Chủ nhật, 24/11/2024 06:06 (GMT+7)
Thứ ba, 10/03/2020 09:22 (GMT+7)

Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng: 'Giải cứu' miền Tây thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Người dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn nước khi tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra vô cùng phức tạp như hiện nay.

Như đã đưa tin, tính đến ngày 4/3, đã có 5 tỉnh miền Tây gồm Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình huống khẩn cấp về hạn, xâm nhập mặn.

Tại Cà Mau, toàn tỉnh có hơn 21.000 hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng; hơn 19.000 ha lúa đông xuân đứng trước nguy cơ thất trắng; hơn 43.000 ha rừng ở U Minh Hạ đang khô hạn ở cấp độ 3 và 4, nguy cơ cháy rừng rất lớn.

Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng: 'Giải cứu' miền Tây thế nào? - Ảnh 1
Người phụ nữ nhổ cỏ cho bò ăn trên cánh đồng khô nứt nẻ. (Ảnh: VnExpress)

Ở Bến Tre, do mặn đến sớm, cường độ cao và xâm nhập quá nhanh, quá sâu vào nội đồng nên hiện nay độ mặn 2‰ đã bao phủ hầu hết địa bàn. Hơn 5.000 ha lúa gần như thất trắng, hơn 20.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay toàn miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử 4 năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 600.000 người miền Tây thiếu nước sinh hoạt; 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng; 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tình trạng hạn hán, thiếu nước năm nay xảy ra trên diện rất rộng, trải dài từ Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long và có diễn biến vô cùng phức tạp.

Không chỉ riêng các tỉnh miền Tây, lượng mưa cũng như lượng dòng chảy trên các sông, suối phạm vi cả nước rất thấp so với trung bình nhiều năm. Nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn là không nhiều. Riêng hồ thủy điện Hòa Bình với dung tích hữu ích hơn 6 tỉ m3 đã ghi nhận mực nước thấp kỷ lục trong suốt gần 30 năm vận hành.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước nhấn mạnh đến vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với những dự báo trước đó.

"Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và nhiều hiện tượng cực đoan như thiên tai, lũ lụt khác trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay.

Tác động rõ nét nhất của biến đổi khí hậu là làm sông, suối bị thay đổi chế độ dòng chảy; gia tăng tình trạng lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở bờ sông, suối ở nhiều địa phương trên cả nước.

Đặc biệt, hệ quả của nó là kéo theo tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân ở nhiều địa phương như chúng ta đã thấy trong thời gian qua", Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho hay.

Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng: 'Giải cứu' miền Tây thế nào? - Ảnh 2
Ruộng lúa của người dân chết khô do hạn hán, xâm nhập mặn tại Bến Tre. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn và ứng phó với tình trạng hạn mặn, ông Châu Trần Vĩnh cho biết, mặc dù tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long được coi ở mức nghiêm trọng như năm 2016, nhưng nhờ các công tác dự báo, cảnh báo sớm nên mức độ thiệt hại đã được giảm thiểu đáng kể.

"Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước, như hồ Cửa Đạt (sông Mã), Bình Điền (sông Hương), A Vương (Vu Gia - Thu Bồn), Ka Nak (Ba), Sê San 4 (Sê San), Đại Ninh (Đồng Nai)… Chúng tôi đã trình lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản phối hợp, chỉ đạo điều hành các hồ chứa. Các hồ chứa này do vẫn thiếu hụt nên phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp để bảo đảm đủ nước cấp cho từ 5-7 tháng còn lại của mùa cạn", ông Vĩnh nói.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh nhằm cân bằng các nguồn nước, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước nước một cách hợp lý theo không gian, thời gian. Đặc biệt là quy định các phương án phân bổ nguồn nước trong trường hạn hán, thiếu nước cho các mục đích sử dụng nhất là đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.

Song, Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay để có thể đẩy lùi, giảm tác động của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đó chính là thay đổi nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, các tổ chức… về việc bảo vệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Ngày 8/3, trong buổi làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất và giao Bộ Tài chính chi 350 tỉ đồng chia đều cho 5 tỉnh đã công bố thiên tai xâm nhập mặn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương bị ảnh hưởng bởi hạn mặn phải sử dụng số tiền này đúng mục đích vào các việc như bơm nước, nạo vét đắp đập tạm, đào ao, kéo dài đường ống, thiết bị chở nước và hỗ trợ người dân.

Nguyễn Phượng

Bạn đang đọc bài viết Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng: 'Giải cứu' miền Tây thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới