Chủ nhật, 24/11/2024 06:38 (GMT+7)
Thứ tư, 27/09/2023 14:01 (GMT+7)

Hé lộ doanh nghiệp được tài trợ 6,4 tỷ USD làm các dự án xanh tại Việt Nam và Mỹ

Theo dõi KTMT trên

Tổ chức sắp xếp và quản lý vốn Acuity Funding vừa ký cam kết chấp thuận tài trợ vốn với tổng cộng lên đến 6,4 tỷ USD cho các dự án xanh của Tập đoàn Tín Thành tại Việt Nam và Mỹ.

Theo thông tin tại lễ ký kết, Acuity Funding cam kết sẽ tài trợ vốn lên đến 1 tỷ USD để phát triển 4 nhà máy điện sinh khối và hàng nghìn ha để trồng cao lương tại miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Tại Mỹ, Acuity Funding cam kết sẽ tài trợ khoảng 1,7 tỷ USD cho Tập đoàn Tín Thành để xây dựng nhà máy đắp lốp và dịch vụ xe tải tại bang Nam Carolina. Nhà máy này sẽ phục vụ hơn 1 triệu xe tải ở Mỹ với mục tiêu giảm lượng khí thải, tiết kiệm chi phí và chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh.

Hé lộ doanh nghiệp được tài trợ 6,4 tỷ USD làm các dự án xanh tại Việt Nam và Mỹ - Ảnh 1
Acuity Funding sẽ rót nguồn vốn lớn cho các dự án xanh của Tập đoàn Tín Thành.

Trong đó, Tập đoàn Tín Thành đã được cấp đất và bang Nam Carolina đưa ra những ưu đãi rất lớn lên tới hơn 500 triệu USD.

Ngoài ra, khoảng 3,7 tỷ USD sẽ tài trợ để xây dựng cơ sở sản xuất hydrogen xanh ở Nam Carolina. Tập đoàn Tín Thành cho hay hiện doanh nghiệp này đã nhận được chấp thuận cấp đất và hưởng ưu đãi đầu tư từ bang Nam Carolina.

Vị đại gia bí ẩn

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Tín Thành, tiền thân là công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành được thành lập vào năm 2009 với số vốn điều lệ là 1,9 tỷ đồng. Trụ sở của doanh nghiệp này ở địa chỉ phường 2 (quận Tân Bình, TP.HCM).

Đến năm 2017, tên Công ty TNHH Tập đoàn Tín Thành được chủ tịch công ty quyết đổi và chuyển thành công ty cổ phần vào một năm sau đó. Đến năm 2022, vốn điều lệ của Tập đoàn đã tăng lên con số 432 tỷ đồng.

Tín Thành Group tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, môi trường, nhiên liệu, nông nghiệp công nghệ cao. Sau 14 năm hoạt động Tập đoàn đã phát triển, nghiên cứu, thay thế công nghệ mới cho hơn 32 nhà máy của các thương hiệu lớn như: Sabeco, Habeco, Carlsberg, Cocacola, DRC Đà Nẵng, Casumina… Bằng phương pháp sử dụng nhiên liệu Biomass làm lò đốt thay cho dầu FO giúp giảm hàng triệu tấn CO2 thải ra môi trường.

Người đứng sau thành công của Tín Thành Group là ông Trần Đình Quyền. Tuy nhiên, thân thế của vị chủ tịch sinh năm 1960 này đến nay vẫn còn khá bí ẩn.

Theo thông tin ít ỏi tìm hiểu được thì ông Quyền là cổ đông lớn nhất của Tín Thành Group (với số vốn góp 160 tỷ đồng – số liệu năm 2017).

Ngoài là chủ tịch của Tín Thành, ông Quyền còn làm đại diện pháp luật cho Công ty CP Tintech Asia. Năm 2017 ông Trần Đình Quyền là một trong số những doanh nhân được Chủ tịch Nước mời tham dự buổi chào mừng cựu Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam.

Từng muốn mua lại 55% cổ phần Lọc dầu Dung Quất

Năm 2017, Tín Thành muốn trở thành cổ đông chiến lược của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã khiến giới tài chính trong nước chú ý. Tín Thành dự tính mua 5% cổ phần (2.000 tỷ đồng) của BSR. Trong vòng 12 tháng sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của BSR.

Hé lộ doanh nghiệp được tài trợ 6,4 tỷ USD làm các dự án xanh tại Việt Nam và Mỹ - Ảnh 2
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tín Thành Trần Đình Quyền phát biểu tại buổi làm việc với BSR.

Cũng trong thời điểm này, Tập đoàn cho biết, Ngân hàng Oakwood State Bank tại bang Texas (Mỹ) đã được Tín Thành mua lại và đã đổi tên thành Tín Thành Oakwood Bank Corp. Giấy chứng nhận cho thấy Tín Thành là chủ sở hữu Tín Thành Oakwood Bank Corp. Thương vụ giao dịch trên đã được thực hiện vào tháng 9/2016.

Tuy nhiên, vào tháng 12/2017, cơ quan quản lý ngân hàng tại bang Texas đã phát đi cảnh báo cho biết: "Sở Ngân hàng Texas đã nhận thấy một số thông tin trên các phương tiện truyền thông khác nhau báo cáo rằng Tập đoàn Tín Thành mua lại  ngân hàng Oakwood Bank tại Dallas, Texas và đổi thành thành Tín Thành Oakwood Bank Corp. Những thông tin này là không chính xác".

Hé lộ doanh nghiệp được tài trợ 6,4 tỷ USD làm các dự án xanh tại Việt Nam và Mỹ - Ảnh 3
Thông tin cảnh báo từ cơ quan quản lý của Oakwood State Bank. (Ảnh: Oakwood State Bank) .

Tập đoàn này cũng bị Sở Thương mại bang Minnesota (Mỹ) phạt 35.000 USD vì vi phạm quy định về việc sử dụng từ "bank" một cách trái phép trong tên doanh nghiệp.

Tín Thành Group kinh doanh ra sao?

Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính năm 2019 của Tín Thành Group cho thấy, doanh thu đạt 410 tỷ đồng, tăng 5,6% so với 2018. Biên lợi nhuận cải thiện giúp lợi nhuận gộp đạt 48 tỷ đồng, tăng 26,3%, nhưng lãi vay tăng mạnh cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp cao đã khiến lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 92 triệu đồng.

Gánh nặng chi phí quản lý, lãi vay thực ra không phải là vấn đề mới tại Tín Thành Group. Riêng với chi phí quản lý, nếu như trong năm 2019, Công ty ghi nhận 25,6 tỷ đồng, chiếm 53% lợi nhuận gộp thì trong năm 2018 là 27,7 tỷ đồng, chiếm tới 3/4 lợi nhuận gộp.

Hé lộ doanh nghiệp được tài trợ 6,4 tỷ USD làm các dự án xanh tại Việt Nam và Mỹ - Ảnh 4
Dự án Nhà máy Điện sinh khối Núi Tô 2 của Tín Thành Group tại An Giang.

Tỷ lệ khoản mục chi phí này trên doanh thu khá cao, lên đến 6 - 7% với nguyên nhân chủ yếu nằm ở chi phí tiền lương. Riêng năm 2019, lương quản lý là 15 tỷ đồng.

Cùng với lãi vay ở mức cao, kết quả là Công ty đã chịu lỗ 7,756 tỷ đồng trong năm 2018. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 là 20,2 tỷ đồng và con số này gần như giữ nguyên đến cuối năm 2019.

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2019, giá trị các khoản phải thu của Công ty lên đến 169 tỷ đồng, chiếm hơn 1/4 tổng tài sản với giá trị lớn nhất là các khoản tạm ứng 96,5 tỷ đồng. Trong số này, ông Trần Đình Quyền nhận số dư tạm ứng lớn nhất với 43,3 tỷ đồng. Số dư này tồn tại từ đầu năm 2019 và giữ nguyên cho đến hết năm.

Ngoài ra, Công ty cũng có khoản phải thu khác với ông Quyền trị giá 2,48 tỷ đồng đến cuối năm 2019, giảm đáng kể so với giá trị 28,3 tỷ đồng đầu năm.

Cùng với ông Quyền, ông Nguyễn Văn Bình, Phó tổng giám đốc cũng được tạm ứng 27,5 tỷ đồng và 3 cá nhân khác được tạm ứng tổng cộng 24 tỷ đồng cũng là các lãnh đạo doanh nghiệp như ông Hà Đức (kiểm soát viên), ông Huỳnh Minh Đăng (Phó tổng giám đốc).

Báo cáo của Tín Thành Group cho biết, tính đến ngày 14/9/2020, toàn bộ phần vốn hiện được sở hữu bởi 3 cổ đông đều là các cá nhân, bao gồm ông Trần Đình Quyền (74%), bà Nguyễn Thị Bích Hoài (vợ ông Quyền), sở hữu 10% và bà Nguyễn Thị Thanh Hiền sở hữu 16%. Cả ba là cổ đông sáng lập và hiện là thành viên Hội đồng quản trị Công ty. Như vậy, riêng vợ chồng ông Quyền đã sở hữu 84% vốn và 2/3 số ghế trong Hội đồng quản trị.

Đầu năm vừa qua, King Coffee (công ty do vợ cũ doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ sáng lập) và Tín Thành Group đã trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực sản xuất và thương mại tại Mỹ. Dự án hợp tác đầu tiên giữa hai tập đoàn là xây dựng nhà máy đắp lốp và tái chế lốp xe tại tiểu bang Nam Carolina (Walkers Road Industrial Site, Barker Mill Pond Road and US Highway 321 Fairfax, South Carolina).

H.An

Bạn đang đọc bài viết Hé lộ doanh nghiệp được tài trợ 6,4 tỷ USD làm các dự án xanh tại Việt Nam và Mỹ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
Mới đây, 2 trang trại lớn của Mavin đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của Mavin trong việc xây dựng một hệ thống chăn nuôi hiện đại, bền vững và tiêu chuẩn quốc tế.

Tin mới