Hậu Giang hướng tới phát triển du lịch bền vững
Sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nhưng du lịch tỉnh Hậu Giang lại không phát huy được những ưu thế vốn có. Do đó, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch nhằm thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” này.
Nỗ lực khai thác những lợi thế sẵn có
Trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉnh Hậu Giang được đánh giá là địa phương có tài nguyên tự nhiên đa dạng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, tạo nên những khoảng không gian dài, trải rộng với vườn, ruộng bao la, thích hợp khai thác du lịch nông nghiệp, sinh thái cảnh quan sinh thái. Bên cạnh đó, tài nguyên nhân văn cũng là điểm đáng chú ý, với hệ thống trên 15 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và quốc gia, thích hợp phát triển du lịch về nguồn. Ngoài ra, còn có một số công trình văn hóa tôn giáo, làng nghề truyền thống và ẩm thực với các đặc sản riêng.
Thông tin về tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang, ông Lê Công Khanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hậu Giang cho hay, trên địa bàn nhiều địa điểm tham quan đặc sắc như di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện, di tích Đền thờ Bác Hồ, di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, di tích Chiến thắng Tầm Du, di tích Khu trù mật Vị Thanh- Hỏa Lựu, di tích chiến thắng Vàm Cái Sình, di tích Ủy ban liên hợp đình chiến Nam bộ, Chợ nổi Ngã Bảy, Cây di sản Việt Nam (cây Lộc Vừng), Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, Công viên giải trí Kitty& Minnied, Vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc, Làng trầu Vị Thủy, tàu du lịch trên kênh xáng Xà No,…
Cũng theo ông Lê Công Khanh, tỉnh Hậu Giang đã công bố rộng rãi kêu gọi đầu tư các dự án Du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Khu du lịch Hồ Sen, Khu du lịch sinh thái Kênh Lầu, Khu du lịch căn cứ Thị xã ủy Vị Thanh, Khu du lịch Hồ Tam Giác, Du lịch cộng đồng vùng quýt đường Long Trị, Làng du lịch sinh thái văn hóa Tầm Vu, Khu du lịch Hồ Nước Ngọt. Các dự án nêu trên là những điểm nhấn quan trọng và khi hoàn thành sẽ mang lại nhiều cảm xúc cho du khách trong ngoài nước.
Cùng với đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch sẵn có, tỉnh có nhiều chuyến học hỏi, trải nghiệm những sản phẩm du lịch nổi bật ở các tỉnh, thành trong khu vực, cũng như các vùng, miền trong cả nước, tổ chức hội thảo, tọa đàm về du lịch để lắng nghe, đúc kết, học tập những cách làm du lịch hiệu quả, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, mời gọi các nhà đầu tư khai thác du lịch…
Cần đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch
Để du lịch phát triển xứng tầm, tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch nhằm thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” này. Cụ thể, HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 26/2019/NQ-HĐND về thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2024. Nghị quyết ban hành nhằm thúc đẩy đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
Tiếp đó, ngày 26/11/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Từ nghị quyết này, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch phát triển 4 trụ cột kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị) giai đoạn 2021- 2025 với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 35.556 tỉ đồng. Theo đó, ở trụ cột du lịch, tỉnh sẽ tập trung xây dựng thành công 2 điểm nhấn du lịch vươn tầm khu vực và cả nước, đó là du lịch trên tàu tuyến kênh xáng Xà No đi làng khóm nổi tiếng Cầu Đúc, du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Hậu Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng thành công các điểm du lịch ở TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy, H.Châu Thành A, H.Châu Thành, H.Vị Thủy, H.Phụng Hiệp…
Nhằm phát huy các lợi thế có sẵn, ngành du lịch tỉnh Hậu Giang đã xây dựng hàng loạt đề án, dự án hỗ trợ, phát triển du lịch đã được xây dựng, nổi bật là Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang, Đề án Tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang, Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng... Tất cả là sự chuẩn bị đó để đi đến bước quyết tâm vực dậy ngành “du lịch không khói”.
Nhìn nhận về du lịch Hậu Giang, các chuyên gia về du lịch cho rằng, địa phương này có tiềm năng đa dạng nhưng Hậu Giang chịu chung sự “na ná” nhau của các sản phẩm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, mà nhiều tỉnh, thành trong khu vực đã khai thác từ khá lâu, tạo được hiệu ứng tốt như ở Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang… Hệ thống hạ tầng du lịch Hậu Giang cũng chưa được đầu tư hoàn thiện, sản phẩm du lịch chưa mang tính đặc trưng, thiếu sự khác biệt.
Điều này cho thấy du lịch Hậu Giang đang rất cần có sự đầu tư đồng bộ, bằng tư duy sáng tạo, để có góc nhìn mới lạ, sau khi có một thời gian nghiên cứu, lắng nghe để có một hướng đi phù hợp. Hậu Giang đã tự làm mất đi cơ hội rất hiếm khi di dời Chợ nổi Ngã Bảy và giờ, dù có bảo tồn, phục hồi cũng khó lòng lấy lại thương hiệu này.
Từng khảo sát, trải nghiệm du lịch Hậu Giang, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng: “Để du lịch Hậu Giang phát triển, cần chủ động khai thác tính liên kết vùng, xây dựng những sản phẩm du lịch nổi trội, quà tặng độc đáo, ẩm thực đặc trưng; quy hoạch lại các điểm đến theo tua, xâu chuỗi các loại hình sinh thái - tâm linh - lịch sử - làng nghề; nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú… Khi triển khai các hoạt động và giải pháp nâng tầm du lịch, cần tránh tối đa bê tông hóa các điểm du lịch sinh thái, để tạo cho du khách cảm giác được sống trong không khí yên bình của vùng quê”.
Thông tin về định hướng phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, việc chọn doanh nghiệp vào khai thác du lịch cũng là tiền đề để hướng đến mục đích cao hơn, xa hơn, khai thác tuyến đường thủy huyết mạch, kết nối các tua, tuyến trong vùng. Một sản phẩm ra đời thành công, hứa hẹn mở hướng cho những sản phẩm tiếp theo, khi đã có chủ trương, định hướng đúng đắn, có chiều sâu, sự vào cuộc đồng bộ.
Phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi bền vững
PGS.TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ nhận định, giải pháp tổng thể cho phát triển bền vững du lịch nông nghiệp Hậu Giang là quy hoạch và xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trọng điểm. Cần quy hoạch và phát triển các dự án du lịch nông nghiệp trong tỉnh. Hậu Giang có thể phát triển các dự án mới, mô hình du lịch nông nghiệp trọng điểm; như: Du lịch làng lúa Xà No với Làng lúa truyền thống; cấy lúa 2 lần bằng nọc cấy lúa; bồ đập lúa; vòng cắt lúa; trưng bày dụng cụ truyền thống văn hóa lúa nước Xà No; lễ hội đua trâu, đua ghe; du lịch vườn cây ăn trái: xây dựng khu du lịch cây ăn trái trung tâm (quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc) và kết nối nhiều vườn cây ăn trái khác; xây dựng các điểm chợ bán trái cây, nhà trưng bày cộng đồng, điểm huấn luyện chiết ghép cành và bán cây giống; khu chế biến, homestay. Điều quan trọng không kém là cần xây dựng hệ thống quản lý và quảng bá hiệu quả. Điều này khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch, nhỏ lẻ, không có sự khác biệt và đa dạng, khó khăn tổ chức quản lý, chia sẻ và phục vụ da dạng cho khách du lịch. Bên cạnh đó là đào tạo nhân lực phục vụ du lịch, huấn luyện kỹ năng, thái độ ứng xử, phục vụ, lấy phương châm làm hài lòng du khách là mục tiêu của du lịch.
Bên cạnh đó là các giải pháp hỗ trợ. Người làm du lịch cần có chiến lược đầu tư, chú trọng du lịch trí tuệ, phục vụ cho du khách học được gì, biết được gì qua chuyến du lịch. Để làm được điều nầy, nhà làm du lịch cần liên kết với các nhà chuyên môn: Du lịch nông nghiệp cần hợp tác liên kết với chuyên gia nông nghiệp để bố trí cây trồng, vật nuôi, các mô hình canh tác mới hấp dẫn du khách và gia tăng lợi nhuận của du lịch, giúp du lịch ngày càng phát triển. Và cuối cùng là cần coi trọng đầu tư cho du lịch. Có đầu tư mới có khai thác, du lịch ở ĐBSCL nhờ lợi thế thiên nhiên ưu đãi cho sẵn cảnh quan sông nước, rồi khai thác và khai thác đến cạn kiệt. Do vậy du lịch phải bắt đầu từ đầu tư và tái đầu tư thì mới khai thác bền vững.
Thư Anh - Thanh Vũ