Hải Dương là một trong những "vựa" rau vụ đông lớn nhất miền Bắc
Hải Dương có sản lượng rau vụ đông lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán của người dân trong tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Huyện Gia Lộc (Hải Dương) là địa phương có diện tích cây vụ đông khá lớn và giữ ổn định hằng năm khoảng 2.935 ha, chiếm gần 14% diện tích cây vụ đông toàn tỉnh, tập trung ở các xã Hoàng Diệu, Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Phạm Trấn, Lê Lợi. Đây cũng là thủ phủ trồng cải bắp, su hào, su lơ với 1.873 ha, chiếm 41,5% diện tích nhóm rau này của cả tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Du, Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu cho biết, vụ đông năm nay, xã trồng 2 lứa cải bắp với tổng diện tích 230 ha, trong đó có hơn 24 ha trồng theo mô hình VietGAP, năng suất đạt 1,2-1,3 tấn/sào, bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 11/2023 đến hết tháng 3/2024.
"Cải bắp của xã Hoàng Diệu tiêu thụ khá thuận lợi, trồng bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Chúng tôi rất vui mừng khi sản phẩm này vừa được công nhận OCOP 3 sao", ông Du nói.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương), đến ngày 30/12/2023, toàn tỉnh đã gieo trồng được 22.238 ha cây vụ đông, vượt 5,9% kế hoạch. Tổng sản lượng rau vụ đông dự kiến đạt khoảng 500.000 tấn, đến nay đã thu hoạch được hơn 210.000 tấn, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân trong tỉnh (chiếm khoảng 36%), còn lại cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, nhu cầu của người dân trong tỉnh từ nay đến Tết và sau Tết khoảng 100.000 tấn rau.
Những cây trồng chủ lực của vụ đông như hành tỏi, cà rốt có diện tích lớn, sản lượng cao, thu hoạch tập trung từ tháng 1 đến hết tháng 2/2024, nhưng chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nhu cầu sử dụng trong tỉnh rất ít, chỉ chiếm 5-7% sản lượng.
Trong khi đó, một số loại rau có nhu cầu sử dụng cao trong tỉnh, chiếm khoảng 40-50% sản lượng như dưa, bí và rau ăn lá, rau gia vị, đến nay cũng thu hoạch được khoảng 45-60%, còn lại tiếp tục thu hoạch từ nay đến hết tháng 3/2024.
Là địa phương có truyền thống trồng hành tỏi sớm, ông Mạc Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách cho biết vụ đông năm nay, huyện trồng 1.800 ha hành, đến nay đã thu hoạch được khoảng 70% diện tích. Giá cả khá ổn định, hiện mỗi sào hành thương lái mua tại ruộng từ 12-14 triệu đồng, người trồng lãi 8-10 triệu đồng/sào.
Nhiều hộ dân cũng lựa chọn diện tích, thời gian xuống giống gieo trồng cây vụ đông để cho thu hoạch đúng thời điểm áp Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Văn Phương ở thôn Phạm Xá, xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) mới bán hết 1,5 mẫu su lơ với giá 6-7 triệu đồng/sào, lãi 5 triệu đồng/sào. Ông Phương đang tích cực chăm sóc 5 sào su lơ còn lại để bán vào đúng dịp Tết, mong sẽ được giá hơn.
Đồng quan điểm năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất cây trồng cao, giá cả ổn định, ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cho biết sản phẩm của hợp tác xã được trồng theo quy trình sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ yếu cung cấp cho hệ thống siêu thị Big C và các chợ đầu mối nên giá bán cao hơn so với rau của các hộ dân khác. Hiện cải bắp của hợp tác xã bán giá 7-8 triệu đồng/sào, su hào 6-7 triệu đồng/sào, su lơ 6-7 triệu đồng/sào, thấp hơn đầu vụ 1-2 triệu đồng/sào; dưa chuột 17.000 đồng/kg, cà chua 10.000 đồng/kg... "Vào dịp Tết, giá rau sẽ đắt hơn ngày thường từ 15-20%. Nếu có rét đậm, rau Tết có thể tăng mạnh khoảng 50-60%", ông Thư nhận định.
Để rau vụ đông của tỉnh tiêu thụ thuận lợi có phần đóng góp tích cực của các cơ sở sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Hợp tác xã Hoàng Nam Phát ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) là một ví dụ. Ngoài trồng khoảng 300 ha cải bắp, su hào, su lơ, bầu bí... sản lượng ước đạt 10.000 tấn, hợp tác xã còn thu mua từ bên ngoài để tiêu thụ hơn 10.000 tấn.
Huy Tưởng