Hiệu quả từ mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Phú Yên
Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam" (gọi tắt là dự án SRI) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại Phú Yên từ năm 2021.
Qua hơn một năm triển khai, mô hình SRI mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là giúp bảo vệ môi trường.
Những ngày này, ông Nguyễn Tùng Tân ở thôn Phụng Tường 2, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) thu hoạch lúa hè thu. Vụ này, ông Tân rất phấn khởi bởi hơn 1ha lúa trồng theo mô hình SRI lại được mùa. Theo ông Tân, đây là vụ thứ hai gia đình ông trồng lúa theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, chuyển giao. Ban đầu khi thực hiện mô hình, ông rất lo lắng bởi lâu nay chỉ quen với phương pháp canh tác truyền thống. Qua thực tế triển khai, chỉ với một số biện pháp kỹ thuật cơ bản như cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa; tưới ướt, khô xen kẽ; làm cỏ sục bùn; bón phân hữu cơ và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh sau thu hoạch…, hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt so với canh tác lúa truyền thống.
“Trước đây, gia đình thường mất nhiều chi phí cho việc gieo mạ, bón phân, đặc biệt là rất vất vả trong việc giữ nước cho cây lúa nhưng năng suất lại không cao. Được hội hỗ trợ về giống, có cán bộ khuyến nông cầm tay chỉ việc từ làm đất, gieo mạ, đến hỗ trợ chăm sóc, năng suất lúa tăng lên rõ rệt, từ 350kg/sào lên 430kg/sào, đặc biệt là giảm các chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước tưới”, ông Tân cho hay.
Cũng như ông Tân, ông Phạm Văn Dưỡng ở thôn Mỹ Thạnh Trung, xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) từng rất băn khoăn khi lựa chọn mô hình SRI. Tháng 7/2021, khi Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn về mô hình, gia đình ông và các hộ dân không tin tưởng bởi từ trước đến nay đã quen canh tác theo phương pháp truyền thống là cấy lúa nhiều dảnh để lúa không chết, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu để đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Tuy nhiên, sau một vụ thử nghiệm, gia đình ông thực sự bất ngờ trước hiệu quả mà mô hình đem lại. Vì vậy, vụ hè thu này, với gần 1ha lúa, gia đình ông tiếp tục lựa chọn mô hình SRI. Mặc dù thời tiết nắng hạn kéo dài, cộng với các đợt mưa giông, nhưng nhờ chăm sóc theo đúng quy trình, ông Dưỡng phấn khởi khi năng suất vụ hè thu cao hơn năm ngoái, ước đạt gần 450kg/sào.
Theo Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, kết quả bước đầu triển khai mô hình trình diễn tại hai xã Hòa Trị và Hòa Phong cho thấy ruộng áp dụng thâm canh lúa cải tiến SRI so với ruộng làm theo phương pháp truyền thống, nông dân giảm được lượng giống, giảm lượng phân đạm 20-30%, giảm chi phi đầu tư, tăng năng suất lúa từ 7-8 tạ/ha, tăng hiệu quả kinh tế 7-8 triệu đồng/ha.
Hơn một năm trước về thôn Mỹ Thạnh Trung, xã Hòa Phong để cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường, nay chị Phạm Thị Oanh Thư, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh rất bất ngờ khi nhiều diện tích lúa ở thôn được trồng theo phương pháp này. Bởi trước khi triển khai, nhiều người dân vẫn còn nghi ngờ về tính khả thi của mô hình.
“Phương pháp này có tính ưu việt, không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích đất canh tác mà còn nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất lúa an toàn, thích nghi với biến đổi khí hậu”, chị Thư cho biết.
Còn theo ông Huỳnh Văn Thanh, cán bộ điều phối ban quản lý dự án mô hình SRI, ở những chân ruộng ngập nước thường sinh ra khí metan do gốc rạ phân hủy, kết hợp với khí nitơ từ việc bón phân sẽ làm nóng bầu khí quyển. Trong khi đó, nhiều chân ruộng cao, người dân không chủ động được nguồn nước tưới nên việc áp dụng tưới ướt, khô xen kẽ không chỉ giảm được số lần bơm nước vào đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất, mà còn hạn chế được sâu bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao.
Bà Hà Vũ Minh Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Trị cho biết: “Người dân chính là nhân tố quyết định đến sự thành bại của mô hình. Ban đầu, chỉ có 20 hộ tham gia, đến nay nhiều hộ dân ở địa phương đã áp dụng mô hình SRI. Đồng thời, qua các lớp tập huấn cũng như triển khai thực tế mô hình, hội đã xây dựng được đội ngũ tuyên truyền viên tích cực, sẵn sàng giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật cho những hộ, địa phương khác khi cần”.
Nói về hiệu quả mô hình mang lại, Phó Chủ tịch điều hành Hội Nông dân tỉnh Phan Đại Thắng khẳng định: “Việc triển khai mô hình SRI đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như phương pháp canh tác của hội viên, nông dân. Qua đó góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính nhằm bảo vệ môi trường, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, theo hướng bền vững”.
Mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường đã được triển khai ở trên khắp 24 tỉnh thành trên cả nước nhằm góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hiện đại và bền vững, giảm thiểu những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường; tạo điều kiện phát triển sinh thái đồng ruộng, giảm tác động của dịch hại, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh; tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp với 3 khâu kỹ thuật là: tưới ướt khô xen kẽ, giảm phân hóa học và xử lý rơm rạ.
Hải Anh