Hệ quả của việc Nga - Ukraine gia tăng căng thẳng: Giá năng lượng leo thang đột biến
Trong bối cảnh nguồn cung cấp dầu và khí đốt dự phòng bị hạn chế trên toàn cầu, việc quan hệ Nga - Ukraine gia tăng căng thẳng đang làm rung chuyển thị trường dầu mỏ mong manh, đẩy giá lên gần 100 USD/thùng.
Nếu xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine thì có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thô, thậm chí khiến các nước chịu nhiều khó khăn do giá năng lượng leo thang đột biến.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới, tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay khi lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn hiện hữu, bất chấp tình hình căng thẳng Nga – Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trên sàn New York Mercantile Exchange, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 16/2, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 92,43 USD/thùng, tăng 0,36 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 15/2, giá dầu WTI giao tháng 3/2022 đã giảm 2,39 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 93,60 USD/thùng, tăng 0,32 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm 2,16 USD so với cùng thời điểm ngày 15/2.
Giá dầu ngày 16/2 lấy lại đà tăng khi những lo ngại về tình trạng nguồn cung dầu vẫn chưa được cải thiện, bất chấp tình hình căng thẳng Nga – Ukraine hạ nhiệt.
Các dữ liệu thống kê thời gian gần đây cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn đang có xu hướng phục hồi mạnh khi các nước đang gỡ dần các lệnh phong toả, hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch. Các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá cũng đang được thúc đẩy nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt hàng hoá, kéo theo giá cả leo thang và lạm phát tăng cao tại nhiều khu vực.
Theo HIS Markit, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 3,8 đến 4 triệu thùng/ngày trong năm 2022.
Giá dầu ngày 16/2 tăng còn do đồng USD mất giá khi Fed vẫn tỏ thái độ thận trọng và chưa có tuyên bố chính thức nào về việc thực hiện lộ trình tăng lãi suất.
Trong khi nhu cầu dầu vẫn đang phục hồi mạnh thì ở chiều hướng ngược lại, nguồn cung dầu vẫn đang bị thắt chặt bởi năng lực sản xuất của các nhà cung cấp dầu thô hạn chế. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức chênh lệch sản lượng thực tế và sản lượng mục tiêu của OPEC+ đã được nới rộng lên 900.000 ngàn thùng/ngày trong tháng 1/2022. Còn theo JP Morgan (Mỹ), con số này của OPEC hiện là 1,2 triệu thùng/ngày.
Thị trường dầu thô trước đó đã phản ứng mạnh sau khi Nga cho biết một số đơn vị đang quay trở lại căn cứ sau các cuộc tập trận gần Ukraine, một động thái dường như làm giảm leo thang căng thẳng giữa Moscow và phương Tây.
Không rõ có bao nhiêu đơn vị đã được rút về, và rời đi khoảng bao xa, sau khi ước tính 130.000 quân Nga được tăng cường. Một báo cáo trước đó của Interfax về sự di chuyển của quân đội đã khiến giá dầu giảm thêm.
Giám đốc điều hành mảng hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho ông Robert Yawger cho biết tình hình đang rất căng thẳng, nhưng hôm nay chắc chắn là một ngày yên bình hơn.
Chốt phiên giao dịch ngày 15/2, giá dầu thô Brent giảm 3,3% xuống 93,28 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,6%, xuống 92,07 USD/thùng.
Giả cả hai loại dầu thô đều đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 vào thứ Hai (14/2), với giá dầu thô Brent chạm 96,78 USD và dầu thô WTI đạt 95,82 USD. Giá dầu Brent đã tăng 50% vào năm 2021, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 60%, do nhu cầu phục hồi toàn cầu từ đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.
Diễn biến mới nhất giữa Nga - Ukraina đã thu hút phản ứng thận trọng từ Ukraina và Anh, sau nhiều ngày Mỹ và Anh cảnh báo rằng chính quyền Moscow có thể xâm lược nước láng giềng bất cứ lúc nào.
Ukraina hôm 15/2 cho biết, Bộ Quốc phòng và hai ngân hàng của họ đã bị tấn công mạng, dường như ám chỉ do Nga tấn công.
Theo Reuters cho hay, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân của Tehran với các cường quốc thế giới, điều có thể cho phép tăng xuất khẩu dầu của Iran.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã nói chuyện với người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian hôm 14/2, và họ ghi nhận một bước tiến cụ thể trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ cho hay các nguồn dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/2. Tồn kho xăng giảm 923.000 thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 546.000 thùng.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu ngày 16/2 được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau:
Giá dầu thô những tuần gần đây liên tục tăng do dự báo nhu cầu sẽ vượt nguồn cung, đặc biệt là khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới và nếu một cuộc xung đột ở Ukraine dẫn đến lượng dầu của Nga cung cấp ra thị trường giảm đáng kể thì sẽ dẫn đến mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu.
Dầu thô ở Mátxcơva xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu và khoảng 2,5 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ, chiếm khoảng 10% kim ngạch thương mại toàn cầu. Nga cũng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu và khách hàng lớn nhất của nước này là châu Âu, lục địa đang phải vật lộn với chi phí sưởi ấm gia đình rất cao trong mùa Đông (60% lượng dầu xuất khẩu của Nga đến châu Âu và 30% sang Trung Quốc).
Nga đóng một vai trò quan trọng trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC). Sau một thời gian gián đoạn sản xuất vì đại dịch Covid-19, OPEC đã cam kết thận trọng đưa thêm dầu trở lại thị trường, nhưng đã không đạt được mục tiêu sản xuất như trước đại dịch.
Tổ chức này năm ngoái đã đồng ý nâng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày. Theo các nhà phân tích, giá dầu thô, chưa đạt mức 100 USD/thùng kể từ năm 2014, đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm vào hôm 10/2. Theo đó, tại New York (Mỹ) giá dầu WTI giao tháng 3 đã tăng lên mức 93,1 USD/thùng; giá dầu Brent giao tháng 4 tăng vọt lên 94,4 USD/thùng.
Hãng dịch vụ tài chính JPMorgan đã dự báo, giá dầu có thể tăng lên 120 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga bị ảnh hưởng do căng thẳng với Ukraine. JPMorgan cảnh báo: “Việc xuất khẩu bị gián đoạn trên bất kỳ đường ống lớn nào có thể khiến cân bằng khí đốt tự nhiên của châu Âu rơi vào tình trạng bấp bênh, đặc biệt là khi năm 2022 bắt đầu với lượng tồn kho khí đốt ở châu Âu thấp kỷ lục”.
Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine gây ra một số rủi ro cho thị trường dầu mỏ. Thứ nhất, một cuộc xung đột như vậy có thể gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng trong khu vực. Thứ hai, các cường quốc phương Tây có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Cùng với đó là nguy cơ Nga trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên, theo các nhà phân tích đã dự báo
Các nhà phân tích hiện tại cho rằng, khó có thể xảy ra một sự gián đoạn lớn, vì Nga phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, khiến nước này khó có thể thực hiện hành động trả đũa; Đồng thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa đưa ra các biện pháp trừng phạt ngành năng lượng của Nga. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết không có sự trừng phạt nào là không thể xảy ra và xung đột có thể dẫn đến những hệ quả khó lường.
Đứt gãy lớn về xuất khẩu dầu từ Nga sang châu Âu ít có khả năng xảy ra, bởi kịch bản này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên. Nếu các nhà lãnh đạo có thể tìm ra giải pháp cho những căng thẳng Nga - Ukraine và dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động vào mùa hè năm nay, thì nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu sẽ được bổ sung đáng kể, theo giới phân tích nhận định.
Mặt khác, việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng của Lục địa già cũng là một giải pháp quan trọng giúp giảm nhiệt căng thẳng đối với giá dầu hiện nay.
Nội dung - Đồ họa: Bùi Hằng