Chủ nhật, 24/11/2024 10:53 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/05/2020 09:06 (GMT+7)

Hầu hết vùng tâm dịch Covid-19 có liên quan đến ô nhiễm không khí

Theo dõi KTMT trên

Hầu hết vùng tâm dịch Covid-19 có liên quan đến ô nhiễm không khí là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Ô nhiễm không khí và tác động của Covid-19”.

Không khí tại Việt Nam hiện nằm trong Top 10 nước có không khí ô nhiễm nhất châu Á. Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội, tuy chất lượng không khí có những thời điểm đã được cải thiện đáng kể, nhưng theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ô nhiễm bụi mịn vẫn vượt ngưỡng trung bình tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt là những ngày gần đây, khi nhiều phương tiện và người dân đã bắt đầu ra đường đông hơn.

Hầu hết vùng tâm dịch Covid-19 có liên quan đến ô nhiễm không khí - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí sẽ tăng nguy cơ tử vong khi bị mắc Covid-19. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Hồi chuông báo động cho xã hội

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Live and Learn cho biết, theo số liệu 4 tháng đầu năm do Live and Learn thực hiện tại 6 trạm trên toàn quốc, từ ngày 1/1- 10/4/2020, về cơ bản nồng độ bụi mịn có xu hướng giảm, chất lượng không khí tốt hơn. Nồng độ CO2 từ nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 cũng có xu hướng giảm. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, ô nhiễm không khí chỉ giảm trên một số vùng, một số vùng lại có xu hướng tăng cao.

Theo chuyên gia viễn thám tại Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Thị Nhật Thanh, những vùng tâm dịch ở các nước châu Á như Vũ Hán (Trung Quốc), ô nhiễm không khí tương đối cao. Vùng tâm dịch thứ 2 của thế giới đó là vùng Lombardy - vùng công nghiệp có mức độ ô nhiễm không khí cao ở Italia. Cụ thể, 83% số ca bị mắc Covid-19 ở những vùng có nồng độ NO2 cao. Ngoài ra, hiện có 2 nước chịu ảnh hưởng nặng của Covid-19 là Iran và Ấn Độ - những nước bị điểm danh vào Top 10 nước ô nhiễm không khí cao.

Đáng chú ý, sau hơn 1 tháng thoát khỏi top 10 quốc gia ô nhiễm nhất toàn cầu, Thủ đô Hà Nội của Việt Nam đã quay trở lại vị trí thứ 6 với chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được trưa 15/4 là 161, mức màu đỏ, có hại cho sức khỏe con người. Một số quận, huyện vùng ven như: Huyện Yên Mỹ, Ân Thi... AQI lên tới 177. Nồng độ bụi mịn PM2.5 từ mức 11,5 µg/m3 những ngày cuối tháng 3 đã tăng lên 74 µg/m3, vượt hơn 7 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hà Nội đã vượt qua Thượng Hải (Trung Quốc) về mức độ ô nhiễm khi AQI của thành phố này chỉ đạt 159.

Tại TP.Hồ Chí Minh, vài ngày qua đã ghi nhận hiện tượng xe cộ lưu thông đông đúc trở lại, đặc biệt vào khung giờ tan tầm. Điều này cũng tỉ lệ thuận với mức ô nhiễm. Sáng 15/4, Ứng dụng kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí (Air Visual) hiển thị mức AQI trung bình bằng 158, mức màu đỏ. Tới giữa trưa, khi mặt trời bắt đầu lên cao, thời tiết nắng nóng, ngoài đường vắng bóng xe cộ, AQI đã giảm xuống mức màu vàng, đạt 99. Nồng độ bụi mịn PM2.5 đo được là 35,2 µg/m3.

Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn điện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn). Trong đó, nguồn giao thông, xe máy được coi là "thủ phạm" chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Tỷ lệ này được nhận định có thể áp dụng tương ứng với Thủ đô Hà Nội và hầu hết các thành phố lớn trên thế giới.

Giải pháp bảo vệ bản thân trước các dịch bệnh về hô hấp

Một nghiên cứu mới đây được đăng trên Tạp chí “Environmental Pollution” chỉ ra rằng, giữa đại dịch và ô nhiễm không khí có một mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Ô nhiễm khiến hệ miễn dịch của chúng ta dần yếu đi và phổi sẽ bị tổn thương nặng. Sau đó, virus SARS-CoV-2 sẽ tấn công vào cơ thể dễ dàng hơn và phát triển nhanh chóng.

Bên cạnh đó, với các bệnh nhân đang bị mắc Covid-19, ô nhiễm không khí chính là mối đe dọa lớn nhất đến tính mạng của họ. Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra kết luận rằng: “Ô nhiễm không khí sẽ tăng nguy cơ tử vong khi bị mắc Covid-19”.

Để có sức đề kháng tốt chống lại các bệnh liên quan đến hô hấp, bà Nguyễn Thị Trang Nhung, giảng viên tại Đại học Y tế Cộng đồng Hà Nội cho rằng, ngoài việc cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, dành thời gian vận động và tập luyện thể thao, cũng cần lưu ý giữ cho hệ hô hấp luôn được khỏe mạnh; hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm, khói xe, bụi mịn hay các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi… Chúng ta có thể lựa chọn sử dụng những thiết bị giúp thanh lọc không khí trong nhà. Điểm nổi bật nhất của các máy lọc không khí chính là giúp làm sạch ô nhiễm và không khí trong lành hơn. Từ các chất bẩn như lông vật nuôi, mùi hôi trong nhà, đến bụi mịn PM2.5 đều được lọc sạch hoàn toàn thông qua màng lọc HEPA hoặc cao hơn nữa là màng lọc siêu cấp ULPA- loại màng lọc chuyên dùng cho phòng thí nghiệm hoặc các cơ sở y tế.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, làm suy giảm khả năng miễn dịch và có thể dẫn đến các nguy cơ mắc phải nhiều chứng bệnh. Do đó, cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình trước ô nhiễm không khí ngay từ hôm nay.

Diệu Thúy

Bạn đang đọc bài viết Hầu hết vùng tâm dịch Covid-19 có liên quan đến ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới