Hòa Bình: Bị dân phản ánh gây ô nhiễm, Công ty CP Đá Hòa Bình nói gì?
Sau phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng đã vào cuộc về việc Công ty CP Đá Hòa Bình bị "tố" gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên, tại nhà máy của Công ty CP đá Hòa Bình, từng ống nước liên tục xả những chất lỏng màu trắng đục ra ngay phía trước cổng công ty. Dòng nước thải lạ này chảy cắt ngang mặt đường, qua một khe rãnh đã được mở ra từ trước, đưa thẳng ra đất nông nghiệp của người dân, trắng xóa, đặc sệt như keo.
Bà Chu Thị Hậu, trú tại xã Thanh Cao cho biết: “Nhà máy đá xả chất thải đầy ắp các ao, cứ vơi lại đầy, đều là những chất dính dẻo chảy tràn lan khiến cuộc sống của chúng tôi rất bất tiện. Trong buổi tiếp xúc với lãnh đạo xã, chúng tôi cũng đã có ý kiến nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng”.
Được biết, nước thải của quá trình chế biến đá đều có bột đá đi kèm, số lượng mùn đá ứ đọng nhiều sẽ gây ô nhiễm. Nước thải từ nhà máy của công ty CP đá Hòa Bình chảy qua đường rãnh được xây theo lối từ trước, chảy tràn từ bể lắng của tường rào công ty rồi ra đường dân sinh. Một người dân ở đây cho biết: “Đơn vị sản xuất này xả ngầm chất thải ô nhiễm xuống các đầm, ao, sau đó tràn ra đường, làm cho mặt đường dính từng lớp dày như sình lầy trơn trượt, khiến việc lưu thông qua lại của chúng tôi gặp khó khăn, người dân bị ngã, tai nạn giao thông rất nhiều”.
Trước đó, tiếp nhận phản ánh của Phóng viên và người dân, UBND huyện Lương Sơn cũng đã gửi công văn yêu cầu Công ty CP đá Hòa Bình thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động, lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường theo quy định của Pháp luật. Bên cạnh đó là giao cho UBND xã Thanh Cao tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với Công ty CP Đá Hòa Bình, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Mặc dù đã có văn bản chỉ đạo từ UBND huyện và người dân cũng đã nhiều lần kêu cứu đến chính quyền địa phương, nhưng khi PV đến làm việc thì ông Quách Ngọc Quang - Chủ tịch UBND xã Thanh Cao vẫn khẳng định công ty CP đá Hòa Bình đã có đầy đủ giấy tờ giấy phép hoạt động về môi trường và sẽ giải đáp cho người dân về vấn đề này.
Về vấn đề này, trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Văn Lâm - Đại diện công ty CP đá Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi không xả ra môi trường, đấy chỉ là sự cố khiến chất thải bị rớt ra ngoài thôi, chúng tôi đã nạo vét rồi. Các đơn vị bên phòng tài nguyên môi trường và UBND xã cũng đã lập biên bản xử lý. Chất thải này chúng tôi đã có phương án kết hợp với đơn vị xây dựng sử dụng làm VLXD. Về phía người dân có thể sau này chúng tôi sẽ có buổi đối thoại để giải đáp thắc mắc của bà con”.
Đại diện đơn vị này nói thêm hiện cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và đang ra quyết định xử phạt. “Từ hôm xảy ra sự cố, cơ quan chính quyền đã xuống xác minh, lập biên bản, chúng tôi vẫn đang cố gắng khắc phục hậu quả, còn triệt để hay không thì có cơ quan Nhà nước sẽ kiểm tra”, ông Lâm chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Vũ Đức Nam - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường với mức hình phạt thấp nhất phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Cao hơn là phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 7 năm tù. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy trường hợp, có thể phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm, thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”.
Hành vi xả chất thải trái phép ra môi trường là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2020 được quy định như sau: Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt QCKT môi trường ra môi trường; Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định về bảo vệ môi trường.
Phương Anh