Chủ nhật, 24/11/2024 11:01 (GMT+7)
Thứ ba, 07/05/2019 12:18 (GMT+7)

Hào phóng “bơm” vốn cho FLC, ngân hàng có nắm “than hồng”?

Theo dõi KTMT trên

Những khoản tín dụng nghìn tỷ

Mặc dù lợi nhuận vài năm qua sụt giảm mạnh, Tập đoàn FLC (mã: FLC) vẫn được nhiều ngân hàng cấp tín dụng lớn để đầu tư các bất động sản. Một số ngân hàng còn nhận thế chấp bằng cổ phiếu FLC, ROS… dù thị giá 2 mã này luôn biến động thất thường, giảm rất mạnh thời gian qua.
Hào phóng “bơm” vốn cho FLC, ngân hàng có nắm “than hồng”? - Ảnh 1
Tập đoàn FLC vay được gần 5.200 tỷ đồng từ 12 ngân hàng để đầu tư nhiều dự án bất động sản. Ảnh: Dự án nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn

Năm 2014, Tập đoàn FLC nổi lên với nhiều dự án bất động sản lớn như FLC Sầm Sơn, dự án FLC Đại Mỗ, FLC 36 Phạm Hùng, FLC Quy Nhơn… với tổng mức đầu tư cỡ 20 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong năm 2014, vốn điều lệ của Tập đoàn FLC đã tăng từ 771,8 tỷ đồng, lên gấp 4 lần chạm mốc 3.149 tỷ đồng thông qua các đợt phát hành cổ phiếu ồ ạt. Hiện, FLC có mức vốn 7.100 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng 5 năm.

Dù liên tục tăng vốn điều lệ, Tập đoàn FLC vẫn cần huy động vốn vay ngân hàng để phát triển hàng loạt dự án bất động sản lớn. Đến năm 2014, nợ vay ngân hàng của Tập đoàn FLC còn rất khiêm tốn, khoản vay lớn nhất cũng chỉ là 42 tỷ đồng (vay mua máy bay)…

Các dự án của FLC khi ấy chỉ trông chờ vào nguồn vốn chủ sở hữu, tiền bán nhà và vốn vay từ hai công ty “thân hữu” là CTCP Đầu tư tài chính và quản lý tài sản RTS cho vay 500 tỷ đồng, Công ty TNHH R.O.R Việt Nam cho vay 300 tỷ đồng. Đây là hai khoản vay dưới dạng trái phiếu chuyển đổi để phục vụ dự án KCN Tam Dương Vĩnh Phúc và dự án FLC Garden City Đại Mỗ, bổ sung vốn lưu động. Hai pháp nhân này cũng đã mua khối lượng lớn cổ phiếu FLC trong giai đoạn tăng vốn “thần tốc” về sau này.

Ngân hàng đầu tiên đồng ý cấp vốn lớn cho FLC là Vietinbank theo một thoả thuận hợp tác toàn diện kí giữa năm 2014. Từ đây, vốn ngân hàng bất ngờ “chảy” mạnh vào Tập đoàn FLC với dư nợ cuối năm 2015 lên tới 1.402 tỷ đồng. Trong đó, Vietinbank – Chi nhánh Thanh Hoá cho vay 645,6 tỷ đồng, BIDV cho vay 287 tỷ đồng, Phương Đông cho vay 135,5 tỷ đồng. FLC đã thế chấp cho ngân hàng toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có của các dự án đầu tư, gồm: dự án FLC Sầm Sơn, dự án Quy Nhơn, dự án tháp trụ sở 265 Cầu Giấy, Hà Nội.. để đảm bảo nợ vay.

Quy mô nợ vay ngân hàng của FLC đến cuối tháng 3/2019, đã vượt hơn 5.193 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng nợ phải trả và chiếm tới 1/4 tổng tài sản của tập đoàn.

Hào phóng “bơm” vốn cho FLC, ngân hàng có nắm “than hồng”? - Ảnh 2
Quy mô nợ phải trả của Tập đoàn FLC tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm qua, lên tới 17.504 tỷ đồng

Nguồn vốn vay được “bơm” từ 12 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cấp vốn cho nhóm công ty của FLC. Đơn cử, dư nợ tại BIDV là 1.752 tỷ đồng, Ngân hàng Quốc Dân- NCB (789 tỷ đồng), Phương Đông –OCB (dư nợ 584 tỷ đồng và 280 tỷ đồng trái phiếu), PVcombank (562 tỷ đồng), SHB dư nợ trái phiếu 367 tỷ đồng…

Ngoài ra, FLC còn được Credit Suisse AG (Singapore) cho vay với dư nợ cuối kỳ 697 tỷ đồng và vay 120 tỷ đồng từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Tập đoàn FLC hiện đối mặt với gánh nặng nợ “khủng” lên tới 17.504 tỷ đồng tính đến cuối tháng 3/2019, trong đó hơn 80,2% là nợ ngắn hạn, đòi hỏi khả năng xoay sở vốn trả nợ. Điều đáng ngại là lợi nhuận của FLC liên tục đi xuống vài năm qua, khi năm 2018 chỉ lãi ròng 400 tỷ đồng và lãi quý 1/2019 chỉ vỏn vẹn… 8 tỷ đồng.

Rủi ro nợ xấu lớn

Trong quá khứ, vốn ngân hàng đã “chảy” mạnh vào các dự án bất động sản, thị trường suy thoái khiến nhiều khoản vay đã trở thành nợ xấu, ngân hàng lao đao vì bị thiệt hại mất vốn, khó xử lý tài sản thế chấp… Do đó, vài năm gần đây các ngân hàng đã siết chặt tín dụng bất động sản, theo đó điều kiện cho vay cũng ngặt nghèo hơn, nhất là yêu cầu về nguồn thu trả nợ khả thi và tài sản bảo đảm “sạch”.

Đối với nhóm khách hàng lớn, lượng vốn cho vay cũng bị khống chế ở mức giới hạn nhất định tính trên vốn tự có của ngân hàng và được thẩm định, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nợ kèm trích lập dự phòng rủi ro…

Đặc biệt là khách hàng có dư nợ lớn gần 5.200 tỷ đồng như Tập đoàn FLC, các ngân hàng sẽ có chế độ giám sát chặt chẽ để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, kiểm soát nguồn thu trả nợ, liên tục đánh giá sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp cũng như kết quả lỗ/lãi định kỳ… Hạn mức cho vay, phân loại chất lượng nợ, nhận thế chấp và định giá các tài sản bảo đảm phải tuân thủ đúng các quy định của ngân hàng và Luật các TCTD.

Các báo cáo tài chính gần đây của FLC cho thấy, các ngân hàng đã nhận thế chấp nhiều dự án bất động sản của nhóm công ty FLC, quyền đòi nợ, tài sản, cổ phiếu… Đáng chú ý, các tài sản đảm bảo là cổ phiếu FLC và ROS đã bị giảm giá mạnh thời gian qua, tiềm ẩn rủi ro cho nợ vay.

Vào năm 2017, hai ngân hàng NCB và HDBank đã duyệt cho vay, nhận thế chấp bằng 6,1 triệu cổ phiếu ROS- CTCP Xây dựng FLC Faros – bên liên quan mà ông Trịnh Văn Quyết giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và là cổ đông lớn nhất.

Ngân hàng NCB đã duyệt hạn mức tín dụng 500 tỷ đồng cho Tập đoàn FLC thông qua 2 hợp đồng tín dụng. Khoản vay thứ 1 dùng có hạn mức 300 tỷ đồng, cho vay để trả tiền thuế đất của dự án FLC Garden city Đại Mỗ. Đến cuối tháng 9/2017, NCB đã giải ngân cho vay gần 250 tỷ đồng và nhận thế chấp bằng các quyền đòi nợ, phải thu từ hợp đồng bán nhà.

Khoản vay thứ 2 theo HĐTD kí ngày 8/6/2017 có hạn mức 200 tỷ đồng, được kí với FLC Land (công ty con của FLC). Thời hạn vay là 12 tháng, vốn vay dùng thanh toán chi phí cho nhà thầu. Với khoản giải ngân hơn 70 tỷ đồng vào cuối năm 2017, FLC đã thế chấp bằng 4,3 triệu cổ phiếu ROS. Chưa rõ NCB đã định giá tài sản cổ phiếu ROS là bao nhiêu để duyệt cấp hạn mức tới 200 tỷ đồng cũng như đo lường rủi ro khi giải ngân cho vay?

Báo cáo của FLC chỉ hé lộ “4,3 triệu cổ phiếu ROS trị giá 487 tỷ đồng”, tức giá ROS được công ty ước tính là 113.000 đồng/CP. Còn hạn mức tín dụng được NCB cấp bằng tới 41% giá trị tài sản chứng khoán này.

Tuy nhiên, cổ phiếu ROS diễn biến bất thường khi lên sàn vào tháng 9/2016, phi một mạch từ 6.400 đồng lên tới đỉnh 132.000 đồng/CP. Từ đỉnh cao ROS “đổ đèo” rơi sâu 30% thị giá trong 2 tháng trước khi NCB duyệt cho FLC vay vốn. Tại ngày 8/6/2018 khi kí hợp đồng tín dụng thứ 2, giá ROS giao dịch ở mức 92.000 đồng/CP. Đến nay, giá ROS giảm chỉ còn 30.000 đồng/CP nên giá trị tài sản chứng khoán cầm cố cũng “bốc hơi” theo, chỉ còn vỏn vẹn… 129 tỷ đồng.

Cùng năm 2017, HDbank cũng kí 3 hợp đồng tín dụng cho Tập đoàn FLC với tổng hạn mức vay là 136 tỷ đồng, chủ yếu là vay bổ sung vốn lưu động. Dư nợ đến cuối năm 2018 là hơn 88 tỷ đồng và được đảm bảo bằng nhiều tài sản (bất động sản, cổ phiếu FLC và 2,8 triệu ROS).

Riêng khoản vay 45 tỷ đồng đã được FLC thế chấp bằng 1,8 triệu cổ phiếu ROS, giao dịch quanh mức 128.000 đồng/CP vào ngày 10/4/2017 khi HDbank cấp hạn mức 50 tỷ đồng. Hạn mức vay này bằng 1/5 giá trị tài sản chứng khoán và không kèm tài sản đảm bảo khác.

Từ tháng 10/2017 đến nay, cổ phiếu ROS đã rơi thẳng đứng. Hiện, giá trị thị trường của 1,8 triệu cổ phiếu ROS chỉ còn khoảng 54 tỷ đồng, đảm bảo cho số dư nợ tại HDBank là 46 tỷ đồng, tức bằng 85% giá trị lô cổ phiếu.

Theo quy định cho vay, ngân hàng sẽ phải tiến hành định giá lại cổ phiếu định kỳ và đánh giá chất lượng nợ… Nếu tài sản đảm bảo bị sụt giảm giá trị thì yêu cầu bên vay bổ sung tài sản khác, đảm bảo dư nợ cho vay không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm và dư nợ không vượt hạn mức vay.

Mặc dù cổ phiếu có thể đem thế chấp vay vốn nhưng là tài sản rủi ro, bị hạn chế nên ngân hàng chỉ xem là biện pháp đảm bảo bổ sung và vẫn yêu cầu đi kèm các tài sản chắc chắn hơn (bất động sản, tiền gửi, quyền thu nợ…). Bởi khi cổ phiếu giảm mạnh, giá trị tài sản hao hụt, hay cổ phiếu rơi vào diện tranh chấp quyền sở hữu… thì giống như “cục than hồng” mà ngân hàng sẽ rất khó bán giải chấp để thu hồi nợ, rủi ro mất vốn hiện hữu.

Hào phóng “bơm” vốn cho FLC, ngân hàng có nắm “than hồng”? - Ảnh 3
Giá cổ phiếu ROS giảm sâu xuống đáy 30.000 đồng/CP, mất 77% thị giá trong vòng 2 năm qua

Được biết, các hợp đồng tín dụng có hạn mức lớn, từ vài chục tỷ tới hàng trăm tỷ đồng thường thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị, Hội đồng tín dụng ngân hàng. Thực tế ghi nhận các vụ án sai phạm cho vay, nhiều lãnh đạo ngân hàng đã câu kết với chủ doanh nghiệp để “vẽ” hồ sơ vay, định giá tài sản bảo đảm cao hơn để rút vốn, hay nhận thế chấp bằng cổ phiếu có giá “trên trời” mà không kèm theo tài sản cố định… dẫn tới gây nợ xấu khó thu hồi. Tài sản cổ phiếu bị giảm giá trị theo thị trường, thậm chí tài sản của doanh nghiệp đã thế chấp chỗ khác, bị siết nợ hết, phá sản thì cổ phiếu thực chất giá trị 0 đồng.

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết Hào phóng “bơm” vốn cho FLC, ngân hàng có nắm “than hồng”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới