Chủ nhật, 24/11/2024 05:58 (GMT+7)
Thứ ba, 25/06/2024 09:19 (GMT+7)

Hải Phòng: “Đất tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày

Theo dõi KTMT trên

Người dân ở thôn La Cầu và Cổ Duy, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng vô cùng bức xúc về việc một nhóm người ngang nhiên đào bới, múc trộm đất nông nghiệp giữa ban ngày. Điều này xâm hại đến tài nguyên đất, ảnh hưởng tới phát triển bền vững.

Những ngày qua, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường nhận được thông tin của người dân ở thôn La Cầu và thôn Cổ Duy, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng cung cấp về việc có nhiều phương tiện chuyên dụng như xe máy xúc, xe tải ben đang có hành vi khai thác trái phép đất ruộng. Theo đó, các xe chở đất không dùng bạt che chắn, nối đuôi nhau chạy trên đường làm ảnh hưởng đến người dân và các phương tiện khác khi tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là ảnh hưởng đến môi trường.

Hải Phòng: “Đất tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày - Ảnh 1
Vị trí khai thác đất ruộng cánh đồng Rộc Rồi thôn Cổ Duy, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng.

Nhận được thông tin, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã kịp thời có mặt tại hiện trường. Theo ghi nhận thực tế, giữa ban ngày có một nhóm người đang sử dụng máy xúc để đào bới, múc lớp đất ở bề mặt ruộng tại cánh đồng thuộc thôn Cổ Duy. Sau đó hàng chục xe tải ben chở đất, nối đuôi nhau chạy rầm rập từ cánh đồng thôn Cổ Duy qua trục đường thôn La Cầu đi thẳng lên đê.

Hải Phòng: “Đất tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày - Ảnh 2
Xe không phủ bạt chạy tung hoành trên tuyến đê thuộc xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng.

Tuyến đường từ hiện trường múc đất ruộng đi qua thôn La Cầu rất hẹp, phương tiện lưu thông đông khiến cho tình trạng giao thông tại đây trở nên lộn xộn, nguy cơ mất an toàn. Hơn nữa, các xe tải ben chở đất không dùng bạt che chắn, làm rơi vãi đất trên đường gây cản trở giao thông và bụi bẩn, ô nhiễm. Xe chạy liên tục khiến cho người dân ở địa phương này vô cùng bức xúc mỗi khi phải di chuyển qua tuyến đường.

Hải Phòng: “Đất tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày - Ảnh 3
Khu bãi tập kết đất san lấp được lấy từ đất ruộng ở thôn Cổ Duy.

Đối với người nông dân, ruộng đồng chính là nguồn sống, nguồn thu nhập chính thông qua việc canh tác trồng lúa hoặc cây rau màu. “Đất tặc” ngang nhiên múc trộm lớp đất màu mỡ bên trên làm phá hủy chất lượng đất, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn dinh dưỡng nuôi cây trồng và sản lượng thu hoạch.

Nhận được thông tin từ phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Đoàn Văn Hậu, Chủ tịch xã Quyết Tiến lập tức chỉ đạo cán bộ xã xuống địa bàn kiểm tra, rà soát. Khi xuống địa bàn, cán bộ UBND xã bắt quả tang nhóm người đang khai thác và vận chuyển đất trái phép tại khu đồng Rộc Rồi, thôn Cổ Duy đi nơi khác. Hành vi đào bới, khai thác đất trái phép đã được UBND xã Quyết Tiến ngăn chặn, lập biên bản tại chỗ.

Hải Phòng: “Đất tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày - Ảnh 4
Biên bản được cán bộ UBND xã Quyết tiến lập ngày 18/6/2024 đối với ông Đặng Văn Phong cư trú tại thôn La Cầu, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng.

Theo biên bản được UBND xã Quyết tiến lập ngày 18/6/2024, người đứng ra sử dụng, thuê các phương tiện khai thác và vận chuyển đất là ông Đặng Văn Phong trú tại thôn La Cầu, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng. Trong nội dung biên bản, ông Đặng Văn Phong thừa nhận việc khai thác đất tại cánh đồng Rộc Rồi (khu đất nông nghiệp) nhằm mục đích vận chuyển cho nhà ông Nguyễn Văn Việt để san lấp ao.

Việc làm của ông Đặng Văn Phong là trái với quy định của pháp luật. UBND xã Quyết Tiến yêu cầu ông Đặng Văn Phong phải dừng ngay hành vi khai thác, vận chuyển đất nông nghiệp, nếu cố tình vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Chính quyền địa phương cũng yêu cầu ông Đặng Văn Phong phải hoàn trả khối lượng đất đã khai thác, thời hạn khắc phục xong trước ngày 2/7/2024.

Hải Phòng: “Đất tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày - Ảnh 5
Khu bãi tập kết đất san lấp ao của ông Nguyễn Văn Việt.

Đối với hành vi vận chuyển đất không che chắn, chở quá tải gây rơi vãi bụi bẩn và ô nhiễm môi trường, Công an huyện Tiên Lãng cũng lập tức chỉ đạo đội Cảnh sát giao thông và các đội nghiệp vụ trực tiếp xuống địa bàn, kịp thời lập biên bản và xử lý. Cụ thể, Công an huyện đã giữ phương tiện xe tải ben mang biển kiểm soát 16L 9663 do ông Nguyễn Văn Tăng (sinh năm 1982) trú tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng sử dụng, và xe tải ben mang biển kiểm soát 16M 0647 do ông Nguyễn Văn Lăng (sinh năm 1982) cùng trú tại xã Quyết Tiến là người sử dụng.

Đến sáng ngày 19/6/2024, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục ghi nhận trên tuyến đê thuộc địa phận xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng có 3 xe tải ben và 1 máy xúc đang múc đất, vận chuyển đất sang địa phận huyện An Lão để bán kiếm lời. Khi chạy qua cầu Khuể thuộc địa phận huyện An Lão, đoàn xe phát hiện thấy PV thì đồng loạt dừng lại không di chuyển. PV tiếp tục quay lại địa điểm múc đất thì máy xúc và các phương tiện đã không còn ở hiện trường. Qua tìm hiểu được biết, khu đất này nằm trong khu trang trại gà thuộc quản lý của người dân tên Trọng.

Hải Phòng: “Đất tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày - Ảnh 6
Hải Phòng: “Đất tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày - Ảnh 7
Hải Phòng: “Đất tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày - Ảnh 8
Khi đoàn xe chạy qua cầu Khuể thuộc địa phận huyện An Lão phát hiện thấy Phóng viên thì các xe đồng loạt dừng lại không di chuyển nữa.

Mặc dù đã siết chặt quản lý và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, tuy nhiên tình trạng múc trộm đất nông nghiệp vẫn đang là vấn đề nhức nhối tại huyện Tiên Lãng. Trước đây, “đất tặc” cũng ngang nhiên lộng hành ở nhiều khu đất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Thủy Nguyên, An Dương của TP.Hải Phòng.

Hải Phòng: “Đất tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày - Ảnh 9
Khu đất thuộc trang trại gà của ông Trọng được một nhóm người đang xúc đất vận chuyển đi nơi khác.

Qua sự việc trên, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp khai thác trái phép đất nông nghiệp. Các biện pháp xử lý cần mạnh tay hơn để tăng tính răn đe và chấm dứt vi phạm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật cho người dân hiểu rõ quy định về khai thác, bảo vệ đất nông nghiệp.

Khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi làm biến dạng địa hình hoặc suy giảm chất lượng đất có hình thức và mức xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.

- Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục cung cấp thông tin!

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: “Đất tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới