Chủ nhật, 24/11/2024 07:56 (GMT+7)
Thứ năm, 30/05/2019 14:11 (GMT+7)

Hành khách bị chậm, huỷ chuyến bay sẽ được bồi thường như thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Bộ Giao thông Vận tải quy định 4 mức bồi thường chậm, hủy chuyến đối với chuyến bay trong nước và quốc tế, căn cứ vào độ dài đường bay.

Chuyến bay mang số hiệu VN31 của Vietnam Airlines từ TP HCM đi Frankfurt (Đức) chở 215 khách dự kiến khởi hành lúc 22h30 ngày 28/5, nhưng 30 phút sau mới cất cánh chỉ vì một hành khách nối chuyến. Vị khách khiến 200 người khác phải chờ có tên Do Truong Minh. Ngay lập tức, xuất hiện nhiều tin đồn đây là ông Đỗ Trường Minh - Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt.

Sáng 30/5, trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt đã phủ nhận hoàn toàn thông tin trên và cho rằng, Tổng giám đốc Đỗ Trường Minh không phải là hành khách trên chuyến bay VN31.

Hành khách bị chậm, huỷ chuyến bay sẽ được bồi thường như thế nào? - Ảnh 1
Hành khách vật vã tại sân bay Tân Sơn Nhất do bị chậm, hủy chuyển. Ảnh: Zing

Vậy những hành khách bị chậm, huỷ chuyến bay có được đến bù? Theo Thông tư 27/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 (quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không) và Thông tư 14/2015 (quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không), hãng bay phải thông báo cho hành khách khi chuyến bay bị chậm 15 phút trở lên.

Nội dung thông báo gồm lý do chậm chuyến; thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế; kế hoạch phục vụ hành khách; bộ phận trợ giúp hành khách. Đồng thời, hãng vận chuyển phải xin lỗi hành khách vì chậm, hủy chuyến.

Hãng hàng không bán vé phải phục vụ ăn uống cho hành khách trong tùy theo thời gian chậm, hủy chuyến. Cụ thể, chậm từ 2 giờ phải phục vụ nước uống; từ 3 giờ trở lên phải phục vụ ăn; từ 6 giờ trở lên (đối với chuyến bay từ 7 giờ đến trước 22 giờ) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của sân bay.

Trong trường hợp chậm trên 6 giờ vào ban đêm (từ 22 giờ hôm trước đến trước 7 giờ hôm sau), hãng phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách; đồng thời có trách nhiệm chuyển đổi chuyến bay trong phạm vi cung cấp dịch vụ của mình, để hành khách tới được điểm cuối một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất…

Bộ GTVT cũng quy định 4 mức bồi thường đối với chuyến bay trong nước và 4 mức đối với chuyến bay quốc tế, căn cứ vào độ dài đường bay. Cụ thể, mức bồi thường hủy, chậm chuyến kéo dài đối với đường bay trong nước là từ 200.000 đồng/người/đường bay dưới 1.000 km đến 400.000 đồng/người/đường bay từ 1.000 km. Đối với đường bay quốc tế, mức bồi thường từ 25 USD/người/đường bay dưới 1.000 km đến 150 USD/người/đường bay trên 5.000 km. Việc bồi thường được thực hiện bằng tiền mặt, vé miễn cước hoặc chuyển khoản cho hành khách.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hủy, chậm chuyến bay, từ các lý do thời tiết, kỹ thuật, chất lượng dịch vụ hàng không, các vấn đề về hành khách... Và dĩ nhiên, hành khách phải chịu thiệt thòi trước tiên. Các quy định trách nhiệm bồi thường chưa đủ mức răn đe để các hãng hàng không phải có trách nhiệm chăm lo thương hiệu của mình tốt hơn.

Xuân Đoàn

Bạn đang đọc bài viết Hành khách bị chậm, huỷ chuyến bay sẽ được bồi thường như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới