Hiện thực hóa kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Phát triển kinh tế tuần hoàn nhận được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, được xem là phương thức quan trọng để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, khan hiếm nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu là những thách thức lớn đặt ra cho nhân loại trong thế kỷ XXI. Nhiều sáng kiến ở cấp độ toàn cầu cũng như khu vực đã được thông qua, triển khai mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức trên, trong đó sáng kiến về phát triển kinh tế tuần hoàn nhận được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, được xem là phương thức quan trọng để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, hướng tới phát triển bền vững.
Nhiều quốc gia, khu vực đã và đang xây dựng các chiến lược, kế hoạch, tầm nhìn, thiết lập khung pháp lý thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với đặc trưng, điều kiện của mỗi quốc gia, khu vực. Khung kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được thông qua vào năm 2021 với tầm nhìn đưa ASEAN trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và huy động vốn đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn, năng lực cạnh tranh cao, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã sớm nhận được sự quan tâm, định hướng và chỉ đạo thống nhất của Đảng và Nhà nước trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và nhiều Nghị quyết chuyên ngành do Trung ương ban hành về năng lượng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phát triển bền vững các vùng kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam đã được ban hành, đồng thời kinh tế tuần hoàn được lồng ghép vào nhiều chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Trên thực tế, trong nhiều năm qua tại Việt Nam, các giải pháp tuần hoàn chất thải và sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu đã được áp dụng ở nhiều mô hình sản xuất. Tuy nhiên, các giải pháp này chủ yếu xuất hiện ở các mô hình kinh tế nhỏ lẻ, xuất phát từ bài toán chi phí - lợi ích của các cơ sở sản xuất đơn lẻ. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với những quy định, pháp lý hóa việc thúc đẩy thực hiện kinh 25 tế tuần hoàn đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai trên thực tế. Theo đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường 2020) và tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi, đang trình Thủ tướng Chính phủ với đề xuất 05 nhóm quan điểm, các mục tiêu gắn với các chỉ tiêu để giám sát, đánh giá theo các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2035, cụ thể:
Mục tiêu tổng quát: Hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; phát triển mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh; tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.
Các mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2030:
- Giảm khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; tiết kiệm năng lượng với các chỉ tiêu cụ thể liên quan đến tổng sản phẩm trong nước được tạo ra trên một đơn vị tài nguyên.
- Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường với đa số các chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ chất thải được thu gom, tái chế, xử lý theo tiêu chuẩn.
- Nâng cao khía cạnh kinh tế, gia tăng lợi ích, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và huy động nguồn lực trong thực hiện kinh tế tuần hoàn với các chỉ tiêu cụ thể về việc hình thành, phát triển các mô hình sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chuỗi giá trị mới, các hoạt động đổi mới sáng tạo để thực hiện kinh tế tuần hoàn. 26
Mục tiêu đến năm 2035:
- Hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn bao trùm gắn với đổi mới, sáng tạo, năng lực cạnh tranh cao, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội ở Việt Nam; trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm, dịch vụ và huy động vốn đầu tư cho kinh tế tuần hoàn trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
- Góp phần thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đến năm 2035 và các giai đoạn tiếp theo trong các Văn kiện của Đảng, chiến lược, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuấn hoàn đã lựa chọn 34 ngành, lĩnh vực thuộc 09 nhóm ngành có tiềm năng thực hiện kinh tế tuần hoàn là: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; năng lượng; khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; hóa chất; xây dựng; giao thông vận tải; quản lý chất thải; và lĩnh vực trung gian, cộng sinh. Trong đó, xác định ưu tiên thực hiện trước năm 2030 đối với lĩnh vực quản lý chất thải và 08 ngành, lĩnh vực còn lại đáp ứng ít nhất 01 trong các tiêu chí sau: có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng cao và việc làm mới; phát sinh nhiều chất thải, có tác động lớn đến môi trường, phát thải khí nhà kính lớn; khai thác, sử dụng nhiều tài nguyên, nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng; bị ràng buộc thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động thương mại, đầu tư và quan hệ quốc tế.
Để hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong Dự thảo đã đề ra 05 Nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1/ Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng:
- Đẩy mạnh truyền thông, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, pháp luật, nhân rộng các thói quen và thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn;
- Lồng ghép các nội dung giáo dục về kinh tế tuần hoàn vào chương trình giáo dục các cấp học, bậc học, bồi dưỡng cán bộ;
- Xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
2/ Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn, gồm:
- Tổ chức xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn cho ngành, lĩnh vực và các tỉnh;
- Lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển;
- Hoàn thiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn.
3/ Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, gồm:
- Hỗ trợ thực hiện thiết kế sinh thái để đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn;- Hỗ trợ áp dụng, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh;
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ số, công nghệ thân thiện với môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất để thực hiện kinh tế tuần hoàn;
- Hỗ trợ hình thành và phát triển thị trường cho các hàng hóa, dịch vụ liên quan đến kinh tế tuần hoàn;
- Thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong hoạt động tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
4/ Tăng cường quản lý chất thải, gồm:
- Thí điểm, nhân rộng và phát triển các mô hình quản lý chất thải theo vùng, miền và địa phương;
- Thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn.
5/ Đẩy mạnh liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó, gồm:
- Tăng cường liên kết, hợp tác trong thực hiện kinh tế tuần hoàn;
- Phát triển công cụ hỗ trợ đo lường; cơ chế giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Theo 05 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm này, trong Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh kế tuần hoàn đã đặt ra 38 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể giao cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh… gắn với thời gian thực hiện cụ thể, đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn. Để đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh kế tuần hoàn, bên cạnh yếu tố tiên quyết là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ý thức người dân, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các bộ/ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức đoàn thể… trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch./.
T.S Mai Thanh Dung,
Phó Viện trưởng,
Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường,
Bộ Tài nguyên và Môi trường
(Bài viết tại Kỷ yếu Diễn đàn Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới)