Chủ nhật, 24/11/2024 07:52 (GMT+7)
Thứ năm, 16/02/2023 14:48 (GMT+7)

Hạn trả trái phiếu đang "đè nặng" lên nhiều doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Năm 2023 được coi là năm đỉnh của trái phiếu doanh nghiệp khi có gần 300.000 tỷ đồng trái phiếu đến kỳ đáo hạn.

Gần 300.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) trong năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước. Bên cạnh đó, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 247.976 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2021. Như vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua đạt 258.575 tỷ đồng.

Đứng đầu về giá trị trái phiếu phát hành vẫn là nhóm ngân hàng với 136.772 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm.

Hạn trả trái phiếu đang "đè nặng" lên nhiều doanh nghiệp - Ảnh 1
Gần 300.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023.

Vị trí thứ 2 là nhóm bất động sản với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%. Tuy nhiên, so với 214.000 tỷ đồng năm 2021 thì lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành sụt giảm gần 76%. Trong năm qua, các doanh nghiệp đã mua lại 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021.

Cũng theo VBMA năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Riêng tháng đầu năm, có khoảng 17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn; trong đó, 10.500 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp và 5.900 tỷ đồng trái phiếu xây dựng, chiếm 34%.

Gánh nặng khó trả

Theo dự báo của nhóm phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới đây, NHNN sẽ thực hiện nới room tín dụng cho hệ thống ngân hàng để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022.

KBSV đánh giá động thái này phần nào sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản theo hai hướng. Thứ nhất, các doanh nghiệp có nguồn tiền mới để vay đảo phần nợ trái phiếu đến hạn.

Tuy nhiên phương án này chỉ áp dụng được đối với các doanh nghiệp có dự án mới và còn tài sản đảm bảo chất lượng tốt. Thứ hai, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào các tháng cuối năm khi dòng tín dụng được khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho, có thêm nguồn tiền để trả nợ.

Song, nhóm phân tích cho rằng, với diễn biến lạm phát diễn ra căng thẳng, động thái tăng lãi suất đang trở nên phổ biến ở các quốc gia trên thế giới và Việt Nam dự kiến khó tránh khỏi xu hướng chung để giảm bớt áp lực về tỷ giá. Lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vốn đầu tư bất động sản của doanh nghiệp cũng như cá nhân trong năm 2023 khiến khả năng hấp thụ của thị trường giảm sút, trong khi lượng hàng tồn kho tích lũy còn rất lớn sau giai đoạn vừa qua.

Cũng cho ý kiến về áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp trong năm nay, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định: "Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm nay và năm tới là rất lớn."

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, để thanh toán trái phiếu đến hạn, các nhà phát hành có nhiều phương cách khác nhau như doanh nghiệp có dòng tiền, có lợi nhuận để thanh toán cho trái chủ. Nếu không có, họ có thể bán tài sản như bất động sản hoặc những tài sản khác để tạo ra dòng tiền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể đàm phán với các trái chủ để gia hạn trái phiếu của mình hoặc đàm phán để chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành.

"Nếu tất cả những phương cách trên đều không khả thi, cuối cùng các nhà phát hành có quyền ra toà mở thủ tục phá sản, đây là cách cuối cùng và rất nguy hiểm cho nền kinh tế Việt Nam. Vì nếu một nhà phát hành tuyên bố phá sản có thể sẽ kéo theo nhiều nhà phát hành khác", TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Riêng đối với trái phiếu nhóm doanh nghiệp bất động sản, theo chuyên gia, tại thời điểm hiện tại, những phương cách này hầu như không khả thi.

"Dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản chỉ có thể tạo ra nếu bán được sản phẩm, họ vay tiền hoặc phát hành trái phiếu để có tiền, sau đó hoàn thành những dự án và bán sản phẩm để có dòng tiền trở lại để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường bất động sản hiện tại hầu như không có chuyển động nào lớn, thị trường trái phiếu cũng đóng băng.

Dẫn đến các nhà kinh doanh bất động sản, các tổ chức phát hành trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản hầu như không có tiền để hoàn thành dự án dẫn đến việc không có sản phẩm bán ra, không có sản phẩm bán cũng không tạo ra dòng tiền để thanh toán cho các trái chủ", TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Hạn trả trái phiếu đang "đè nặng" lên nhiều doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới