng.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Giang được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt vào ngày 28/6 và mới đây đã được huyện này tổ chức công bố. Theo quy hoạch, huyện Bình Giang sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía tây nam tỉnh Hải Dương và khu vực lân cận.
Phát triển 3 tiểu vùng cực tăng trưởng
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, hướng phát triển trọng tâm là xây dựng huyện Bình Giang trở thành huyện tập trung phát triển công nghiệp và đô thị, hình thành các phức hợp đô thị - công nghiệp tiên tiến, phát triển bền vững. Không gian vùng huyện Bình Giang phát triển các trung tâm cấp tiểu vùng theo 3 hướng thành các cực tăng trưởng mới, cụ thể:
Tiểu vùng phía Bắc (Sặt), gồm các đơn vị hành chính: Kẻ Sặt - Vĩnh Hưng - Vĩnh Hồng - Thúc Kháng; trong đó thị trấn Kẻ Sặt là đô thị trung tâm cấp tiểu vùng và của cả vùng. Tiểu vùng phía Nam (Phủ), gồm các đơn vị hành chính: Thái Học (Thái Minh) - Nhân Quyền - Bình Xuyên; trong đó lấy Thái Học (Thái Minh) là trung tâm. Tiểu vùng phía Đông (Cậy), gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Long Xuyên.
3 tiểu vùng này tác động tương hỗ, bổ trợ lẫn nhau tạo ra thế tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững cho sự phát triển chung của cả vùng huyện Bình Giang trong tương lai, là một phần thuộc phân vùng phát triển công nghiệp tập trung với quy mô lớn của Hải Dương.
Hình thành khu kinh tế chuyên biệt
Trong tương lai, huyện Bình Giang kết hợp với huyện Thanh Miện sẽ định hướng phát triển một vùng công nghiệp động lực của tỉnh (trong đó động lực chính là hình thành khu kinh tế chuyên biệt quy mô khoảng 5.300 ha). Tổng diện tích dự kiến của huyện Bình Giang trong khu kinh tế chuyên biệt là khoảng 1.933 ha, thuộc 8 xã: Tân Hồng, Bình Minh, Thái Học, Nhân Quyền, Cổ Bì, Thái Dương, Thái Hòa và Bình Xuyên. Trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics, đô thị và trung tâm đổi mới sáng tạo.
Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã xem xét việc xây dựng đề án thành lập và triển khai lập quy hoạch xây dựng Khu kinh tế chuyên biệt này. Theo đó, khu kinh tế chuyên biệt nằm trong hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Quảng Ninh, thuận lợi về kết nối giao thông liên vùng với các cảng biển, cảng hàng không, các tuyến cao tốc, vành đai thủ đô, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nên sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.
Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương sẽ có 7 phân khu chức năng. Trong đó hình thành 13 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.150 ha. Khu thương mại dịch vụ, logistics có diện tích 75 ha gần đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trung tâm đổi mới sáng tạo rộng khoảng 60 ha, là hạt nhân phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Khu phát triển hạ tầng công cộng có diện tích 60 ha, xây dựng các công trình giáo dục, y tế, công viên.
Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Ngoài ra, huyện Bình Giang định hướng kết hợp khu kinh tế chuyên biệt với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có, quy hoạch mới để tạo động lực phát triển của huyện nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung. Lĩnh vực phát triển công nghiệp tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics; đô thị - dịch vụ sinh thái hiện đại.
Dự báo nhu cầu sử dụng đất sản xuất công nghiệp tập trung đến năm 2030 khoảng 1.460 ha. Trong đó, các khu công nghiệp (KCN) có tổng diện tích khoảng 1.170 ha, gồm: KCN Phúc Điền mở rộng, KCN Bình Giang, KCN Bình Giang 2, KCN Bình Giang 3, KCN Bình Giang 4, KCN Bình Giang 5. Các cụm công nghiệp (CCN) gồm: CCN Hưng Thịnh, CCN Tráng Liệt, CCN Nhân Quyền, CCN Tân Hồng - Vĩnh Hồng, CCN Bình Minh - Tân Hồng, CCN Bình Giang 1.
Giai đoạn 2031-2050, huyện này tiếp tục nghiên cứu quy hoạch phát triển công nghiệp tập trung tại khu vực: Xã Tân Việt, Vĩnh Hồng, Bình Minh, Thái Học, Thái Hòa, Thúc Kháng. Dự kiến thành lập thêm một số khu công nghiệp sau khi được điều chỉnh, bổ sung thêm chỉ tiêu sử dụng đất và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Quy hoạch giảm đất nông nghiệp theo xu hướng chung
Hiện trạng đất nông nghiệp của huyện Bình Giang hiện nay là 7.253 ha. Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp của huyện giảm còn khoảng 5.428 ha; đến năm 2050 giảm còn khoảng 4.500 ha. Quy hoạch giảm diện tích đất nông nghiệp theo xu hướng chung trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu phát triển đất nước trở thành quốc gia công nghiệp, việc chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất nông nghiệp và các loại đất khác sang loại đất phi nông nghiệp, đất kinh doanh, đất ở đô thị là xu hướng tất yếu để sử dụng hiệu quả đất đai.
Trong tương lai, huyện Bình Giang phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào trong sản xuất nhằm nâng cao gia tăng giá trị và phát triển bền vững, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Huyện này quy hoạch vùng lúa quy mô khoảng 1.610 ha; vùng rau 140 ha; vùng cây ăn quả 215 ha. Quy hoạch vùng chăn nuôi khoảng 60ha; vùng nuôi trồng thủy sản giữ ổn định ở mức 830 ha.
Theo mục tiêu ban đầu, từ năm 2021, huyện Bình Giang đã xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch đô thị theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương; tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan về phương án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Giang đến năm 2040. Theo đó, Bình Giang phấn đấu thành thị xã. Tuy nhiên, ngày 26/10/2023, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc chưa lập quy hoạch chung đô thị Bình Giang do chưa bảo đảm các điều kiện về pháp lý và tiêu chuẩn đô thị theo quy định.
Do vậy, ngày 31/10/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản đã giao UBND huyện Bình Giang tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Giang, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Việc tổ chức lập quy hoạch chung đô thị Bình Giang, lập chương trình phát triển đô thị và đề án phân loại nâng cấp huyện Bình Giang lên đô thị loại IV sẽ được đề xuất, thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Sông Hồng