Chủ nhật, 24/11/2024 09:54 (GMT+7)
Chủ nhật, 15/03/2020 06:30 (GMT+7)

Hạn mặn khốc liệt, 96.000 hộ dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt

Theo dõi KTMT trên

Theo thống kê sơ bộ có gần 96 nghìn hộ dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước sinh hoạt và canh tác do ảnh hưởng của hạn mặn khốc liệt.

Hạn mặn khốc liệt, 96.000 hộ dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 1
Hạn mặn nứt nẻ đất ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Tiền Phong)

Ngày 14/3, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt. Trong đó, tại Sóc Trăng có 24.400 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bến Tre 20.000 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ, Long An 7.900 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ.

Kết quả quan trắc cho thấy, trong tuần qua, tại hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục không có mưa. Mực nước sông Mê Kông chưa được cải thiện đáng kể, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Do thiếu hụt nguồn nước, đến nay, đã có 39.000ha lúa bị thiệt hại. Trong đó, diện tích lúa vụ Mùa 2019 khoảng 16.000ha, diện tích lúa vụ Đông Xuân 2019 – 2020 khoảng 23.000ha, chiếm 1,2% tổng diện tích gieo trồng.

Hạn mặn khốc liệt, 96.000 hộ dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 2
Người dân Thành phố Bến Tre phải đi "xin" từng thùng nước ngọt. (Ảnh: VOV)

Bến Tre là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, xâm nhập mặn bao phủ toàn bộ phạm vi của địa phương, trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh.

Trả lời báo Tiền Phong, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hạn mặn năm nay diễn biến gay gắt và khốc liệt hơn năm 2015 - 2016. Đồng thời độ mặn trên các con sông ở mức rất cao, có lúc lên đến 30‰, nhanh và sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 2 tháng. Hiện nay, trên các tuyến sông nhánh, nội đồng, kể cả các đập tạm trữ nước đều bị nhiễm mặn ở toàn tỉnh. Chưa kể, nước từ các nhà máy cấp nước phục vụ dân cũng bị nhiễm mặn từ 5 - 7‰.

Dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó như trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đưa công trình thủy lợi, đập tạm... vào vận hành nhưng vẫn không tránh khỏi thiệt hại. Đến nay toàn tỉnh có hơn 5.000 ha lúa bị thiệt hại trên 70%, khả năng mất trắng rất cao. Nếu hạn mặn tiếp tục kéo dài và thiếu nước ngọt thì nguy cơ thiệt hại trên diện rộng là rất lớn, gồm: khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, năm nay, mặc dù phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015 – 2016 nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt thấp hơn 114.000 hộ, giảm 54% so với năm 2015 – 2016 (có 210.000 hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt).

Hạn mặn khốc liệt, 96.000 hộ dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 3
Mặc dù lòng kênh đã được vét để tận dụng lấy nước, nhưng mực nước vẫn xuống thấp, gây khó khăn cho việc bơm tát chống hạn. (Ảnh: TTXVN)
Hạn mặn khốc liệt, 96.000 hộ dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 4Những tấm lòng thơm thảo trong cơn hạn mặn khốc liệt ở Bến Tre

Theo Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam, hiện nay (từ 7 - 15/3) chiều sâu mặn xâm nhập với ranh 4g/l tại sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) phạm vi ảnh hưởng từ 100 - 110 km, sâu hơn gần 10 km so với tháng 2/2020. Cửa sông Cửu Long (Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại) ảnh hưởng khoảng 60 km; sông Hàm Luông khoảng 78 km; sông Cái Lớn phạm vi ảnh hưởng khoảng 65 km.

Viện này dự báo, từ sau ngày 16/3 đến ngày 6/4, mặn ở ĐBSCL sẽ giảm dần. Phạm vi cách biển từ 35-45 km trở vào ở cửa sông Cửu Long có khả năng xuất hiện nước ngọt khi triều thấp, chân triều, thuận lợi cho việc lấy nước. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường quan trắc và tập trung tối đa phương tiện để lấy nước ngọt trong thời gian này.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 3 đến ngày 6/4, trên sông Hàm Luông, Cửa Đại, Cửa Tiểu mặn vẫn còn khá cao.

Hạn mặn khốc liệt, 96.000 hộ dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 5
Nhiều vườn cây sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang khô héo vì thiếu nước ngọt. (Ảnh: VOV)

Dự báo dòng chảy tháng 4 từ thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL có khả năng vẫn ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn có khả năng rất nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là ở khu vực cửa sông Cửu Long từ ngày 8/4 đến ngày 15/4.

Cụ thể, chiều sâu mặn xâm nhập lớn nhất với ranh mặn 4 g/l, trong thời gian này ở các cửa sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 95-105 km; sông Cửu Long (sông cửa Tiểu, cửa Đại) khoảng 50-55 km; trên sông Hàm Luông 70-75 km; sông Cổ Chiên khoảng 50-55 km; sông Hậu khoảng 45-50 km. Trên sông Cái Lớn, mặn biến động nhanh, dự báo phạm vi ảnh hưởng trong tháng 4 khoảng 60-65 km.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Hạn mặn khốc liệt, 96.000 hộ dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới