Chủ nhật, 24/11/2024 07:53 (GMT+7)
Thứ ba, 30/03/2021 16:56 (GMT+7)

Hóa giải ùn ứ rác: Báo động đỏ thiếu chỗ chôn lấp (Kỳ 1)

Theo dõi KTMT trên

Hẳn người dân Thủ đô đã nhiều phen hú hồn, nín thở với việc rác thải ứ đọng khối lượng lớn, ô nhiễm nồng nặc ở nhiều con phố khi bãi rác lớn của thành phố gặp sự cố, không thể tiếp nhận rác.

Áp lực đó khiến cho nguy cơ “vỡ trận” về đầu ra của rác thải đang hiện hữu. Thực trạng trên hối thúc Hà Nội đưa ra lời giải về đầu ra cho rác thải với ưu tiên: công nghệ và nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường.

TTXVN xin giới thiệu loạt chùm 3 bài đề cập đến vấn đề hóa giải đầu ra của rác thải của Hà Nội.

Bài 1: Báo động đỏ thiếu chỗ chôn lấp

Là đô thị lớn nhất nhì cả nước với xấp xỉ 8 triệu dân, hàng ngày tại Hà Nội lượng rác nói chung (rác sinh hoạt, rác thải rắn xây dựng, rác độc hại, rảc công nghiệp…) thải ra môi trường rất lớn và ngày càng tăng.

Thế nhưng tại Hà Nội chỉ có hai khu xử lý chất thải chính: Nam Sơn và Xuân Sơn. Hiện nay, cả hai khu này đều đang quá tải. Do thiếu chỗ xử lý rác dẫn đến Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều áp lực và hệ lụy từ rác.

Hóa giải ùn ứ rác: Báo động đỏ thiếu chỗ chôn lấp (Kỳ 1) - Ảnh 1
Bãi rác Nam Sơn đang quá tải. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

* Các bãi rác đều quá tải

Những ngày cuối năm 2020, người dân một số quận của Hà Nội đã phải chịu một bầu không khí ô nhiễm do rác thải tồn đọng ở nhiều tuyến đường. Rác thải sinh hoạt không được mang đi xử lý kịp thời, tạo cảnh tượng hãi hùng, nhếch nhác cho bộ mặt đô thị. Từ cửa ngõ phía Tây, quận Nam Từ Liêm sang Tây Hồ, đến một số quận nội đô đều bị ùn ứ rác.

Rác được chất đống cao hàng mét trên xe gom xếp tụ vạ ở nhiều góc phố bốc mùi tanh hôi. Đáng nói đây không phải lần đầu tiên Hà Nội ở vào tình cảnh này. Nguyên nhân là do người dân chặn lối vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn) để phản đối mùi ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ.

Thực tế cho thấy, bãi rác Nam Sơn được xây dựng từ những năm 1996. Sau nhiều lần mở rộng và chia giai đoạn, đến nay bãi này có diện tích đang là khoảng 120 ha.

Dự án được quy hoạch đến năm 2020 với quy mô 157 ha, đến năm 2030 là 257 ha và đến năm 2050 là 280 ha tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ (Sóc Sơn). Bãi có nhiệm vụ xử lý rác của 12 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành Hà Nội. Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) - đơn vị được giao vận hành bãi rác Nam Sơn cho biết, hơn 1 năm nay, khối lượng rác trung bình mỗi ngày đưa vào bãi là khoảng 5.000 tấn, tương đương 1.825.000 tấn/năm.

Nhưng do hoạt động nhiều năm, diện tích mở rộng không đáng kể lại với công nghệ chôn lấp nên các ô chứa, chôn lấp rác của bãi Nam Sơn đang trong tình trạng quá tải, vượt so với thiết kế khoảng 1,69 triệu tấn. Tương tự, ở phía Tây Hà Nội, bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây, Ba Vì) cũng trong tình trạng “no” rác. Bãi được ví như con cóc ngậm hơi, bụng căng phồng và gồ lên cao.

Nhiệm vụ của bãi này tiếp nhận rác từ 12 huyện gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây. Khối lượng rác mỗi ngày được đưa vào đây khoảng 1.500 tấn, trong đó chôn lấp 1.400 tấn, còn lại xử lý đốt 100 tấn.

Trên địa bàn Hà Nội cũng còn bãi rác Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) có chức năng chủ yếu xử lý rác thải y tế và phân bùn bể phốt cho thành phố. Còn hai khu xử lý chất thải đã và đang tạm dừng hoạt động là Khu xử lý chất thải Kiêu Kỵ (Gia Lâm) đã đầy và không thực hiện tiếp nhận rác vào tháng 7/2018; Khu xử lý chất thải Phương Đình (Đan Phượng) được đưa vào vận hành từ năm 2014, tuy nhiên hiện nay đang phải tạm dừng để cải tạo, đổi mới công nghệ.

Ngoài ra, về chất thải rắn xây dựng, thành phố chủ yếu xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại các bãi đổ Vân Nội, Nguyên Khê (Đông Anh) Vĩnh Quỳnh, (Thanh Trì). Duy chỉ còn bãi đổ Nguyên Khê còn khả năng tiếp nhận đến thời gian khoảng nửa đầu năm 2021, với khối lượng nhỏ.

* “Kịch bản” điều phối rác tính từng ngày

Khi các bãi rác trên địa bàn đã không còn xông xênh và ở mức quá tải, Hà Nội đã lên phương án điều phối đường đi của rác theo kiểu “ăn đong” tính từng ngày để lượng rác không bị ùn ứ. Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, cơ quan này đã xây dựng “kịch bản” phân luồng rác một cách tỉ mỉ để rác có quãng đường di chuyển ngắn nhất, hạn chế phát sinh ô nhiễm trong quá trình đưa đến nơi xử lý.

Hóa giải ùn ứ rác: Báo động đỏ thiếu chỗ chôn lấp (Kỳ 1) - Ảnh 2
Một góc bãi rác Xuân Sơn. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Có thể chỉ ra tại bãi rác trọng yếu Nam Sơn được điều phối như sau: từ ngày 1/1 đến 15/2 (46 ngày), khối lượng rác bình quân là 5.000 tấn ngày, sẽ được điều phối đổ tại các ô: 6.1, 6.2 và 1.8 từ cốt +21.00 lên cốt +39.00.

Còn từ ngày 15/2 đến 30/4 (75 ngày) rác tại một số quận nội đô sẽ có đường đi lên bãi Nam Sơn vào ô 3 ở cốt +39.00 và hợp nhất 3 ô gồm: ô 6.1, 6.2 và nam ô 2 lên cốt +39.00. Còn tại bãi rác Xuân Sơn, với khối lượng rác bình quân mỗi ngày khoảng 1.500 tấn cũng được căn chỉnh: từ ngày 10/3 đến 20/5 (70 ngày) rác sẽ được chôn lấp tại ô số 1 từ cốt 35.00 đến cốt 57.00.

Qua việc điều phối trên cho thấy, các bãi đang phải oằn mình để “nuốt” hết số rác thải của Hà Nội. Chỉ cần một bãi rác gặp sự cố sẽ rất có thể nội đô lại bị lâm vào cảnh ngập rác chất đống, phủ bạt chờ giải cứu như đã từng xảy ra nhiều lần trước đó. Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Urenco, bãi rác quá tải gây rất khó khăn cho đơn vị quản lý.

Đó là nguy cơ phát tán mùi rất cao, nước rỉ rác lớn, không chủ động ô chôn lấp, mật độ phương tiện ra vào một khu vực lớn, xe phải leo lên cao nguy cơ tai nạn giao thông, hao tổn nhiên liệu… “Thời điểm sau Tết Nguyên đán khi mà hàm lượng hữu cơ trong rác thải rất cao, cộng với thời tiết nồm ẩm nên rất khó trong việc kiểm soát mùi của bãi rác phát tán ra môi trường”, ông Nguyễn Hữu Tiến nói. Còn đại diện đơn vị thu gom rác ở huyện Phú Xuyên nêu khó khăn: Một xe rác xuất phát từ huyện trên đi tới bãi rác Xuân Sơn phải qua quãng đường từ 70 -75 km.

Nếu thời tiết và giao thông thuận lợi cũng mất từ 2 đến 2 tiếng rưỡi. Do khoảng cách quá xa, thời gian di chuyển lâu, tạo áp lực về thời gian cho lái xe và nguy cơ rò rỉ nước rác ra môi trường rất cao. Theo một số chuyên gia về môi trường, ngoài những vấn đề bất cập nêu trên, Hà Nội đang phụ thuộc quá nhiều vào bãi rác Nam Sơn, nơi thu nhận gần 70% lượng rác thải sinh hoạt của cả thành phố.

Dẫn tới hệ lụy, hễ dân chặn xe rác nội đô sẽ ùn ứ. Vì vậy, làm gì để hóa giải, tháo gỡ nút thắt về chỗ xử lý rác đang là vấn đề đặt ra với Hà Nội hiện nay.

Xem thêm: Hóa giải ùn ứ rác: Trông chờ các dự án quy mô lớn (Kỳ 2)

Mạnh Khánh

Bạn đang đọc bài viết Hóa giải ùn ứ rác: Báo động đỏ thiếu chỗ chôn lấp (Kỳ 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới