Chủ nhật, 24/11/2024 09:39 (GMT+7)
    Thứ sáu, 05/03/2021 18:17 (GMT+7)

    Hiện thực hóa 'giấc mơ' đô thị ven sông Hồng

    Theo dõi KTMT trên

    Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được thông qua như một chiếc “chìa khóa vàng” mở cánh cửa ngăn cách giữa nội đô và 2 bên bờ sông Hồng.

    Đã nhiều lần lỗi nhịp

    Từ năm 1994, dự án khu đô thị ven sông Hồng được phía nhà đầu tư Singapore lựa chọn xây dựng trên mảnh đất ngoài đê ở khu vực An Dương với tổng vốn đầu tư dự kiến 240 tỉ đồng - một con số khổng lồ thời điểm đó.

    Theo thỏa thuận, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên do chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề trị thủy nên dự án đã phải dừng lại.

    Sau đó, năm 2006, dự án “thành phố ven sông Hồng” tiếp tục được các nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất. Đây được coi là “dự án tỉ đô” với vốn đầu tư dự kiến hơn 7 tỉ USD, chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha.

    Dự án 7 tỉ USD được đưa ra kế hoạch triển khai từ năm 2008 đến 2020. Tuy nhiên, đề xuất này cũng không tránh khỏi số phận như đề án của phía Singapore.

    Tại Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành năm 2011, khu vực hai bên Sông Hồng được xác định là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô.

    Hiện thực hóa 'giấc mơ' đô thị ven sông Hồng - Ảnh 1
    Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm.

    Khai thác, kế thừa Quy hoạch Cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội (đã được thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu) tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua thành phố, ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan văn hóa - đô thị Hồ Tây - Cổ Loa.

    Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.

    Đến năm 2015, dự án về thành phố ven sông tiếp tục được khởi động. Lần này có sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Hàn Quốc.

    Theo đó, quy mô nghiên cứu dự án khoảng 3.000 ha trong phạm vi 2 tuyến đê tả và đê hữu sông Hồng hiện có với chiều dài khoảng 11 km dọc sông.

    Đến giữa tháng 1/2017, Chủ tịch UBND thành phố lúc đó là ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục chỉ đạo giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng) là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

    Tuy nhiên, việc lập đồ án giao cho một số các nhà đầu tư lớn trong nước đã gây nhiều tranh cãi nên các dự án mới chỉ dừng lại ở đề xuất.

    Năm 2020, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp 15 HĐND Thành phố Hà Nội khoá XV diễn ra vào tháng 7/2020, cử tri đã nêu nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề quy hoạch hai bên sông Hồng.

    Đại diện lãnh đạo TP.Hà Nội thừa nhận, Hà Nội đã bỏ lỡ một nhịp vào năm 2017 trong vấn đề quy hoạch sông Hồng.

    Hiện thực hóa "giấc mơ' sau 10 năm

    Mới đây, Thường trực Thành uỷ Hà Nội cũng đã thống nhất chủ trương đối với 6 đồ án quy hoạch phân khu của bố quận nội đô và nghe báo cáo về Quy hoạch phân khu sông Hồng…

    Cụ thể, phạm vi nghiên cứu của quy hoạch này là không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha, thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

    Thường trực Thành ủy đã nghe UBND TP.Hà Nội báo cáo về quy hoạch phân khu sông Hồng và góp ý các chủ trương, định hướng lớn vào bản dự thảo quy hoạch; giao Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp tục hoàn thiện, trình Ban Thường vụ Thành ủy trước khi làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để thống nhất các nội dung quan trọng trước khi phê duyệt.

    Như vậy sau gần 10 năm chờ đợi, quy hoạch phân khu sông Hồng đã có bước tiến lớn sau thời gian dài lâm vào bế tắc vì vướng quy hoạch thoát lũ.

    Là người theo sát Hà Nội trong công tác quy hoạch, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy  hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho biết, quy hoạch phân khu sông Hồng là vấn đề phức tạp, cần làm rõ các cơ sở khoa học để đồ án có thể sớm được phê duyệt.

    Theo ông Nghiêm, hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đều có xu hướng bám ven sông, Hà Nội cũng là đất "tụ thủy, tụ nhân". Phát triển khu vực hai bên sông Hồng rất cần thiết và tạo nên động lực mới cho phát triển Thủ đô Hà Nội.

    Sông Hồng có đặc điểm thủy văn phức tạp, có mùa mưa lũ cùng với hệ thống đê chống lũ. Từ xưa do yếu tố phòng ngoại xâm, nên Hà Nội mở rộng diện tích đô thị chủ yếu trên bờ phía nam của dòng sông, phía bờ bắc thì mờ nhạt, thay vì kịch bản cân bằng hai bờ, nghĩa là dòng sông chia đôi đô thị như thường thấy ở các thành phố khác. Ðiều này khiến nảy ra ý kiến nhận xét cho là Hà Nội "quay lưng" lại với sông.

    Thêm nữa, nguồn lực của thành phố còn khó khăn. Nếu thực hiện, thành phố phải bố trí tái định cư cho gần 1 triệu người dân đang cư trú ở khu vực bờ sông. Ðây là việc đòi hỏi những bước đột phá rất lớn về bố trí nguồn lực.

    Trong quá trình phát triển, khu vực hai bên sông Hồng luôn được Nhà nước và TP.Hà Nội quan tâm, được xây dựng, định hướng phát triển gắn với điều kiện trong từng giai đoạn.

    Những năm qua đã có nhiều dự án được nghiên cứu khoa học, phát huy được lợi thế, tiềm năng hai bên sông Hồng. Các đề xuất đều gắn với phát triển kinh tế - xã hội chung của TP. Song việc triển khai còn chậm do bất cập từ quy trình phối hợp đa ngành, từ quy hoạch chung, mối liên kết vùng và nhất là phối hợp để thống nhất giữa các Bộ, ngành về các căn cứ lập dự án như vấn đề an toàn thoát lũ, đê điều. Đây là bài học và cũng là nguyên nhân để nhìn nhận việc chậm ban hành quy hoạch phân khu sông Hồng.

    Dự kiến quy hoạch sẽ được duyệt trong tháng 6/2021

    Theo ông Dương Đức Tuấn, sau khi xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy để hoàn chỉnh đồ án, UBND TP.Hà Nội sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT xử lý các vấn đề quy trình phù hợp khi triển khai quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đối với quy hoạch phòng chống lũ. Bên cạnh đó báo cáo Bộ Xây dựng thông qua theo quy trình, quy định đối quy hoạch phân khu đô thị quan trọng để sớm nhất có thể phê duyệt. Dự kiến quy hoạch này sẽ được phê duyệt trong tháng 6/2021.

    “Tháng 3/2021, Hà Nội sẽ cố gắng phê duyệt quy hoạch sáu phân khu nội đô lịch sử, tháng 6/2021 phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống. Như vậy Hà Nội sẽ hoàn chỉnh phê duyệt 8 phân khu đô thị có thời gian nghiên cứu kéo dài 10 năm, gây nhiều khó khăn, làm ách tắc các điều kiện đầu tư, phát triển cho thủ đô” - ông Tuấn nói, đồng thời khẳng định các quy hoạch hoàn chỉnh này sẽ tiếp thêm động lực phát triển cho Hà Nội. 

    Hoài Thu

    Bạn đang đọc bài viết Hiện thực hóa 'giấc mơ' đô thị ven sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới